'Làn sóng thay đổi' cho trẻ em đặc biệt

GD&TĐ - Với 5 địa điểm ở Nam Phi và một ở Liberia, Waves for Change hiện cung cấp chương trình trị liệu lướt sóng cho 2.500 trẻ em mỗi tuần.

Waves for Change có 5 địa điểm ở Nam Phi và 1 ở Liberia. Ảnh: Al Jazeera
Waves for Change có 5 địa điểm ở Nam Phi và 1 ở Liberia. Ảnh: Al Jazeera

Nhiều trẻ em sống ở các thị trấn (Nam Phi) có nguy cơ cao bị “căng thẳng độc hại” do ảnh hưởng bởi nghèo đói, khuyết tật, bạo lực băng đảng hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và sức khỏe tâm thần. Trước tình hình này, chương trình Waves for Change (Làn sóng thay đổi) ra đời nhằm giúp trẻ em từ 11 đến 13 tuổi có nhu cầu.

Tim Conibear, người sáng lập và Giám đốc điều hành 42 tuổi của Waves for Change cho biết, trong 8 tuần đầu tiên, bọn trẻ chỉ đơn giản là “dạy nhau lướt sóng” với sự giúp đỡ của huấn luyện viên.

“Khi có được nhóm gắn kết chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi bắt đầu dạy các em những kỹ năng về sức khỏe tâm thần và chiến lược đối phó, chẳng hạn như tự điều chỉnh, chia sẻ và hít thở chánh niệm”, Conibear cho biết.

Hàng tuần, trẻ em được đưa đón đến bãi biển một lần và mỗi buổi học kết thúc bằng một bữa ăn bổ dưỡng. Sau đó, chúng có thể đến một câu lạc bộ lướt sóng vào cuối tuần, phương tiện đi lại và bữa ăn đều miễn phí.

Conibear cho biết, nhiều trẻ em tham gia câu lạc bộ lướt sóng trong 5 hoặc 6 năm. Từ đó, các em có thể nộp đơn xin làm huấn luyện viên Waves for Change và tổ chức này cũng giúp tìm việc làm khi hết hạn hợp đồng 2 năm.

Lối tắt từ thể thao

Với 5 địa điểm ở Nam Phi và một ở Liberia, Waves for Change hiện cung cấp chương trình trị liệu lướt sóng cho 2.500 trẻ em mỗi tuần. Con số này chưa tính đến hàng nghìn trẻ em được hưởng lợi từ các chương trình trị liệu thể thao do 35 tổ chức đối tác của chương trình ở 10 quốc gia.

Theo anh Conibear, Waves for Change có thể tiếp cận hàng chục nghìn người trên khắp thế giới bằng cách làm cho tài liệu của mình trở thành nguồn mở và giúp các câu lạc bộ thể thao khác nhau điều chỉnh tài liệu cho phù hợp với nhu cầu chính xác của họ.

Lớn lên ở Vương quốc Anh, Conibear chuyển đến Cape Town năm 2006 để làm việc trong một nhà máy rượu và sau đó là công ty du lịch lướt sóng. Conibear thành lập Waves for Change năm 2007, khi đó, anh chỉ có chiếc xe VW Golf và 4 thanh niên đến từ thị trấn Masiphumelele.

Số trẻ em tham gia chương trình tăng từ 4 lên 50 và anh cũng phải đổi xe khác để đưa đón các em. Hai trong số 4 vận động viên lướt sóng là Apish Tshetsha và Bongani Ndlovu đã trở thành huấn luyện viên tình nguyện đầu tiên của Waves for Change.

Việc Nam Phi đăng cai FIFA World Cup năm 2010, mang lại nhiều cơ hội tài trợ cho lĩnh vực thể thao vì sự phát triển. Trong đó Waves for Change nhận được tài trợ 12.600 USD từ một công ty của Anh và 5.350 USD mỗi năm từ Tổ chức Laureus Sport for Good.

Conibear cho biết, lúc đầu anh hơi ngạc nhiên và không biết sẽ dùng số tiền đó như thế nào. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra việc tuyển dụng Tsetsha và Ndlovu làm nhân viên làm công ăn lương và điều hành chương trình vào các ngày trong tuần sẽ giúp anh tiếp cận được nhiều trẻ em hơn.

Khi chương trình phát triển và nhóm nhận ra rằng nó không chỉ đơn thuần là dạy trẻ em lướt sóng, Conibear bắt đầu mời các nhà nghiên cứu tham gia để cải tiến chương trình, trong đó có nhà tâm lý học phát triển ứng dụng Andy Dawes.

Theo Conibear, khái niệm cơ bản của bất kỳ biện pháp can thiệp trị liệu nào là mang lại cho mọi người cơ hội nói chuyện và được lắng nghe. Lý do Waves for Change sử dụng việc lướt sóng là vì nó có thể giúp xây dựng được nhiều mối quan hệ mà không cần dùng lời nói. Trong trường hợp này, thể thao cung cấp một lối tắt.

Nhà nghiên cứu Jamie Marshall tại Đại học Edinburgh Napier (Scotland) đã nghiên cứu sâu rộng về các chương trình trị liệu lướt sóng trên khắp thế giới. Ông rất ấn tượng với những gì Conibear và nhóm Waves for Change đạt được.

“Conibear không có kiến thức nền tảng về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, toàn bộ nhóm luôn sẵn sàng đánh giá, học hỏi và cải tiến ở mọi bước và họ luôn lắng nghe các chuyên gia”, ông Marshall nói.

Một nghiên cứu gần đây về quân nhân hải quân Mỹ bị trầm cảm đã cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy liệu pháp lướt sóng thực sự có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự lo lắng, ảnh hưởng tiêu cực giảm xuống, khả năng phục hồi tâm lý và hoạt động xã hội tăng lên sau khi các quân nhân tham gia chương trình lướt sóng.

Theo ông Marshall, liệu pháp lướt sóng là một công cụ rất hiệu quả, nhưng cần phải hiểu đúng các nguyên tắc cơ bản. Cụ thể là khai thác thời gian nghỉ ngơi mà việc lướt sóng mang lại trong cuộc sống hàng ngày, quản lý cẩn thận một không gian an toàn và đón nhận môi trường học tập năng động. Ông cho rằng, Waves For Change làm được cả ba việc này.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi khuyết tật, bạo lực… được giới thiệu đến chương trình Waves for Change. Ảnh: Al Jazeera

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi khuyết tật, bạo lực… được giới thiệu đến chương trình Waves for Change. Ảnh: Al Jazeera

Mở ra tương lai

Theo Marshall, một dấu hiệu cho thấy sự thành công của Waves for Change là số lượng lớn học viên tiếp tục trở thành huấn luyện viên cho chương trình. Trường hợp điển hình là Zelanga, người được giới thiệu đến Waves for Change vào năm 2011, khi mới 9 tuổi.

Zelanga chia sẻ rằng, anh tham gia Waves for Change mà không biết chương trình đang dạy anh những kỹ năng hữu ích vì anh nghĩ mình chỉ đang học lướt sóng. Việc tham gia chương trình đã giúp anh chọn được những người bạn phù hợp. Trước khi tham gia Waves for Change, anh vừa là kẻ bắt nạt vừa là người bị bắt nạt.

Waves for Change hỗ trợ các em nhỏ từ 11 đến 13 tuổi. Ảnh: Al Jazeera

Waves for Change hỗ trợ các em nhỏ từ 11 đến 13 tuổi. Ảnh: Al Jazeera

“Một số bạn bè của tôi ngày xưa giờ là kẻ trộm. 4 người trong số họ đã qua đời vì đâm chém”, Zelanga nhớ lại và cho biết bây giờ anh đã học được cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Kể từ khi trở thành huấn luyện viên, Zelanga đã tham gia chương trình “Trao quyền cho thanh niên thông qua thể thao Laureus”. Anh còn được chính quyền địa phương đề cử giải thưởng Huấn luyện xuất sắc và hoàn thành bằng tốt nghiệp quản lý thể thao.

Năm tới, anh dự định lấy thêm bằng cấp và hy vọng sẽ mở học viện lướt sóng của riêng mình. “Tôi đã nói chuyện với một số học viên và tôi muốn bắt đầu một điều gì đó dành cho những người 15, 16, 17 tuổi”, Zelanga nói và cho biết những người ở độ tuổi đó cần sự định hướng nhưng đã quá lớn để tham gia chương trình Waves for Change.

Theo Al Jazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.