Lan tỏa “Điều ước cho em”: Lắng nghe để chia sẻ

GD&TĐ - Chương trình “Điều ước cho em” nhằm kết nối giữa các nhà trường, cá nhân có điều kiện tốt hơn với những trường, điểm trường và những nơi thầy cô, học sinh còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao quà cho HS Trường Mầm non Cẩm thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Lài
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao quà cho HS Trường Mầm non Cẩm thạch, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Hồ Lài

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về chương trình ý nghĩa này. 

- Vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp các Bộ, ngành liên quan triển khai chương trình “Điều ước cho em”. Thứ trưởng đánh giá thế nào về những thành công bước đầu của chương trình?

- Ngày 23/12/2020, Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch 1665 triển khai chương trình “Điều ước cho em” với mục đích hỗ trợ học sinh và cơ sở GD ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra để tổ chức bữa ăn trưa  bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, cung cấp nhu cầu thiết yếu cho học sinh; khắc phục tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất... phục vụ công tác giảng dạy của GV, hoạt động của nhà trường.

Trong đó, Bộ yêu cầu triển khai chương trình lan tỏa đến các cơ sở GD, nhất là nơi khó khăn, ảnh hưởng bão lũ, lụt và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Các hoạt động của chương trình bảo đảm thiết thực, hiệu quả; nguồn lực vận động hỗ trợ bảo đảm đúng mục đích; huy động  nguồn lực xã hội hóa, sự chung tay của cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp cơ sở GD vượt qua  khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động GD.

Trong hơn 1 tháng triển khai, chương trình đạt được những thành công bước đầu. Ngày 24/12/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, khởi động chương trình “Điều ước cho em”. Sau đó, chương trình tiếp tục được triển khai tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh. Những phần quà của chương trình góp phần giúp thầy trò vùng khó thêm động lực vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp.

- Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt, tri ân và ký thoả thuận hợp tác với hơn 20 đơn vị nhằm triển khai kế hoạch “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025”. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung của kế hoạch này?

- Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025” được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 11/1/2021, để thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2025 và hưởng ứng chương trình “Điều ước cho em”.

Giữ vai trò kết nối, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban điều phối để đôn đốc triển khai kế hoạch và các văn bản ký kết; ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp GD-ĐT. Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2021, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tối thiểu tại 10 tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng trường học tối thiểu tại 30 tỉnh,  bảo  đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng mô hình và nhân rộng, phát triển, lan tỏa cộng đồng giai đoạn 2025 - 2030. 

Tại mỗi tỉnh, UBND lựa chọn một huyện khó khăn để đầu tư, mỗi huyện chọn 20 trường, trong đó, có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS. Mỗi trường chọn 1 giáo viên, 1 cán bộ quản lý cơ sở GD và 10 trẻ em, học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt khó để tặng quà theo mức quy định trước khi khảo sát hoặc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực. 

Triển khai kế hoạch này, ngành GD hướng tới đẩy mạnh kết nối nguồn lực xã hội, giúp các địa phương, cơ sở GD xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định; bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Sự tham gia của các nguồn lực xã hội được kỳ vọng góp phần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ GV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giúp trẻ em và HS dân tộc thiểu số, HS có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập. 

Đồng thời, các nguồn lực xã hội sẽ hỗ trợ triển khai áp dụng số hóa để quản lý GD, tạo điều kiện cho các cơ sở GD giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu phần mềm hỗ trợ việc dạy và học.

- Thưa Thứ trưởng, nguồn lực xã hội có ý nghĩa thế nào với ngành    Giáo dục?

- Giai đoạn 2015 - 2020, Bộ GD&ĐT ban hành và ký kết các văn bản hợp tác với nhiều cơ quan tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ    GD-ĐT. Các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã kết nối nguồn lực, tiếp nhận kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ cơ sở GD; đề xuất hỗ trợ bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; đề xuất xây dựng, duy tu công trình nước sạch, vệ sinh trường học… 

Tuy nhiên, hiện các trường học trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn: 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học; tỉ lệ phòng học thiếu kiên cố còn 24,6%; tỉ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn là 30,6%; tỉ lệ thiết bị tại các cơ sở GD chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy học. Môi trường học đường tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, phổ biến tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, miền núi, biên giới, hải đảo. 

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, dịch bệnh, Bộ GD&ĐT xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng. Bộ GD&ĐT mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân trong và ngoài nước đồng hành với ngành GD. Đây chính là nguồn động viên thiết thực, to lớn giúp các trường, điểm trường, giáo viên, học sinh vùng khó khăn có điều kiện dạy, học tốt hơn.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo thống kê, nhiều trường học tại các vùng miền núi, biên giới còn khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường; chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập luyện thể thao để thực hiện chương trình giáo dục thể chất còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng HS bỏ học, thể vóc thấp bé; quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ gặp nhiều khó khăn. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ