Thế nhưng sự thật đúng là người dân làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) đã dùng chính thứ đó để xây nhà ở của mình.
Nguồn gốc của những ngôi nhà tiểu sành
Về làng Thổ Hà nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, mục sở thị những con ngõ nhỏ sâu hun hút cùng bức tường nhà được xây bằng vật liệu từ những chiếc tiểu sành có chiều dài chừng 40 cm, chiều rộng 20 cm, phía bên trong rỗng hoàn toàn và có hai lỗ thoáng khí -thứ chuyên đựng hài cốt, khiến chúng tôi vừa lạ lẫm, vừa có một chút gì đó rờn rợn.
Thế nhưng với những người dân Thổ Hà thì những ngôi nhà như vậy không chỉ hết sức bình thường mà đây còn là những ngôi nhà quý của họ.
Tìm hiểu nguồn gốc những ngôi nhà như vậy, chúng tôi được người dân địa phương cho biết: Thổ Hà xưa kia có nghề chính là làm gốm. Thổ Hà được mệnh danh là một trong ba “kinh đô về gốm sứ” của người Việt.
Từ lúc có nghề gốm đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm. Gốm của Thổ Hà ngược xuôi con sông Cầu đến mọi miền đất nước.
Sản phẩm gốm nổi tiếng nhất của Thổ Hà đó là: Chõ, chum, vại và đặc biệt là tiểu sành- thứ để đựng hài cốt người chết là mặt hàng được tiêu thụ mạnh hơn cả do không bị cạnh tranh. Người dân các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Ninh, Hải Phòng tìm đến mua buôn với số lượng lớn.
Việc sản xuất tiểu sành nhiều đến mức cả làng làm ra nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Một lẽ tất yếu là khi sản xuất nhiều thì lượng tiểu sành bị lỗi cũng nhiều. Chính vì vậy các cụ mới có sáng kiến tận dụng những chiếc tiểu sành bị lỗi để xây nhà ở của mình.
Đến sự tiện dụng và tạo ra kiến trúc độc đáo
Các cụ trong làng cho biết: Việc xây những ngôi nhà bằng tiểu sành cũng rất đơn giản. Tiểu sành được úp mặt rỗng quay vào phía trong ngôi nhà. Chất hồ kết dính những tiểu sành và mảnh gốm với nhau được lấy chính lớp bùn dưới sông Cầu, thế nhưng nó rất chắc chắn, không hề kém xây bằng xi măng, vôi vữa.
Cũng theo người dân ở đây, cái hay của những bức tường nhà làm bằng tiểu sành là nó có sức chịu nóng, chịu lạnh rất tốt. Lúc đại hàn, trong nhà luôn ấm áp, ngày nắng nóng thì mát mẻ.
Những bức tường bằng tiểu sành này có khi cả nghìn năm không hỏng. Và tiện lợi hơn cả chính là: làng Thổ Hà nằm ngay cạnh sông Cầu nên thường xuyên xảy ra úng lụt mỗi khi đến mùa mưa.
Chính vì thế việc xây dựng nhà bằng tiểu sành là rất phù hợp, nên được người dân trong làng làm nhiều. Những đoạn tường tiểu sành của những ngôi nhà san sát nhau cùng với chiếc cổng vòm làm cho không gian của cả làng trở nên vừa cổ kính, lại tạo thành một lối kiến trúc độc đáo riêng biệt.
Cũng như một số làng cổ khác, việc giữ lại được những ngôi nhà cổ hẳn không dễ, thế nên Thổ Hà cũng bị mai một dần đi những ngôi nhà được xây bằng tiểu sành, vì người dân đập bớt đi xây tường mới bằng gạch chỉ. Nhất là từ khi cái nghề gốm Thổ Hà chìm vào quá vãng.
Trao đổi với chúng tôi ông Trịnh Quang Liêm - Phó thôn, phụ trách văn hóa thôn Thổ Hà cho biết: Hiện nay số nhà cổ xây bằng tiểu sành trong làng không còn nhiều, nhưng những đoạn tường cổ còn lại được người dân ở đây rất quý trọng.
Nó được xem như là niềm tự hào của người Thổ Hà, bởi ký ức về nghề làm tiểu sành vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân làng gốm Thổ Hà ven sông Cầu.
Đặc biệt nó đã để lại cho hậu thế dấu ấn “kinh đô gốm” một thời của một ngôi làng nghề cổ cùng lối kiến trúc những ngôi nhà rất lạ lùng được xây bằng tiểu sành độc đáo có một không hai của người dân Thổ Hà.