Lắng nghe để thấu hiểu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Yêu thương, an toàn và tôn trọng” đó là ba mục tiêu trường học hạnh phúc hướng tới...

Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) chia sẻ tâm tư qua hộp thư “Điều em muốn nói”.
Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) chia sẻ tâm tư qua hộp thư “Điều em muốn nói”.

Những mong muốn, tâm sự tưởng chừng giản đơn của học sinh tiểu học thông qua hộp thư “Điều em muốn nói” là cơ sở để giáo viên, phụ huynh thấu hiểu và có phương pháp giáo dục phù hợp.

Để trò được nói

“Con mong bố mẹ dành nhiều thời gian cho con”, “Dù mọi người nói gì thì mẹ mãi là mẹ của con, mẹ ơi trở về nhé!”, “Xin bố mẹ đừng so sánh, tạo áp lực với con”, “Con muốn được bố mẹ chở đi chơi vào cuối tuần”, “Có nhiều chuyện em muốn nói nhưng bố mẹ không có thời gian lắng nghe. Nhiều khi em rất buồn chỉ muốn bố mẹ san sẻ công việc để nói chuyện với em một chút”…

Những dòng nhắn nhủ tưởng như đơn giản nhưng lại là những lời chưa một lần dám nói của học sinh Trường Tiểu học Bắc Hồng (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã gửi gắm vào hộp thư “Điều em muốn nói” của lớp và được cô giáo chủ nhiệm chia sẻ đến phụ huynh.

Mô hình hộp thư “Điều em muốn nói” được Trường Tiểu học Bắc Hồng triển khai nhiều năm qua với hình thức mỗi lớp đặt một hộp. Các hộp thư được giáo viên trang trí sinh động, bắt mắt, đặt ở vị trí dễ quan sát nhất trong lớp; đồng thời chuẩn bị những tờ giấy sắc màu để học sinh chủ động viết tâm tư, tình cảm, ước mơ gửi vào hộp thư. Mỗi buổi sinh hoạt lớp, giáo viên sẽ kiểm tra hộp thư và tổng hợp lại những mong muốn của học sinh. Những điều thuộc phạm vi nhà trường, sẽ được giáo viên giải quyết, phạm vi gia đình chuyển lại cho phụ huynh.

“Giáo viên khuyến khích các em viết lên suy nghĩ mỗi ngày bỏ vào hộp thư. Ngoài ra, hàng tháng sẽ cho các em sinh hoạt với hình thức này theo các chủ đề khác nhau. Các em tự thảo luận và viết ra ý kiến, suy nghĩ của mình về vấn đề nào đó. Ví dụ, tháng 11 chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, học sinh được làm thiệp chúc mừng và nêu ý kiến về giáo viên. Dịp cuối năm học, viết những dự định, gửi gắm của học sinh khi chuẩn bị lên lớp, cấp học mới…”, cô giáo Nguyễn Hồng Hà, chủ nhiệm lớp 5A6 cho biết.

Từ đầu năm học đến nay, 12 hộp thư “Điều em muốn nói” ở tất cả các lớp học Trường Tiểu học Thạch Lưu (huyện Thạch Hà) đã tiếp nhận hàng trăm ý kiến, tâm tư của học sinh. Hộp thư còn trở thành nơi lưu giữ nguồn thông tin quý báu để nhà trường lắng nghe, triển khai các hoạt động ngoại khóa thiết thực, phù hợp, thu hút học sinh. Qua thư, thầy cô cũng nắm được tình hình học sinh chưa ngoan, không tiến bộ trong học tập, vi phạm nội quy nhà trường để có sự quan tâm, biện pháp giáo dục linh hoạt.

Em Trần Lê Phương Thảo, lớp 2B chia sẻ: “Từ khi có hộp thư em đỡ ngại đóng góp ý kiến với cô và bạn. Đầu năm học, em thấy nhiều bạn xả rác nhưng sợ nói ra các bạn giận. Vì vậy, em viết điều này lên giấy và cho vào hộp thư, việc xả rác đã được cải thiện còn em vẫn duy trì được tình bạn”.

Theo cô giáo Trần Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Lưu, để trẻ em mạnh dạn nói ra những điều suy nghĩ không phải chuyện dễ dàng. “Giáo viên phải luôn tạo cho các em niềm tin, sự tôn trọng một cách chân thành. Đầu giờ sáng, chúng tôi luôn dành thời gian 5 phút để học sinh chia sẻ các câu hỏi: Hôm nay bạn thế nào? Bạn mong muốn điều gì? Cứ như vậy, các em dần bỏ được khoảng cách và nói lên điều suy nghĩ”, cô giáo Trần Thị Hồng, chia sẻ.

Kéo gần yêu thương

Năm học 2022 - 2023, phụ huynh lớp 5A6 Trường Tiểu học Bắc Hồng đã có buổi họp phụ huynh đầu năm không quên. Đó là lần đầu tiên phụ huynh được đọc những bức thư, gửi gắm “điều con muốn nói” do giáo viên chủ nhiệm khuyến khích các em viết và gửi đến bố mẹ.

Nhiều câu hỏi, bộc bạch thẳng thắn, hồn nhiên của học sinh được giáo viên đọc lên khiến cha mẹ phải day dứt. Trường hợp em học sinh có tên Aron là một ví dụ. Em sinh ra ở nước ngoài, 4 tuổi bố Aron qua đời. Một mình mẹ không thể chèo chống nơi xứ người nên gửi em về ông bà. Aron có hành trình quay về quê hương chỉ một mình. Dù được ông bà thương yêu, quan tâm nhưng Aron luôn thấy trống trải, học hành sa sút. Trong hộp thư, Aron viết: “Mẹ sắp về chưa? Con nhớ mẹ vô cùng. Con chỉ mong được mẹ đưa đi học như các bạn thôi…”.

“Vì điều kiện kinh tế, có thể mẹ em sẽ rất lâu nữa mới thực hiện được mong muốn. Nhưng những lời Aron giãi bày sẽ trở thành động lực để mẹ em kéo gần thời gian thực hiện lời hứa. Bản thân tôi, qua tâm sự biết được hoàn cảnh em đã động viên để giúp em vượt qua nỗi buồn, đạt kết quả tốt trong học tập”, cô giáo Nguyễn Hồng Hà bày tỏ.

Qua buổi họp phụ huynh, nhiều bố mẹ phải nhìn nhận lại cách quan tâm, giáo dục con cái tại gia đình. “Khi đọc những tâm sự của con, phụ huynh đều lặng đi. Ai nấy cũng bất ngờ trước điều con mong mỏi. Sau buổi họp, tôi và vợ đã ngồi lại với nhau điều chỉnh công việc để dành thời gian cho con cái. Dù chỉ thay đổi nhỏ nhưng thấy con về nhà hoạt bát, không khí gia đình gần gũi tôi rất vui…”, anh Trần Văn Quế, phụ huynh lớp 5A6 cho biết.

Không chỉ là cầu nối giữa phụ huynh và học sinh, hộp thư còn kéo gần khoảng cách cô trò. Bằng cách check-in cảm xúc học sinh qua hộp thư mỗi ngày, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Trường Tiểu học Thạch Hải (huyện Thạch Hà), có thể nắm bắt tâm lý học sinh để kịp thời hỏi han, chia sẻ.

“Được lắng nghe, thấu hiểu, học sinh sẽ hứng khởi hơn khi đến trường. Trong các giờ học, các em vui vẻ và tự tin khi thoải mái phát biểu xây dựng bài, tích cực tham gia các hoạt động. Từ đó giúp các em học tập tiến bộ, thêm yêu trường lớp và cảm nhận ‘Mỗi ngày đến trường, lớp là một ngày vui’”, cô Phượng cho hay.

Theo ông Lê Văn Phương – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, hộp thư được triển khai thực hiện tại nhiều trường học trên địa bàn. Hoạt động đã giúp nhà trường nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để kịp thời giải quyết thắc mắc, chia sẻ. Đặc biệt, hoạt động được các em hưởng ứng và háo hức tham gia, nhiều em còn dành thời gian trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi bỏ vào hòm thư...

“Yêu thương, an toàn và tôn trọng” đó là ba mục tiêu trường học hạnh phúc hướng tới. Trong đó tiếng nói của học sinh cần được gia đình, nhà trường, xã hội lắng nghe, tôn trọng. Từ đó, hiệu trưởng, giáo viên tự điều chỉnh để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng; tạo tâm lý tự tin, giúp trẻ phát triển toàn diện, phát huy hết tố chất, tiềm năng. - Ông Lê Văn Phương (Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ