PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng:

Lãng mạn trong viết văn, nghiêm cẩn trong nghề giáo

GD&TĐ - Cuộc đời PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã và đang trải qua 2 nghề, đó là nhà văn và nhà giáo.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (thứ hai, từ phải qua) trong Hội thảo văn hóa '80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam'. Ảnh: NVCC
PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (thứ hai, từ phải qua) trong Hội thảo văn hóa '80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam'. Ảnh: NVCC

Là nhà văn nhưng đồng thời là một nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học nên người ta có thể thấy PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) tổng hòa của sự lãng mạn trong viết văn, sự nghiêm cẩn trong nghề giáo.

Nuôi dưỡng niềm đam mê

PGS.TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng sinh năm 1961 tại vùng mỏ Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh). Trong con người bà là sự hòa quyện 2 hai dòng máu của 2 hai miền quê giàu trầm tích văn hóa, đó là xứ Huế quê cha và Kinh Bắc quê mẹ.

Những năm thiếu thời, bà rất thích đọc sách văn học và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Mẹ của bà đã tinh tế khi phát hiện niềm đam mê văn chương của con gái, dẫu trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ ác liệt vẫn luôn ở bên khích lệ, động viên, nuôi dưỡng niềm đam mê cho con với những món quà tặng chính là các cuốn sách văn học.

Như con kiến nhẫn nại tha mồi, bà đã có “thư viện” sách văn học trong nhà. Dẫu trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyển nhà nhiều lần nhưng bà vẫn mang theo, nâng niu những cuốn sách đã ố vàng màu thời gian và luôn âm thầm ao ước trở thành người viết văn.

Tình yêu với văn chương nghệ thuật cứ nhen lên mỗi ngày, rồi Bích Hồng “lọt” vào đội tuyển của tỉnh Quảng Ninh thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Năm 1973, Bích Hồng vinh dự được đi dự Trại hè Thiếu nhi quốc tế Artek ở Liên Xô (cũ).

Năm 1979, bà vào học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp lại trở về dạy văn tại chính ngôi trường cấp III bà từng theo học. Năm 2000, bà “rẽ bước sang ngang” về đầu quân tại Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, sau đó chuyển sang đảm trách vị trí giảng viên cao cấp của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Bà còn tham gia thỉnh giảng tại một số cơ sở đào tạo khác, như: Đại học Văn hóa - Nghệ thuật quân đội, Đại học Nội vụ…

Tri ân người lính

Tập sách 'Vệ đê trong đêm trăng' của Lê Thị Bích Hồng

Tập sách 'Vệ đê trong đêm trăng' của Lê Thị Bích Hồng

Khi học cao học, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã mạnh dạn chọn đề tài “Hình tượng người lính trong thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” - điều ít thấy đối với những học viên cao học.

Kết quả bảo vệ luận văn Thạc sĩ loại xuất sắc đã thôi thúc bà tiếp tục nghiên cứu ở trình độ cao hơn. Bà vẫn trung thành với nền thơ kháng chiến chống Mỹ cho luận án Tiến sĩ văn chương của mình, trong đó anh bộ đội Cụ Hồ trở thành hình tượng thẩm mỹ trung tâm.

Kết quả của công trình nghiên cứu đó là 2 cuốn chuyên luận “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Đó cũng là cơ duyên đưa PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đến với “ngôi đền văn chương”, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tưởng đã yên vị với vị trí viết lý luận phê bình, ai dè một nội lực tiềm ẩn chỉ chờ bùng phát trong PGS.TS Lê Thị Bích Hồng khiến không ít người ngạc nhiên khi nhà lý luận phê bình liên tiếp cho ra mắt những tập truyện ký đầy ắp những nỗi niềm về người lính và người phụ nữ thời hậu chiến.

Đó là tập truyện ký “Vệ đê trong đêm trăng” (NXB Quân đội nhân dân, 2015) với những truyện và ký giàu chất thơ về những con người kiên cường, dũng cảm, đối mặt với hy sinh gian khổ, chan chứa tình người, thấm đẫm tình đồng chí, như: “Sinh ngày 3 tháng 3”, “Trái tim đàn bà nấc”, “Người đàn ông của mẹ”, “Hành trình về quê nội”, “Vẫn có cha trong cuộc đời con”…

Tập truyện ký này cũng đã được nhận Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong đó tên truyện ngắn “Vệ đê trong đêm trăng” được đặt làm tựa sách.

Truyện ngắn viết về mối tình đẹp như một bài thơ của đôi bạn trẻ trong hoàn cảnh chiến tranh với cái kết ám ảnh, xúc động, ấm áp, thấm đẫm chất nhân văn.

Ngoài ra, trong tập truyện ký này còn có truyện ngắn “Sinh ngày 3 tháng 3” đã từng đoạt giải Nhì trong cuộc vận động sáng tác về Bộ đội Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức.

Đó là câu chuyện về một cậu học sinh nghèo, thông minh, hiếu học nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên sinh ra nghịch ngợm, ham chơi, quậy phá.

Được cô giáo người Hà Nội cảm hóa bằng tình yêu và lòng nhân ái, sau này, cậu học trò đã quyết tâm học tập trở thành người lính Biên phòng kiên cường, dũng cảm.

Trong một lần truy bắt tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, người lính ấy đã hy sinh đúng ngày 3 tháng 3 - Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng…

Ở tập truyện ký “Vệ đê trong đêm trăng”, người đọc bắt gặp những xung đột giàu kịch tính và cách xử lý tình huống khéo léo. Nhân vật rất đẹp từ ngoại hình đến tính cách.

Kể cả phải đối mặt với mất mát, hy sinh, nhân vật trong tác phẩm không làm người đọc có cảm giác bi lụy mà cao hơn là thông điệp nhà văn mang tới: “Cái chết gieo mầm cho sự sống”.

Dường như đó là một mô típ khá quen thuộc văn học kháng chiến nhưng dưới con mắt tinh tế, lối viết văn trẻ trung đầy chất thơ, cách xử lý tình huống tài tình, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã định hình một phong cách riêng cho mình ở chính cách xây dựng nhân vật như vậy.

Dạt dào tình yêu Trường Sa

PGS,TS Lê Thị Bích Hồng và con trai Đỗ Quang Thùy trên tàu HQ 957 ra Trường Sa. Ảnh: NVCC
PGS,TS Lê Thị Bích Hồng và con trai Đỗ Quang Thùy trên tàu HQ 957 ra Trường Sa. Ảnh: NVCC

Năm 2011, khi tham gia đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương ra Trường Sa trên con tàu HQ957 anh hùng, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã cảm nhận rất rõ bao khó khăn, vất vả của người chiến sĩ đảo xa.

Dẫu trong hoàn cảnh xa xôi ngàn trùng chỉ có sóng, có gió, có loài chim biển… nhưng trên hết người chiến sĩ vẫn lạc quan, yêu đời, vững tay súng nơi “đầu sóng ngọn gió” bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến đâu nhà văn cũng cảm nhận được nét tươi tắn, vui vươi, niềm tin, ý chí của người lính đảo. Đặc biệt sau chuyến đi ấy, bà đã trở thành mẹ nuôi của hai chiến sĩ Trường Sa, đó là Trung úy Nguyễn Bá Vinh, Nhà giàn DK1 và Thượng úy Đỗ Quang Thùy, Trưởng ngành Hàng hải tàu HQ 957.

Đó chính là động lực cùng chất liệu để PGS.TS Lê Thị Bích Hồng sáng tác những tác phẩm văn học chân thật, giàu tình cảm về người lính đảo được in trong truyện ký “Nơi ấy là Trường Sa”, như: “Mong một ngày đến với Trường Sa”, “Những đứa con Trường Sa”, “Chuyện tình người lính biển”…

Truyện ngắn “Chuyện tình người lính biển” giàu âm hưởng sử thi như một bản hòa tấu đại dương giữa thơ và nhạc. Không phải ngẫu nhiên truyện ngắn này được chuyển thể thành câu chuyện truyền thanh “Đọc truyện đêm khuya” và được đặt làm nhan đề cho nhiều tập sách về biển đảo.

Vốn là người viết văn xuôi, nhưng tình cảm dạt dào dành cho người lính đảo đã cho nhà văn mạch nguồn cảm xúc mãnh liệt để sáng tác bài thơ xúc động “Quan họ ở Trường Sa”.

Cơ duyên nhạc và thơ đã “chắp cánh” cho giai điệu “Quan họ ở Trường Sa” vang ngân sau khi nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã phổ nhạc bài thơ ấy. Bài hát thực sự đã tạo được tiếng vang khi phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hài hòa giữa nghề giáo và nhà văn

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng.

Cuộc đời PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã và đang trải qua 2 nghề, đó là nhà văn và nhà giáo. Nghề nào cũng cao quý, nghề nào cũng cần sự đầu tư thời gian, công sức.

Nếu như nhà văn giúp bà được trải lòng mình qua những câu chữ thì nghề giáo giúp bà truyền tải kiến thức cũng như được tiếp xúc, gặp gỡ với học trò. “Bà giáo” Lê Thị Bích Hồng luôn có cách thu hút học trò dõi theo những bài giảng của mình.

Có lẽ một phần là do giọng nói của bà thật ấm áp, nhấn nhá một cách truyền cảm; một phần là do kiến thức, sự hiểu biết của bà thật sâu sắc, nhuần nhuyễn. Khi giảng bài, bà thường không đi sâu vào lý thuyết bài vở mà cố gắng dẫn dắt những câu chuyện thực tế, những trải nghiệm đường đời để khắc sâu vào trí nhớ của học trò.

Tuy nhiên, bà không hề lẫn lộn giữa nhà văn và nghề giáo. Bởi nhà văn luôn mang tâm hồn bay bổng nhưng nghề giáo luôn cần sự chỉn chu và mang phần thực tế.

Những năm gần đây, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng đã đến với nhiều trường học như một người truyền lửa cho các thế hệ trẻ. Với tri thức, bản lĩnh và tấm lòng bao la của một nhà văn cộng với một nhà giáo, bà đã thực sự thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê để các em sống có ước mơ, hoài bão, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Trên báo chí, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng thể hiện là một chuyên gia tâm lý với những lập luận chặt chẽ, sâu sắc. Bận rộn với công việc trường lớp nhưng bà luôn sắp xếp nhận lời trả lời “cánh nhà báo” khi cần lên tiếng trước những vụ việc thu hút sự quan tâm của xã hội.

Những ý kiến chia sẻ của bà đã giúp công chúng nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, từ đó định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực. Cùng với đó, bà còn là cộng tác viên thân thiết của các tờ Thể thao và Văn hóa (TTXVN), HàNộimới… với chân dung các nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh.

Là người hiểu sâu về lĩnh vực này nên nhân vật trong các bài viết của bà hiện lên rất đời, có nhiều chi tiết “đắt”.

Dù đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp văn chương, giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học nhưng PGS.TS Lê Thị Bích Hồng không cho phép bản thân ngừng sáng tạo, cống hiến. Bà chia sẻ, là một nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học thì phải có trách nhiệm góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, văn minh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ