Lắng nghe học sinh nói

GD&TĐ - Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhiều trường ở tỉnh Đồng Tháp tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo trường với các em. Những trải lòng của trò về thầy, thầy với trò là cách để sẻ chia, gắn kết học sinh với nhà trường. Cũng từ đây bao “mối tơ lòng” cùng được thầy, trò tháo gỡ…  

Các em học sinh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp). Ảnh: C. Chánh
Các em học sinh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp). Ảnh: C. Chánh

Cho học trò “sổ lồng”

Từ nhiều năm qua, đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh trở thành hoạt động thường xuyên của các trường phổ thông trong tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, học sinh trường THCS, THPT là đối tượng lãnh đạo nhà trường đặc biệt hướng đến trong buổi đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe các em. Sau mỗi cuộc đối thoại là những nụ cười, niềm tin và mối quan hệ giữa nhà trường - học sinh; thầy cô giáo - học sinh thêm gắn kết, chia sẻ và hiểu nhau hơn.

Buổi đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và học sinh Trường THPT Tràm Chim (Đồng Tháp) vừa được tổ chức thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ban giám hiệu đã lắng nghe hơn 20 ý kiến trực tiếp và gián tiếp của học sinh. Các ý kiến đề cập hầu hết các lĩnh vực trong nhà trường: Tài liệu học tập; Các quy chế, quy định của trường đối với học sinh; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện phục vụ công tác dạy và học, nghiên cứu khoa học của học sinh.

Đặc biệt là vấn đề liên quan đến môi trường sư phạm như: Văn hóa ứng xử trong nhà trường, nhà gửi xe, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động ngoại khóa, vệ sinh môi trường. Hay vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của người học: Học bổng, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế…

Từ cuộc đối thoại này, học sinh như được “sổ lồng” để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình cùng các bạn để môi trường học đường thêm thân thiện, hạnh phúc. Cô Mai Thị Thùy Trang - Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tràm Chim (Đồng Tháp) cho biết: “Đây là diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh, giúp nhà trường nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng liên quan đến học tập, rèn luyện, nội quy, quy định, các chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của học sinh trong giai đoạn học tập tại trường. Các em cũng được bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình trong quá trình học tập, đồng thời đóng góp những ý tưởng, sáng kiến cho sự phát triển của trường”.

Tại Trường THCS - THPT Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), buổi đối thoại giữa lãnh đạo trường với học sinh năm nay có nét mới hơn năm trước là được tổ chức dưới sân cờ. Với cách làm này, lãnh đạo nhà trường mong muốn các chủ trương, chế độ chính sách của nhà trường được 100% học sinh tiếp thu và sẽ nhận được các ý kiến đề xuất từ phía học sinh.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Thúy - Bí thư Đoàn Trường THCS - THPT Phú Thành A: “Lãnh đạo trường đã nhận được hơn 20 câu hỏi đến từ tập thể các lớp liên quan đến công tác phong trào, xây dựng cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục kỹ năng sống… Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, Ban giám hiệu nhà trường giải đáp rõ ràng những vấn đề các em quan tâm và sẽ tiếp tục giải đáp thắc mắc cho học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ tiếp theo nếu các em còn có câu hỏi muốn đặt ra với nhà trường”.

Lãnh đạo Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp) đối thoại trực tiếp với học sinh. Ảnh: C. Chánh
Lãnh đạo Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp) đối thoại trực tiếp với học sinh. Ảnh: C. Chánh 

Thầy, trò cùng gỡ khó

Đối thoại giữa lãnh đạo trường với học sinh hướng tới sự dân chủ, cởi mở về thông tin. Đối thoại thẳng thắn để tháo gỡ khó khăn và tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động dạy và học đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người học. Thông qua buổi đối thoại, nhà trường nắm bắt tư tưởng của học sinh, những vướng mắc, khó khăn và những đề xuất của học sinh trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt… từ đó có biện pháp thích hợp để giải quyết trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm. Với ý nghĩa như thế, hoạt động đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo nhà trường luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, với quan điểm lấy người học làm trung tâm, hoạt động đối thoại đã phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, các em cũng được chia sẻ thêm nhiều thông tin về trường để có thể hiểu và ủng hộ các chính sách, định hướng của trường, xác định vị trí và vai trò của mình trong bức tranh tổng thể chung. Lãnh đạo nhà trường cũng nắm được nguyện vọng của học sinh để điều chỉnh lại hoạt động quản lý, giảng dạy sao cho phù hợp hơn với thực tế và với nhu cầu của người học…

Buổi đối thoại diễn ra trong không khí gần gũi, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Ban giám hiệu nắm được tâm tư nguyện vọng của học sinh, từ đó có cách điều chỉnh trong công tác quản lý, giúp các em yên tâm học tập, có tâm thế thoải mái khi đến trường.
                                                                    Cô Huỳnh Thị Thu Thúy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.