Trên bình diện cả nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tính đến tháng 10/2021, số người rút bảo hiểm xã hội một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Người rút bảo hiểm chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực Nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi.
Đây là thực tế đáng lo ngại không chỉ với người lao động, mà còn với Quỹ Bảo hiểm Xã hội, Nhà nước và xã hội.
Về phía người lao động có lẽ không ai muốn rút bảo hiểm một lần bởi làm vậy thì quyền lợi của họ thực ra bị giảm. Xa hơn, khi đến tuổi về hưu, họ sẽ rơi vào cảnh bấp bênh tài chính rất lớn nếu như không có bảo hiểm hưu trí. Khi đó, họ không chỉ là gánh nặng cho gia đình, mà còn là gánh nặng của xã hội.
Con số 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố cho thấy, đây là lựa chọn bất đắc dĩ của người lao động khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm. Dù nhìn thấy mối nguy trong tương lai nhưng trước tiên người lao động cần duy trì cuộc sống trước mắt.
Nếu việc rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra trên diện rộng thì sẽ rất nguy hiểm đối với quỹ hưu trí, đồng thời sẽ lấy đi các tầng an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế, tử tuất. Về lâu dài, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh. Thống kê hiện nay trên 60% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu.
Có thể nói, cả người lao động và Bảo hiểm Xã hội đều không muốn xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và gốc rễ hơn để quyền lợi của người lao động được đảm bảo mà Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng được an toàn, bền vững.
Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, đề xuất hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần từng được quy định tại Điều 60, nhưng chưa thực hiện được vì công nhân phản ứng. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Trong lộ trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây có tờ trình gửi Chính phủ và trong đó có một nội dung thu hút nhiều sự quan tâm, người lao động có thể bị giảm đến 50% quyền lợi nếu rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thoạt nghe qua chuyện giảm quyền lợi của mình, người lao động bất bình, phản đối là điều dễ hiểu, nhưng nhìn ở góc độ an toàn xã hội thì việc này lại cần thiết. Bởi vậy nếu khởi động lại chính sách này, cần thiết kế lại chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát triển thị trường việc làm, nâng cao hệ thống an sinh xã hội có những điều kiện đi kèm và lộ trình phù hợp để tránh “vết xe đổ”.
Theo đó, trước hết cần xem xét lại chế độ bảo hiểm thất nghiệp, về điều kiện được hưởng, thời gian được hưởng và quyền lợi được hưởng. Bảo hiểm thất nghiệp cần tính toán lại để thực chất là tấm đệm cho người lao động lúc không may bị ngã, có thể tự đứng dậy được và đi tiếp.
Vấn đề cốt lõi hơn là phải tạo được càng nhiều việc làm càng tốt. Muốn vậy phải khuyến khích doanh nghiệp và kinh tế phát triển, khi đó nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng. Cùng với đó, cũng cần các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, đây là vấn đề các quốc gia phát triển đều rất chú trọng.