Thay đổi để mang lại hạnh phúc cho thầy - trò
Trở thành “người thầy truyền cảm hứng” cho học sinh trong mỗi giờ học luôn là mục tiêu hướng tới của cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên Lịch sử, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).
Cô Thuỷ nhìn nhận, xây dựng Trường học hạnh phúc là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục. Trường học hạnh phúc là nơi mà cả thầy - trò đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, là nơi để yêu thương, chia sẻ và là nơi an toàn cho các hoạt động dạy - học.
Đó cũng là nơi mà học trò là nhân vật trung tâm, được tôn trọng sự khác biệt; từ đó phát huy được phẩm chất năng lực của bản thân. Muốn vậy, tất cả chúng ta đều cần phải thay đổi.
“Tôi luôn nhận thức và ý thức rằng, là giáo viên dạy môn Lịch sử - bộ môn không chỉ trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh, mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cung cấp cho các em nền tảng văn hóa. Đây là điều cần thiết trong thời kỳ đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhưng đáng tiếc, nhiều học sinh không mấy hứng thú với bộ môn này. Nhiều em mặc định đây là môn học khô khan, khó và dài,... Do đó, tôi luôn trăn trở làm thế nào để truyền cảm hứng cho trò yêu thích và học tốt môn học của mình” – cô Thuỷ bày tỏ.
Những lúc học sinh có dấu hiệu mệt mỏi, cô Thủy đã động viên khích lệ bằng những que kem, ly trà sữa… Thi thoảng cô trò ôn lại kỷ niệm thời học trò của mình hay những trải nghiệm thú vị khi ngày ngày cô cùng chiếc xe máy rong ruổi 60km trên chiếc xe máy để gieo mơ ước cho học trò…
“Tôi từng nói với học sinh rằng: “Mọi người sẽ không nhìn rõ hành trình đi gian khó ra sao, nhưng sẽ nhìn thấy các em thành công hoặc thất bại. Vì thế, các em hãy chứng tỏ bản thân!”. Thi thoảng, tôi cho học sinh trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, về miền quan họ Bắc Ninh… để các em thêm hiểu biết, hứng thú và yêu thích bộ môn Lịch sử” – cô Thuỷ cho hay.
Chia sẻ về xây dựng Trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) – bật mí: Nhà trường tập trung xây dựng “Lớp học hạnh phúc” để học sinh tự giác, tự bảo ban nhau, mang lại hạnh phúc cho thầy trò. Nhiều Lớp học hạnh phúc thành “Trường học hạnh phúc”.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đưa ra nguyên tắc xây dựng Lớp học hạnh phúc: Thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng, cống hiến hết khả năng sáng tạo của mỗi người cho cộng đồng xã hội, gia đình, bản thân. Sống trong một môi trường văn hóa: Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Phải giúp cho học sinh khơi mở tiềm năng bản thân, tự đưa ra những quyết định tự dẫn dắt, tự chịu trách nhiệm trước cuộc sống của mỗi người.
Hiệu trưởng có vai trò đặc biệt
TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi: Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thực hiện chủ đề xây dựng Lớp học hạnh phúc, với các yêu cầu: Có kế hoạch, việc làm cụ thể để xây dựng lớp học đoàn kết, thân thiện, quan tâm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ “Một người vì mọi người, mọi người vì một người; Giúp cho mỗi học sinh tự nhận ra giá trị sống hạnh phúc của bản thân là gì? Làm thế nào thực hiện nó? Có kế hoạch để giải quyết những khó khăn trở ngại ở mỗi người? Thường xuyên biểu dương, khích lệ những việc làm tốt của mỗi thành viên, mỗi nhóm, tổ trong lớp. Nhất là những việc làm để “Cha mẹ hạnh phúc” và “Thầy cô hạnh phúc”.
“Để học sinh thực hiện được những yêu cầu này, chúng tôi yêu cầu thầy - trò trao đổi thống nhất “giá trị hạnh phúc trong cuộc sống hiện nay là gì? Để có được những giá trị hạnh phúc đó, mỗi người phải tuân thủ những quy luật, nguyên tắc nào? Có những kỹ năng nào trong cuộc sống mà người ta phải chú ý trao đổi để có cuộc sống hạnh phúc?” – TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Nhắc lại lời của GS Peck Cho - chuyên gia Hàn Quốc - người thiết kế chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – nhấn mạnh: Các hiệu trưởng cần xác định trong tương lai, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc, cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, với những cảm xúc tích cực; giáo viên, học sinh được sáng tạo, tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau.
Nói về quy định pháp lý, TS Ngô Xuân Hiếu viện dẫn: Đã có các văn bản và quy định cụ thể của Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam về xây dựng trường học hạnh phúc. Căn cứ vào văn bản này, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, phòng giáo dục hướng dẫn nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc. Đây còn được coi là các tiêu chí đánh giá thi đua của nhà trường theo năm học.
Nói về nhà quản lý giáo dục (lãnh đạo sở, phòng và các nhà trường): Nhà quản lý phải nhận thức rõ tầm quan trọng của trường học hạnh phúc đối với xã hội. “Chúng ta vẫn biết rằng, trường học không chỉ dạy kiến thức, mà còn giúp học sinh có những cảm nhận, cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước và con người, những giá trị tốt đẹp … Qua đó, mỗi giáo viên và học sinh có những giây phút hạnh phúc tại trường là điều vô cùng quan trọng, là cấp số nhân sau các giờ lên lớp tới gia đình Việt Nam” - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi.