Nhiều chủ tàu trong tình trạng thấp thỏm trước nguy cơ lỗ nặng, một số người đã cho tàu nằm bờ chờ giá dầu hạ nhiệt.
Lao đao theo giá xăng dầu
Những ngày đầu tháng 6, một số tàu cá của ngư dân miền Trung neo đậu ở Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới trong thời điểm xăng dầu tăng cao.
Có mặt tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang sáng 12/6, khác hẳn mọi khi, không khí ở âu thuyền thời điểm này vắng lặng hơn, trên nét mặt của mỗi ngư dân hiện rõ nỗi lo lắng, họ khó có thể ra khơi khi mà giá xăng ngày một tăng.
Nguy cơ thua lỗ là điều trông thấy trước mắt, nếu chuyến đánh bắt không đạt kết quả tốt. Bởi vì chi phí bỏ ra cho mỗi chuyến ra khơi thời điểm này đã đội lên rất nhiều so với trước đây.
Đang cùng bạn thuyền chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đánh bắt trong 1 tháng, ông Nguyễn Tèo - chủ tàu cá QNg 94917 cho biết, tàu của ông đã nằm bờ hơn 7 tháng qua khi giá nhiên liệu tăng, đánh bắt không đủ bù chi phí.
Theo ông Tèo, giá hải sản vẫn giữ nguyên trong khi xăng dầu liên tục tăng đã kéo theo nhiều mặt hàng tăng theo khiến ngư dân rơi vào cảnh chưa ra khơi đã lo lỗ.
“Đợt này vào mùa biển nên tôi quyết định đi, dù giá dầu rất cao. Chuyến gần nhất chi phí ra khơi tàu tôi tốn khoảng 700 triệu, nhưng chuyến này thì đã tăng gần 1 tỷ đồng. Nếu chuyến này thu nhập khoảng 900 triệu thì coi như lỗ”, ông Tèo lo lắng.
Chung tâm trạng lo lắng, ông Bùi Tấn Đông chủ tàu cá tỉnh Quảng Ngãi cho hay, mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tháng ông mua khoảng 31.000 lít dầu.
Thời điểm đầu năm với giá dầu gần 19.000 đồng/lít ông bỏ ra gần 600 triệu đồng cho một chuyến đi biển, nhưng nay khi giá tăng lên gần 27.000 đồng/lít thì số tiền bỏ ra mua dầu đã hơn 834 triệu đồng một chuyến đi biển.
Ông Đông chia sẻ: “Tính sơ thế thì thấy số tiền mua dầu mỗi chuyến đi biển của tôi đã tăng thêm hơn 230 triệu đồng. Chưa kể các chi phí như đá, thức ăn, ngư lưới cụ cũng tăng theo”.
Tính tổng chi phí mỗi chuyến đi biển khi dầu chưa tăng thì khoảng 800 triệu đồng còn bây giờ con số tăng lên hơn 1 tỷ đồng.
“Trước kia tháng nào ngư dân chúng tôi cũng ra biển đánh bắt, nhưng bây giờ nhắm chuyến nào đi có mới dám ra khơi, còn không thì nằm bờ. Giá hải sản vẫn giữ nguyên trong khi xăng dầu, vật tư tăng đã khiến ngư dân chịu thiệt rất lớn.
Đi biển huề vốn, thua lỗ thì lấy đâu chia cho bạn thuyền. Nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, chắc chúng tôi phải tính đến việc tạm nghỉ nghề. Mong sao, thời gian tới lãnh đạo chính quyền có phương án hỗ trợ kịp thời để ngư dân chúng tôi còn có động lực bám ngư trường, đánh bắt hải sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Đông bày tỏ.
Mong ngóng xăng dầu… hạ nhiệt!
Ngư dân Ngô Ri (60 tuổi), trú xã đảo Tam Hải, chủ tàu cá QNa 91559 TS, công suất 825CV cho hay, thời điểm này, ngư dân gặp khó khăn là do giá xăng dầu tăng cao liên tục, kéo theo chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa (Việt Nam). Trong khi đó, ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển nhiều ngày hơn và xa hơn, dẫn đến chi phí xăng dầu cũng tăng lên.
“Trước đây, bình thường mỗi chuyến biển, tôi thu về hơn 200 triệu đồng, sau khi thanh toán các khoản chi phí, các bạn thuyền có từ 7 - 15 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Nhưng với mức chi phí tăng cao như hiện nay, mỗi chuyến biển dự kiến sẽ lỗ từ 20 - 50 triệu đồng hoặc hòa vốn. Do đó, rất khó để ngư dân tiếp tục vươn khơi, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo”, ông Ri nói.
Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện có hơn 1.200 tàu thuyền thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó có 600 tàu đánh bắt xa bờ.
Giá xăng dầu tăng cao thời gian gần đây đã đẩy các chủ thuyền vào thế khó. Hiện nhiều tàu thuyền nằm bờ và ngư dân cũng đang tính toán xem làm sao để đảm bảo những chuyến biển mang lại hiệu quả.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch hội Nghề cá TP Đà Nẵng cho hay, thời điểm này ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu tạm ngừng đi biển từ lâu.
Ông Lĩnh cho biết thêm, thời điểm này ngư dân chủ yếu nghe ngóng thông tin nếu khu vực nào có cá nhiều thì mới cho tàu ra khơi. “Nghề đánh bắt tốn xăng dầu nhiều nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lĩnh nói thêm.
Khi mà xăng dầu đang trong thời điểm “phi mã”, mỗi chuyến vươn khơi, bám biển của người dân không chỉ là cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong ngư trường đầy hải sản… mà còn đó là nỗi mong ngóng xăng dầu giảm giá để giảm bớt chi phí, bớt khó khăn!