Mai vàng: Loài hoa xuân thuần Việt

GD&TĐ - Trước tiên, cần xác định rằng họ Mai được quốc tế định danh khoa học bằng tiếng Latinh là Ochnaceae.

Mai cúc, mỗi đóa nở 120 cánh hoa. 	Ảnh: Phanxipăng
Mai cúc, mỗi đóa nở 120 cánh hoa. Ảnh: Phanxipăng

Tuy nhiên, nhiều loài hoa tuy được gọi mai nhưng không phải họ Mai / Ochnaceae, như cây mơ ta Prunus mume Siebold & Zucc. và cây mơ tây Prunus armeniaca L. đều thuộc họ Hoa hồng / Rosaceae mà Báo GD&TĐ số 51 (thứ Hai 1/3/2021) đã nêu.

Cùng họ Hoa hồng, không phải họ Mai, còn có cây nhất chi mai / nhị độ mai, tên khoa học Prunus mume Sieb & Zucc..

Mai chiếu thủy Wrightia religiosa (Teijsm.et Binn.) Hook.F. và mai chỉ thiên / mai vạn phúc / mai tiểu thư Wrightia antidysenterica (L.) R.Br. đều thuộc họ Trúc đào / Apocynacee, không phải họ Mai.

Ở Quận 11, TPHCM, trong khuôn viên chùa Gò / Phụng Sơn tự (được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 16/11/1988), có cây mai trắng / bạch mai / nam mai nổi tiếng bởi từng khơi nguồn cảm hứng cho một trong “Gia Định tam gia” thời Nguyễn là nhà thơ, nhà văn, sử gia Trịnh Hoài Đức (1725 - 1825; tác giả “Gia Định thành thông chí”) và các cây bút cùng thời viết nên tập “Mộng mai đình”. Cây mai nọ cũng là biểu tượng của thị xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi “vang bóng một thời” ở Nam Bộ vào thế kỷ XIX: Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, v.v.. Cây bạch mai / nam mai nọ có tên khoa học Ochrocarpussiamensis var.odoratissimus Pierre thuộc họ Mù u / Guttiferae, không phải họ Mai.

Loài hoa xuân thuần Việt

Từng đảm trách mảng thực vật trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn là chuyên viên lâm học dày kinh nghiệm Trương Đấu / Ba Đấu. GS.TSKH Phạm Hoàng Hộ, tác giả bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”, tôn vinh ông Ba Đấu là “pho từ điển sống về phân loại thực vật”. Ông Ba Đấu nhiều lần khẳng quyết:

- Xét về phương diện phân loại học thực vật, thật sự thuộc họ Mai / Ochnaceae, có thể nêu 2 đại biểu: Mai vàng Ochna integerrima (Lour.) Merr. và mai đỏ / mai tứ quý Ochna atropurpurea DC.

Do trổ hoa dịp Tết Nguyên đán cổ truyền nên mai vàng được yêu chuộng hơn cả. Thêm âm “mai” hao hao với “may” nghĩa là hên, mai vàng càng được quý trọng. Ông Ba Đấu thêm:

- Là tinh tuý của đất trời và của con người, hoa nào cũng đáng yêu đáng quý. Riêng tôi, tôi ưu ái hoa mai. Không phải mai nói chung, mà mai vàng. Vì đó là một loài hoa xuân thuần tuý Việt Nam.

Địa bàn phân bố mai vàng

Mai vàng phân bố tự nhiên hầu khắp nước ta, nhiều nhất từ rặng Trường Sơn - khởi đầu tại thượng nguồn nậm Khang / ngàn Cả / sông Lam trên đất Lào giáp tỉnh Nghệ An - vào Nam.

Lưu ý rằng nhiều địa phương ở miền Bắc có mai vàng, nổi tiếng nhất là khu vực rừng núi Yên Tử tọa lạc giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.

Viện Nghiên cứu Rau quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử”. TS Đặng Văn Đông, chủ nhiệm đề tài này, báo cáo đã phát hiện tại Yên Tử những cội mai vàng thọ 700~800 năm có đường kính gốc 40~50cm.

Mỗi dịp xuân sang, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội mai vàng Yên Tử càng góp phần quảng bá loài thực vật bản địa đặc trưng này.

Mai vàng tại Hội hoa xuân Tân Sửu 2021 trong công viên văn hóa Tao Đàn, Sài Gòn. Ảnh: Phanxipăng
Mai vàng tại Hội hoa xuân Tân Sửu 2021 trong công viên văn hóa Tao Đàn, Sài Gòn. Ảnh: Phanxipăng

Số lượng cánh, sắc & hương hoa mai vàng

Mai vàng miền Bắc và miền Trung, mỗi đóa hoa nở 5 cánh (có nghệ nhân cây cảnh gọi tai / tay). Còn mai vàng miền Nam thì số lượng cánh mỗi hoa hơn 5, ví dụ cụ thể:

* Mai Sa Đéc, Đồng Tháp: 9 cánh

* Mai Thủ Đức: 12 cánh

* Mai Huỳnh Tỉ, gốc Bến Tre: 24 cánh

* Mai Gò Đen, Long An: 48 cánh

* Mai cúc, gốc Bến Tre: 120 cánh

Phóng sự “Cốt cách mùa xuân” của Phanxipăng từng đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 170 (số đặc biệt Tết Ất Hợi 1995) rồi in thành sách (NXB Thuận Hóa, Huế, 1997) đã đặc tả chi tiết tiến trình dõi tìm sự thăng tiến số lượng cánh mỗi hoa mai vàng, đoạn nêu sự thật đáng lưu ý rằng tất cả hoa mai đều hữu sắc, vô hương, ngoại trừ mỗi một giống quý hiếm mang tên mai ngự / mai hương từng được “Minh Mệnh thánh chế” ghi nhận: “hoa có 5 cánh; nhuỵ như ngọc; lòng hoàng đàn; cùng giống mai trắng, nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn.”

Hoa mai trong văn chương

Thuở xưa, thơ văn Việt Nam, cũng như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên (nay gồm Bắc lẫn Nam Hàn), đề cập chủ yếu hoa mai màu trắng, tức hoa mơ ta / mơ Đông Á / mơ Nhật Bản / mơ chùa Hương. Song, với bằng chứng nông lâm học nêu trên, hậu thế có thể nghĩ rằng thơ / kệ như “早梅/ Tảo mai / Hoa mai nở sớm” gồm 2 bài của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) sáng tác về hoa mai vàng mãn khai từnhững cội hiện có tuổi thọ 8 thế kỷ trên núi Yên Tử.

Ngô Thì Nhậm / Ngô Thời Nhiệm (1745 - 1803) làm bài thất ngôn bát cú “積雨玄珍 / Tích vũ Huyền Trân / Mưa dầm ở đảo Huyền Trân” chắc chắn nhắc hoa mai vàng ngay dòng thứ nhì / thừa đề:

玄珍灑盡幽愁淚,

化作春梅夜雨聲。

Phiên âm:

Huyền Trân sái tận u sầu lệ,

Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh.

Bản Việt dịch bởi nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên:

Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,

Đêm xuân, mai đọng lệ trên cành.

Đảo Huyền Trân còn gọi đảo Ngọc, đảo Sơn Chà, hòn Chảo, cù lao Hàn, rộng 1,6km2, hiện thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi ấy, công chúa Trần Huyền Trân được Trần Khắc Chung đưa đến nhằm tránh bão trong chuyến hải hành hồi hương vào năm Đinh Mùi 1307. Từ xưa đến nay, trên đảo Huyền Trân, mỗi dịp xuân về, mai nở hoa vàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.