Lắng nghe học sinh nói

GD&TĐ - Năm 2018, một nữ sinh đã bật khóc khi chia sẻ về cô giáo dạy Toán trong suốt 3 tháng chỉ chép bài lên bảng mà không giảng bài.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Cô không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài” - lời kể, bắt đầu câu chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí khi đó, là trong một chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM với học sinh tiêu biểu.

Đây là hoạt động thường niên của Sở GD&ĐT TPHCM nhằm lắng nghe chia sẻ của học sinh, cũng như đề xuất giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác giáo dục. Câu chuyện này có thể được coi là ví dụ khá điển hình, thể hiện vai trò quan trọng của đối thoại học đường, nơi học sinh được nói lên tiếng nói của mình và được thực sự lắng nghe.

Ngày 19/5/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT, hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập. Trong đó ghi rõ 5 nội dung người học tham gia ý kiến, gồm: Kế hoạch

GD-ĐT hằng năm của cơ sở giáo dục; Những thông tin có liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các khoản đóng góp theo quy định; Chế độ chính sách của Nhà nước; Nội quy, quy định của cơ sở giáo dục có liên quan đến người học; Tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động khác trong cơ sở giáo dục có liên quan đến người học. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều học sinh biết rõ quyền của mình với các hoạt động trong nhà trường; cùng với đó, lãnh đạo nhiều trường không, hoặc ít quan tâm đến vai trò này của người học.

Nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục đều có cách riêng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Các em có thể có ý kiến trực tiếp hoặc thông qua người đại diện với hiệu trưởng; thông qua đối thoại tại cơ sở giáo dục; qua phiếu hỏi, hay hộp thư điện tử của đơn vị...

Tuy nhiên, yếu tố quyết định hoạt động này chỉ là làm cho có hay mang lại hiệu quả thực sự có lẽ là ở nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu nhà trường. Nếu hiệu trưởng thực sự muốn lắng nghe học trò sẽ có nhiều cách làm và chắc chắn làm hiệu quả.

Đơn cử như thầy Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) sẵn sàng biến mình trở thành một “tổng đài” khi công khai số điện thoại trên một tấm pa-nô lớn ngay cổng trường. Mọi thông tin học trò phản ảnh đều được thầy tiếp nhận, tìm cách xử lý thấu đáo, bằng cách này hay cách khác.

Một cách làm đã được thực tế chứng minh hiệu quả là tổ chức “đối thoại học đường”. Đây được coi là hướng mở tích cực để nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh cùng chung sức vun đắp tinh thần dân chủ học đường.

Có lẽ bởi vậy, yêu cầu “phát triển mô hình đối thoại học đường để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong trường học” được ghi rõ trong Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 của ngành Giáo dục.

Thực hiện điều này, xin nhấn mạnh lại vai trò của người đứng đầu nhà trường, coi đây là hoạt động quan trọng trong năm học, đưa vào kế hoạch giáo dục hằng năm. Cùng với đó là những quy định để khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến, nếu không sẽ rất dễ rơi vào hình thức, không hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.
Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.