Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8 - 10 âm lịch, các nhà vườn ở làng mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) lại tất bật với việc chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, tạo dáng để mai ra bông đúng vào dịp Tết.
Chuẩn bị cho thị trường Tết
Đến làng mai vàng Phước Định năm nay, điểm thay đổi dễ nhận ra nhất là xe chạy bon bon trên tuyến đường đan rộng 3 mét. Đây là tuyến đường được xây dựng theo phương thức đường đan rộng 3 mét đầu tiên của huyện Long Hồ và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán mai. Dọc hai bên đường là những cây mai lớn nhỏ được trồng làm hàng rào, cây kiểng trước nhà.
Qua lời giới thiệu chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Hòa. Ông Hòa đang chăm sóc mai trước sân nhà. Nhà ông Hòa đã chuẩn bị hơn 60 gốc mai để bán vào dịp Tết Quý Mão 2023. Mấy ngày qua ông đã khẩn trương chăm sóc, tỉa cành vô gốc để mai ra bông đúng vào dịp Tết.
Ông Hòa cho biết, do năm vừa rồi ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bán mai chậm, năm nay hy vọng sẽ bán được nhiều. Những ngày qua cũng đã có nhiều thương lái từ Sài Gòn và Long An đến vườn ông để xem dọ giá. “Năm nay giá bán cao hơn mọi năm, lái ở Long An, TPHCM xuống nhiều, lái đến tận vườn để mua”, ông Hòa cho biết thêm.
Chia tay gia đình ông Hòa chúng tôi tìm đến nhà ông Tý. Ông Tý trồng mai nối nghiệp cha mình đến nay đã hơn 50 năm. Do lượng mai trong vườn nhà nhiều nên ông thuê thêm ba nghệ nhân đến để phụ với giá 500 nghìn đồng/người/ngày.
“Nhờ cây mai mà cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nơi đây đã trở nên sung túc hơn. Cứ đến Rằm tháng 10 âm lịch, nhiều cây mai đã có người đặt mua và buộc dây làm dấu. Mỗi Tết chỉ cần bán 1 - 2 cây mai là ăn Tết ngon lành rồi. Mai trồng lâu năm, thế đẹp, giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng, nên không cần phải bán nhiều đâu”, ông Tý cho biết.
Ông Trần Văn Hòa chăm sóc mai trước sân nhà. |
Giàu lên nhờ mai
Làng nghề mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước được hình thành cách đây hơn 70 năm. Năm 2009, nơi đây được tỉnh công nhận làng nghề hiện có khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bon sai cùng các loại kiểng khác khoảng 2.500 gốc. Làng có 250 hộ dân chuyên trồng, hàng năm cho thu nhập hàng chục tỉ đồng.
Theo các nhà vườn, thời gian từ tháng 10 âm lịch đến nay, nhiều thương lái từ TPHCM, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang… đã tìm đến làng mai vàng để khảo sát thị trường và đặt mua mai Tết, dù giá mai năm nay tăng hơn trước khoảng 15%. Trong tổng số hơn 6.800 gốc mai được uốn sửa công phu của làng mai Phước Định năm nay đã có hơn 4.600 gốc đang đơm nụ sẵn sàng phục vụ Tết.
Đặc biệt, ở làng mai này, các nhà vườn trồng mai gốc với nhiều kích cỡ, từ mai cổ thụ cho đến mini, tất cả đều được tạo dáng rất đẹp và uốn tỉa khá công phu. Giá bán cũng dao động từ vài trăm ngàn đến 300 hoặc 400 triệu đồng/cây tuỳ theo tuổi cây, kiểu dáng, thế uốn, cá biệt có những gốc mai giá hơn 1 tỉ đồng.
Với kinh nghiệm gần 40 năm gắn bó với nghề trồng mai, ông Tiêu Hùng Minh (xã Bình Hòa Phước) cho biết, cây mai vàng đã mang đến kinh tế ổn định cho nhiều gia đình nơi đây. Từ chăm lo việc học cho đến sắm sửa trang hoàng nhà cửa, tất cả đều trông chờ chủ yếu từ nguồn thu nhập bán mai vào dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, để có được một cây mai đẹp, bán được giá cao trong ngày Tết thì đòi hỏi người trồng mai phải mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa và định thế cho chậu mai, hội tụ đủ 4 yếu tố “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ”. Chính vì là nguồn thu nhập chính nên hàng năm lúc này là lúc các nhà vườn trồng mai phải đầu tư công sức chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Đẳng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Phước cho biết: “Kinh tế chính của bà con ở đây là trông vào cây mai. Hiện hai ấp thuộc làng nghề chỉ còn 2 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Cuối năm 2022 ấp sẽ được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu”.
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh Phước Định là làng nghề đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long nên cần phải phát huy hết thế mạnh sẵn có của hợp tác xã.
Chính quyền cần quan tâm hỗ trợ hợp tác xã tiếp tục quảng bá sản phẩm mai vàng Phước Định, đưa thương hiệu cây mai vàng đi ngày càng xa, đặc biệt là thu hút khách du lịch đến nơi đây, cần xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề. nhất là khi tuyến giao thông đã hoàn thiện.