Đó là những Hội thi giáo viên dạy giỏi, hoạt động thi đua dạy tốt - học tốt, văn hóa văn nghệ, thể thao... Thậm chí, những cánh hoa rừng, bó rau xanh hái vội, tấm thiệp tự làm bằng tay còn vụng về, những lá thư tay… cũng là sự tri ân đến thầy, cô giáo đang dạy học ở những vùng khó.
Thầy cô cho em ước mơ
Mở đầu chuỗi hoạt động tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Tiểu học Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) tổ chức buổi giới thiệu sách và chương trình văn nghệ với các tiết mục do học sinh biểu diễn. Đây là một trong những hoạt động nhằm tôn vinh thầy cô - người đã không ngừng nỗ lực, kiên nhẫn và tận tụy dìu dắt các thế hệ học trò.
Cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt” được giới thiệu đến thầy cô và học sinh như một lời tri ân, gợi nhắc về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” và những người thầy vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách không chỉ tôn vinh sự nghiệp giáo dục mà còn tạo nguồn cảm hứng về lòng yêu nghề, sự hy sinh thầm lặng của các nhà giáo qua từng thời kỳ.
Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao sôi nổi, như: Bóng đá, cầu lông, kéo co cho học sinh ở các khối lớp 6, 7, 8, 9. Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà, nhiều nội dung trong kế hoạch được triển khai từ đầu tháng 10 cho đến ngày 20/11, như: Thi đấu các môn thể thao, văn nghệ, thi làm video clip với chủ đề “Thầy cô trong em”, kiểm tra nền nếp vệ sinh, trang trí lớp, chăm sóc bồn hoa cây cảnh.
Tất cả nội dung thi đều được xây dựng với cơ cấu giải thưởng cụ thể dành cho các tập thể, cá nhân nên thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh các khối lớp. Một trong những nội dung hấp dẫn học sinh các khối lớp của Trường THCS Đại Kim tham gia chính là làm video “Thầy cô trong em”.
Theo đó, mỗi lớp sẽ thực hiện một video clip về các chủ đề: Kỷ niệm tuổi học trò, những dấu ấn trong quá trình học tập, rèn luyện, tình cảm gắn kết giữa thầy và trò, bạn bè. Nhiều clip có chất lượng khá tốt khi thể hiện khá rõ chủ đề, nội dung truyền tải; thể hiện được sự chuẩn bị công phu.
Nét bút tri ân
Đóng trên địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Ba Tầng (Hướng Hóa, Quảng Trị), thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Tầng nỗ lực thi đua dạy và học để nâng cao chất lượng. Vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà trường chuẩn bị kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm trên tinh thần gọn nhẹ, đảm bảo ý nghĩa. Thầy Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chào mừng ngày lễ trọng đại của nhà giáo, nhà trường đã phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”.
Trước đó, nhà trường phát động học sinh làm tập san trên khổ giấy A4 với chủ đề “Em yêu thầy cô”, thi vẽ tranh... Ngoài ra, nhà trường tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường nhằm đánh giá, tôn vinh những cống hiến của nhà giáo. “Gần đến ngày 20/11, trường sẽ tổ chức tọa đàm nhằm ôn lại truyền thống dạy và học, tổ chức văn nghệ chào mừng và sơ kết phong trào thi đua dạy tốt - học tốt”.
Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo năm nay trùng với kỷ niệm 15 năm thành lập trường. Do đó, Trường Tiểu học và THCS A Ngo (Đakrông, Quảng Trị) tổ chức các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt, học sinh làm báo tường, văn nghệ chào mừng.
“Hầu hết, học sinh theo học tại trường là con em đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, cuộc sống khó khăn nên các em thể hiện tình cảm của mình với thầy, cô khá đặc biệt. Vào ngày Hiến chương nhà giáo, học sinh thường hái những bó hoa rừng kết lại rồi mang đến tặng thầy cô. Những món quà tùy giản dị nhưng khiến các thầy, cô giáo cảm động, trở thành nguồn động viên để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao”, thầy Ngô Duy Hưng - Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Ba - Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) không giấu được sự xúc động khi nhận những lá thư từ học trò cũ. Em Hồ Văn Nhẻo - học sinh lớp 5 niên khóa 2021 - 2022 viết: “Cô đã giúp chúng em biết đọc, biết viết, biết bên ngoài bản làng có nhiều điều rộng lớn hơn mà chỉ có học tập thật tốt, chúng em mới có cơ hội được trải nghiệm. Em biết lớp mình bạn nào cũng thương cô hết. Chúng em đau ốm đã có cô ở bên cạnh động viên, chăm sóc. Cô còn cắt tóc cho cả lớp, tập cho chúng em thói quen giữ vệ sinh, chăm sóc cho bản thân…”.
Gần nửa tháng nay, giờ học Mỹ thuật của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi), học sinh các lớp tự sáng tạo để làm thiệp chúc mừng thầy cô giáo của mình. Những bông hoa dại ép vội, nét vẽ còn non nớt vụng dại nhưng được gửi gắm vào đó tình cảm quý mến, biết ơn của học sinh vùng cao để đền đáp sự chăm chút thầm lặng của thầy cô giáo, từ cơm ăn, áo mặc đến học hành, sách vở…
Mùa gieo hạt - Mùa tri ân 2024 của cô trò và phụ huynh Trường Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mở đầu với hoạt động Vẽ nón lá tri ân. Đây là món quà của phụ huynh, học sinh nhà trường gửi tặng các thầy cô giáo đã nghỉ hưu và đang đứng lớp.
Nối tiếp truyền thống
Từ nguồn quỹ tiết kiệm của trường và công đoàn, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) được tặng một bộ đồng phục. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương:
“Nguồn quỹ công đoàn hạn chế nên ban giám hiệu quyết định trích từ quỹ phúc lợi để mỗi người trong tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường có một món quà tri ân. Nhà trường cũng tổ chức một bữa cơm thân mật, chủ yếu là đồng nghiệp tự chúc mừng, động viên nhau vượt qua khó khăn để bám trường bám lớp, nâng cao chất lượng dạy học”.
Theo kế hoạch, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đúng vào ngày 20/11. Trước đó, trường tổ chức một đêm văn nghệ tri thầy, cô giáo ngay trong khuôn viên trường.
“Phần lớn các tiết mục trong đêm văn nghệ do học sinh của trường biểu diễn, xoay quanh chủ đề mái trường, thầy cô và ca ngợi vẻ đẹp, sự phát triển quê hương, đất nước. Những ngày qua, các em trong đội văn nghệ đang tích cực luyện tập các tiết mục để biểu diễn trong buổi lễ.
Ngoài chương trình văn nghệ, Đoàn trường cũng tổ chức phát động các lớp làm báo tường, trang trí cổng trường, lớp học xanh, sạch, đẹp để tri ân thầy cô”, cô Châu Kim Hún - Bí thư Đoàn trường cho hay.
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trường THCS Phan Ngọc Hiển (Năm Căn, Cà Mau) tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao trong trường, đồng thời giao lưu thể thao với các trường bạn. Ngoài ra, trường tổ chức buổi gặp gỡ thăm hỏi các thầy, cô đã nghỉ hưu.
“Năm nay trường không tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tiết kiệm chi phí, dành thời gian tập trung vào hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thay vì tặng hoa, quà cho thầy cô, nhà trường phát động học sinh nỗ lực học tập đạt hoa điểm mười để dành tặng thầy cô, đây được xem là phần quà ý nghĩa nhất trong ngày 20/11”, thầy Phạm Vũ Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển chia sẻ.
Chủ trương tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam gọn nhẹ, tiết kiệm và ý nghĩa, ngoài buổi lễ sinh hoạt truyền thống cho thầy cô và học sinh, Trường THPT Đầm Dơi (Đầm Dơi, Cà Mau) có các hoạt động thể dục thể thao và giao lưu văn nghệ, tạo sinh khí vui tươi để các em nỗ lực hơn trong học tập.
“Thay vì tặng thầy cô những phần quà giá trị, trường khuyến khích học sinh để tiền trang trải việc học hoặc đóng góp làm công tác an sinh xã hội, ủng hộ, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong học tập”, thầy Dương Đương Em - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi nói.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay đặc biệt ý nghĩa khi cũng là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Hà Nội. Dịp này, sở tổ chức nhiều hoạt động như: Chương trình Hành khúc học sinh Thủ đô, trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho học sinh; trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo; trao giải cuộc thi Thầy cô trong mắt em.
Căn cứ kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, các nhà trường, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan và các hoạt động văn hóa, giáo dục, triển lãm, đền ơn, đáp nghĩa, gặp mặt, thăm hỏi cán bộ cựu giáo chức, nhà giáo tiêu biểu... tại đơn vị thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.