Hướng đến tri ân cống hiến lặng thầm của thầy cô

GD&TĐ - Từ đầu tháng 11, ngành Giáo dục các địa phương, trường học trên khắp cả nước sôi nổi hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, dù diễn ra với hình thức nào tất cả đều hướng đến sự tri ân trước cống hiến lặng thầm của thầy cô. Ảnh: ITN
Các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, dù diễn ra với hình thức nào tất cả đều hướng đến sự tri ân trước cống hiến lặng thầm của thầy cô. Ảnh: ITN

Dù diễn ra với hình thức nào thì tất cả đều hướng đến sự tri ân trước cống hiến lặng thầm của thầy cô.

Tôn vinh nghề giáo

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo (49 tuổi) - giáo viên môn Sinh học Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) là một trong số 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Chia sẻ về nghề, cô Thảo cho rằng, nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn, nhưng với nghề giáo, phải có đam mê, tình yêu và mong muốn cống hiến mới có thể duy trì, theo đuổi lâu dài.

Trước ngày nhận giải thưởng, cô Thảo cho biết: “Bản thân thấy vinh dự và hạnh phúc khi được Sở GD&ĐT TPHCM xét chọn trao giải thưởng Võ Trường Toản. Đối với giáo viên, giải thưởng này vô cùng ý nghĩa, là danh hiệu cao quý mà ai cũng đặt mục tiêu phấn đấu. Giải thưởng là sự động viên, khích lệ tinh thần để giáo viên nhiệt huyết, cháy bỏng hơn với sự nghiệp giáo dục”.

Dự kiến ngày 17/11, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 cho 50 nhà giáo. Đây là giải thưởng được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Một trong những điểm mới của giải thưởng lần này là cơ cấu trao giải. Theo đó, mỗi cấp học chọn ra 10 nhà giáo tiêu biểu gồm cán bộ quản lý, giáo viên để xét trao tặng giải thưởng. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, bên cạnh các tiêu chí về chuyên môn, Giải thưởng đề cao tính lan tỏa, ảnh hưởng của giáo viên với công tác dạy và học tại đơn vị và trên địa bàn.

25 nhà giáo tiêu biểu từ mầm non đến CĐ, ĐH cũng được UBND thành phố Đà Nẵng tôn vinh dịp kỷ kiệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới. Ngoài thành tích nổi bật trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, nhiều thầy cô còn giúp đỡ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học tập tốt đạt thành tích cao trong học tập và trúng tuyển đại học.

UBND xã Trà Vân (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) tổ chức gặp mặt, giao lưu cán bộ, giáo viên, nhân viên của 3 trường học trên địa bàn xã. Ngoài sinh hoạt văn nghệ, ôn lại truyền thống ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, xã Trà Vân còn tuyên dương, khen thưởng giáo viên có thành tích nổi bật năm học vừa qua. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân tổ chức hội thi viết chữ đẹp trong giáo viên, học sinh.

Gần nửa tháng nay, giờ học Mỹ thuật, học sinh các lớp tự sáng tạo làm thiệp chúc mừng thầy cô giáo. Những bông hoa dại ép vội, nét vẽ non nớt nhưng được gửi gắm vào đó tình cảm quý mến, biết ơn của học sinh vùng cao đền đáp những chăm chút thầm lặng của thầy cô từ cơm ăn, áo mặc đến học hành, sách vở…

Từ nguồn quỹ tiết kiệm của trường, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Leng (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được tặng một áo ấm và móc khóa xe nhỏ xinh.

Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng chia sẻ: “Nguồn quỹ công đoàn hạn chế do giáo viên hợp đồng nhiều hơn biên chế. Thế nên, ban giám hiệu quyết định trích từ quỹ phúc lợi để mỗi người trong tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường có một món quà tri ân. Nhà trường cũng tổ chức bữa cơm thân mật, chủ yếu là đồng nghiệp tự chúc mừng, động viên nhau vượt qua khó khăn để bám trường lớp, nâng cao chất lượng dạy học”.

Thầy Danh Văn gắn bó với học sinh trên đảo Hải Tặc hơn 10 năm qua. Ảnh: Quốc Ngữ

Thầy Danh Văn gắn bó với học sinh trên đảo Hải Tặc hơn 10 năm qua. Ảnh: Quốc Ngữ

“Cánh thư bay” của trò ngoài đảo

Nằm trên quần đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), Trường Tiểu học - THCS Tiên Hải cố gắng tổ chức một số hoạt động hưởng ứng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Với đặc thù biển đảo, xa đất liền nên Trường Tiểu học - THCS Tiên Hải có 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Cha mẹ học sinh là ngư dân, quanh năm đi biển, đời sống còn khó khăn. Thầy Danh Văn từ đất liền tình nguyện ra đảo giảng dạy hơn 10 năm qua cho biết: Ngày Nhà giáo Việt Nam ở ngoài đảo tuy đơn sơ, “cây nhà lá vườn” nhưng luôn ấm áp tình cảm thầy trò.

Điều kiện đi lại khó khăn, món quà ý nghĩa nhất chính là tinh thần và tình cảm. Học sinh vẽ thiệp chúc mừng thầy cô hoặc hái hoa trên đảo tặng. Còn thầy cô cũng đáp lại bằng việc tổ chức một số hoạt động thi đua, vui chơi cho trò. Về vật chất, quý nhất chính là những con cá, mớ khô mà gia đình các em khai thác được ngoài biển đem tặng thầy cô.

Chia sẻ về hoạt động chuẩn bị ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần, thầy Danh Văn cho biết: “Năm nay tôi dạy lớp 2, có 15 học sinh, trong đó 4 em hoàn cảnh khó khăn. Để tạo không khí và giúp học sinh biết ý nghĩa ngày này, tôi tổ chức, phát động một số hoạt động nhỏ như làm bưu thiếp chào mừng; tri ân thầy cô; thi viết cánh thư bay (viết lời chúc vào máy bay bằng giấy để phi lên và bay xa nhất); thi rung chuông vàng; tháng thi đua điểm tốt “T” (nhận xét tốt, trả lời tốt, việc làm tốt...). Học sinh thích nhất là thi viết Cánh thư bay, nên đã viết nhiều lời chúc tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thầy cô rất vui”.

Ngày 20/11 hằng năm rơi vào mùa biển động, sóng lớn, thầy Danh Văn lo lắng khi chia sẻ: Công tác giảng dạy nơi đây còn nhiều khó khăn bởi thời tiết, việc sinh hoạt, đi lại giữa các điểm trường cũng rất khó, nhất là lúc biển động phương tiện di chuyển chỉ là chiếc thuyền thô sơ... Nhưng vì sự học của học trò, thương những ánh mắt ngây ngô của các em đang cần sự dạy bảo nên bản thân gắn bó với đảo hơn 10 năm qua. “Với tôi được lên lớp là niềm vui, hạnh phúc, góp phần công sức nhỏ mang con chữ đến với học trò xã đảo”, nhà giáo tâm sự.

Các sản phẩm được trưng bày tại Hội thi đồ dùng, đồ chơi của Trường Mầm non xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận

Các sản phẩm được trưng bày tại Hội thi đồ dùng, đồ chơi của Trường Mầm non xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận

Để nhà giáo tận tụy với nghề, tận tâm với học trò

Giữa sân trường Trường Mầm non xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) trưng bày nhiều đồ dùng, đồ chơi tự tạo của giáo viên. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Lò Thị Vang: “Chúng tôi tổ chức chấm giải Hội thi đồ dùng, đồ chơi năm học 2023 – 2024. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục qua phong trào tự tạo đồ dùng, đồ chơi trong nhà trường”. Tham gia Hội thi, giáo viên đều tâm huyết, sáng tạo để phục vụ cho các hoạt động học tập và vui chơi của trẻ.

Cô Vang cũng bày tỏ: Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để nâng cao chất lượng dạy học; Cùng đó là chế độ, chính sách về tiền lương phù hợp để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Đặc biệt, nhà trường mong mỏi được bổ sung thêm biên chế để đảm bảo giáo viên theo định mức.

Những ngày này, thầy cô các trường trên địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ cho buổi mít tinh chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam chung của 3 cấp học. Trường Mầm non xã Mường So ngoài tổ chức toạ đàm, giao lưu văn nghệ còn thi đấu bóng chuyền giữa các tổ để nâng cao tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao cho giáo viên.

Cô Bùi Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ka Lăng cho hay: “Ngày 16/11, nhà trường kết hợp với Trường Tiểu học và THCS tổ chức mít tinh chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Cả 3 đơn vị đã cử giáo viên luyện tập các tiết mục văn nghệ trình diễn trong lễ mít tinh. Thầy cô rất hồ hởi đón chào ngày “Tết” của mình”.

Trường Mầm non xã Ka Lăng hiện có 8 điểm trường/190 trẻ. Điểm trường xa nhất ở cách trường 18km. Công tác nhiều năm tại địa bàn biên giới xã Ka Lăng, cô Hương bày tỏ mong muốn tiếp tục được Nhà nước quan tâm về chế độ chính sách đối với giáo viên vùng cao.

“Tôi mong sẽ có nhiều chính sách phù hợp với sự phát triển của giáo dục vùng cao để kịp thời động viên thầy cô yên tâm công tác. Đặc biệt, cần sớm có chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm quá số giờ quy định…”, cô Bùi Thị Hương bày tỏ.

“Chúng tôi mong giảm bớt các hội thi mang tính hình thức để giáo viên, nhà trường có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, tổ chức hoạt động chất lượng cho học sinh, phát triển giáo dục theo chiều sâu.

Mặt khác, các cấp, ngành có liên quan cần xem xét và tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường học, đặc biệt với trường vùng khó về chế độ, chính sách, tiền lương để đội ngũ gắn bó với nghề...”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.