Những con số biết nói
Trích xuất từ “Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NXB Hội Nhà văn, in lần thứ V, 2020) chúng tôi thấy có: Tổng số 1.623 nhà văn (trong đó có 304 nhà văn xuất thân từ nghề dạy học - dân gian gọi là cầm phấn đứng lớp - và công tác quản lý giáo dục, hơn 400 nhà văn mặc áo lính).
Nếu bạn đọc muốn biết chi tiết hơn thì chúng tôi cung cấp các số liệu có sẵn nhưng rất ít người trong văn giới quan tâm: 115 nhà nghiên cứu/ lý luận/ phê bình/ dịch thuật (không có gì lạ vì hiện nay có mấy trăm trường đại học và cao đẳng), 96 nhà văn, 93 nhà thơ; số nhà văn có học vị (tiến sĩ) và học hàm (phó giáo sư/ giáo sư) tỷ lệ 81/304.
Nhà văn trẻ tuổi nhất là Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm (sinh năm 1991, giảng viên Đại học Khoa học Huế, kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, đã in 6 tập truyện dài). Nhà văn cao tuổi nhất là GS.TS Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1931); nhà văn chiếm kỷ lục xuất bản sách là GS.NGND Hà Minh Đức, đã in 80 cuốn (trong khoảng thời gian 1962 - 2022, tính cả sáng tác thơ và văn xuôi).
Nhà văn xuất hiện trên văn đàn muộn, khi đã... 68 tuổi nhưng có duyên với giải thưởng nhất: Nguyễn Thế Quang (sinh năm 1942, xuất thân là giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An), năm 2010 trình làng tiểu thuyết đầu tay “Nguyễn Du”; nhà văn đã làm cú đúp giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016, Giải thưởng ASEAN 2019 cho tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống”; năm 2019 nhận giải (Tư) Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Đường về Thăng Long”, đồng giải thưởng (giải Ba) Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, tỉnh Nghệ An (2015 - 2020).
Nhà văn - nhà giáo Ma Văn Kháng - người được “tấn phong” là tiểu thuyết gia. Ảnh: IT |
Nhà văn được “tấn phong” là tiểu thuyết gia - Ma Văn Kháng (sinh năm 1936), tính đến 2022 đã công bố 20 tiểu thuyết (chưa tính đến 23 tập truyện ngắn). Nữ nhà văn cao tuổi nhất: PGS.NGƯT Đặng Anh Đào (sinh năm 1934) là cây bút đa tài (vừa dạy học, vừa nghiên cứu, vừa sáng tác văn xuôi); nhà thơ Tạ Phương (sinh năm 1949), GS.TS ngành Địa chất, chuyên gia về hang động nhưng đam mê thi ca, đã in 4 tâp thơ trữ tình và dịch thơ cổ điển Nga (Pushkin, Lermantov, Esenin).
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (1947 - 2022) người được mệnh danh “nhà văn viết bằng chân” đã vượt lên số phận, trở thành tấm gương mẫu mực của tinh thần vượt khó, tận hiến cho sự nghiệp trồng người và văn chương (đã xuất bản 15 tác phẩm thơ, truyện, ký).
Những kỷ lục sáng tác trên 200 truyện ngắn thuộc về Ma Văn Kháng, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà; kỷ lục về viết tiểu thuyết thuộc về Ma Văn Kháng (tính đến năm 2020 đã in 20 cuốn). Những con số biết nói ấy không hề khô khan, trái lại có “linh hồn”.
Những con số biết nói về những nhà văn - nhà giáo khiến chúng ta tự hào và hy vọng về một nền văn chương phong phú và nhân văn vì “CON NGƯỜI! Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào!” (M. GORKI). Nhà giáo thực hiện sự nghiệp trồng người. Văn học là nhân học. Chính vì thế, một nhà văn đồng thời là nhà giáo là người gánh sứ mệnh cao cả gấp đôi người bình thường. Nhà văn - nhà giáo đều là những “kỹ sư tâm hồn” đặc biệt.
Sự kế tục thế hệ
Nhà văn – nhà giáo trẻ tuổi nhất là Phạm Phú Uyên Châu, bút danh Meggie Phạm (sinh năm 1991, giảng viên Đại học Khoa học Huế). Ảnh: Thừa Thiên - Huế online |
Kế tục thế hệ theo quy luật tre già măng mọc, như là lý do tồn tại của văn học nghệ thuật, hiện diện trong mọi lĩnh vực của nền văn chương Việt Nam hiện đại.
Trong lĩnh vực nghiên cứu/ lý luận/ phê bình văn học tiếp nối thế hệ những bậc tiền bối như Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ... có Trần Thanh Đạm, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Phùng Văn Tửu, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm đến Nguyễn Thanh Hùng, Mã Giang Lân, Vũ Nho, Bùi Công Thuấn, Nguyên An, Trần Đăng Suyền, Lý Hoài Thu, Trần Thị Trâm, Trần Thị Việt Trung, Trần Mạnh Tiến, Đinh Trí Dũng, Lê Thị Bích Hồng, Chu Văn Sơn, Nguyễn Thanh Tú, Cao Thị Hồng, Phạm Ngọc Hiền, Trần Huyền Sâm, Hoàng Đăng Khoa, Phan Tuấn Anh... Mỗi thế hệ có ưu thế riêng của mình, bổ sung và củng cố lực lượng để góp phần kiến thiết nền văn chương phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một rào cản, như một định kiến vô lý giữa sáng tác và nghiên cứu/ lý luận/ phê bình văn học (có thể do giới này thiếu hụt tinh thần “sống với văn chương cùng thời”?!).
Trong ba bộ môn này thì nghiên cứu và phê bình văn học, theo chúng tôi, đã cố gắng gặt hái được một số thành quả; còn lý luận thì dường như chúng ta vẫn chủ yếu ở ngưỡng “nước đôi” (nghiên cứu tiểu thuyết của Phan Cự Đệ, nghiên cứu thơ của Hà Minh Đức, Mã Giang Lân, nghiên cứu về trào lưu hiện thực trong văn chương hiện đại của Trần Đăng Suyền được đánh giá công bằng cũng như phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm, Trần Đình Sử, Chu Văn Sơn).
Để tạo nguồn lực nghiên cứu/ lý luận/ phê bình văn học, thiết nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến những “hạt giống” ở các trường đại học lớn như TS Lê Hồ Quang (Đại học Vinh), TS Nguyễn Văn Thuấn (Đại học Sư phạm Huế), PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Đại học Sư phạm Huế), TS Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội)...
Họ là sản phẩm của thời đại Internet, không gian mạng, thế giới mở; họ trong tương lai gần phải có sứ mệnh đối thoại với thế giới, vì “ngoài trời còn có trời”. Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam có một tổ chức mang tên “Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du” (đã mở được 16 khóa ngắn hạn) và ở Đại học Văn hóa Hà Nội có Khoa Viết văn - Báo chí đang thụ hưởng Đề án “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý).
Trong địa hạt sáng tác (văn/ thơ) sự kế tục thế hệ dễ nhận ra hơn cả. Tạm hình dung cùng lúc song song 5 thế hệ cầm phấn và cầm bút: Từ những bậc tiền bối như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Đình Liên, Hoàng Ngọc Phách đến Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Thùy Mai, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà...; kế cận là thế hệ 7X, 8X như Trần Thanh Hà, Nguyễn Hải Yến, Võ Diệu Thanh, DiLi, trẻ hơn là Nguyệt Chu, Meggie Phạm... đang là những cô giáo dạy giỏi và những cây bút nữ đang lên.
Riêng ở Hà Tĩnh, theo tư liệu của chúng tôi, hiện có 3 cô giáo dạy THPT (đều thuộc thế hệ 7X, 8X) Tống Phú Sa, Trần Ngọc Diệp, Trần Thị Tú Ngọc, đang là những cây bút viết truyện ngắn có nhiều triển vọng. Tương lai gần, chúng tôi nghĩ, họ sẽ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong thơ, tương tự từ Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Lê Đại Thanh đến Nguyễn Bùi Vợi, Thạch Quỳ, Trần Nhuận Minh, Lê Quốc Hán, Irasara Phú Trạm, Tuyết Nga, Trần Kim Hoa... Rõ ràng, thơ không hề đứt gãy thế hệ, trái lại dòng sông thơ vẫn thao thiết chảy, ngày càng đắp bồi thêm phù sa văn chương.
Góp vào sự nghiệp đổi mới văn chương
Đổi mới văn chương, theo cách tri nhận thông thường, phát khởi từ năm 1986, cùng nhịp với công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Chưa tính đến công lao của “người mở đường tinh anh” - Nguyễn Minh Châu và những đồng nghiệp “nhà văn mặc áo lính” như Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Vương Trọng, Chu Lai, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Trung Trung Đỉnh, Đào Thắng, Bảo Ninh, Trần Anh Thái... thì các nhà văn - nhà giáo đã góp phần quan trọng vào công cuộc này một cách có hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, Ma Văn Kháng đã đột phá bằng những tác phẩm như: “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”...
Trong lĩnh vực sáng tác (văn xuôi) Nguyễn Huy Thiệp là cây bút khuấy động văn đàn từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi Nguyễn Minh Châu đã đi hết chặng đường tìm tòi của mình. Sau mười năm dạy học ở Tây Bắc, không trở thành “giáo viên cắm bản” (dù giỏi) ông đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn - Hà Nội - để thử bút, thử sức một cuộc chơi mới.
Chữ nghĩa của ông bời bời, tung phá trên văn đàn, những truyện ngắn (Tướng về hưu, Không có vua, Muối của rừng, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Bài học tiếng Việt...) làm đảo lộn nếp nghĩ thông thường của người đọc văn.
Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện cùng với “khi Tướng về hưu xuất hiện” (nhan đề một bài phê bình của Đặng Anh Đào). Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến có con mắt xanh đã tiên cảm: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”.
Sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) khiến nhiều người đọc cảm giác về một phần khuyết (thiếu vắng) của văn chương đương đại. Công bằng đánh giá, thì Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có công “kê cao” nền truyện ngắn Việt Nam đương đại.
Cũng từng làm nghề dạy học, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Vân Anh, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Phước, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều... đã góp phần giữ gìn chất “cổ điển” của nghệ thuật ngôn từ (nghiêm ngắn, cân đối, truyền thống). Tô Hải Vân và Di Li đã đem đến cho văn xuôi những diện mạo, khí sắc mới khi tái tạo văn học kỳ ảo (các tiểu thuyết trinh thám - kỳ ảo “Trại Hoa Đỏ”, “Câu lạc bộ số 7” của Di Li thuộc loại best-seller); Nguyễn Hải Yến với “Quán thủy thần” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2019) đã cuốn hút người đọc bởi chất “phiêu” (ảo lẫn thực) của chuyện và văn. Meggie Phạm nhận được sự săn đón của người đọc trẻ vì những cuốn sách có chất “ngôn tình” nhưng không vượt ngưỡng.
Trong lĩnh vực sáng tác (thơ), từ Thạch Quỳ, Trần Nhuận Minh đến Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Thị Mai, Phạm Thu Yến, Tuyết Nga, Nguyễn Trọng Hoàn, Trần Kim Hoa... đều có khát vọng đổi mới thơ ca, tuy nhiên chưa đến mức cực đoan như một số người nằng nặc đòi “chôn Thơ mới” (!?).
Nếu đọc tập thơ “Ảo giác” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2003) của Tuyết Nga, tập thơ “Bên trời” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2021) của Trần Kim Hoa, chúng ta sẽ nhận ra thơ nữ, thơ nhà giáo vừa nồng nàn, vừa sâu lắng, đặc biệt chữ thơ được nâng niu, gọt giũa kỹ càng, trong sáng và đa nghĩa. Người đọc thêm yêu tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt (“như bùn và như lụa”) - khi tiếp nhận thơ ca.
Trong lĩnh vực nghiên cứu/ lý luận/ phê bình văn học, tinh thần đổi mới cũng rốt ráo với những hiến kế và đóng góp của các cây bút có tên tuổi Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm, Trần Đình Sử, Nguyễn Thị Minh Thái, Hồ Thế Hà, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Trần Huyền Sâm, Hoàng Đăng Khoa, Phan Tuấn Anh... Họ có thiện ý và nhiệt huyết mang một luồng gió mới phả vào một lĩnh vực xưa nay vốn được coi là thiếu và yếu, thậm chí hay xung khắc với sáng tác.
Tuy nhiên đổi mới toàn diện văn chương là con đường thiên lý, thác ghềnh, đạt tới thành tựu đích thực phải có tâm thế “vượt vũ môn” cao độ, hay nói cách khác là phương pháp tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới phải thực sự biện chứng vì “đi hết dân tộc ta sẽ gặp nhân loại” (không thể có quy trình ngược lại).
Niềm hy vọng thiêng liêng
Việt Nam hiện nay là một “cường quốc dân số” (trong nước 98 triệu người, chưa kể 5 triệu Việt kiều), có tổng số người học và dạy học (cùng quản lý giáo dục) khoảng 23 triệu. Giáo dục chạm đến mỗi nhà, mỗi người (học suốt đời).
Con số 304 nhà văn xuất thân từ nhà giáo (dạy học trực tiếp hay quản lý giáo dục) cho thấy một thế giới mở với người sáng tác văn chương. Nếu định đề “nghệ thuật đi tìm cái đẹp của đời sống, phê bình đi tìm cái đẹp của nghệ thuật” được tri nhận thấu suốt thì những tác phẩm tốt (chúng tôi gọi là văn sản) do các nhà văn - nhà giáo viết nên sẽ là những hòn đá tảng tinh thần giúp các thế hệ tương lai có tư chất của đại bàng - bay cao, nhìn xa, trông rộng.
Nếu định đề “Sứ mệnh của nghệ thuật là nhân đạo hóa con người” thì những tác phẩm tốt của các nhà văn - nhà giáo sẽ là những “cẩm nang tinh thần” được nhiều thế hệ sử dụng.
Tuy phải vật lộn với mưu sinh thường nhật, tuy còn bị nhiều áp lực trong nghề dạy học, tuy sản phẩm tinh thần tạo ra có thể không bán chạy trong cơ chế thị trường và sự lên ngôi của văn hóa nghe nhìn, nhưng nhìn chung, những nhà văn - nhà giáo đều thủy chung với cả hai nghề “văn” và “giáo”, với tinh thần tận hiến, nhưng chưa nhiều tận hưởng.
Chúng tôi có sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với những ấp ủ, tìm tòi của đồng nghiệp trong sáng tác văn chương. Cảm hứng về tương lai, thiết nghĩ, sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao để tất cả chúng ta vững bước tiến lên, gặt hái những mùa màng văn chương mới. Nếu có thể nói không quá, thì “nhà văn - nhà giáo” và “nhà văn mặc áo lính” là “đặc sản” của văn chương Việt Nam hiện đại.