Lần đầu tiên học sinh ở nóc '3 không' nghe tiếng trống khai trường

GD&TĐ - Lễ khai giảng của HS điểm trường Ông Bình (Nam Trà My, Quảng Nam) rộn rã trống trường, những lá cờ cầm tay được vẫy lên giữa núi rừng xanh ngắt.

Thầy cô giáo đứng điểm tại nóc ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) đón học sinh trong lễ khai giảng sớm.
Thầy cô giáo đứng điểm tại nóc ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) đón học sinh trong lễ khai giảng sớm.

Lễ khai giảng hạnh phúc

Sáng 4/9, 44 học sinh mầm non và tiểu học ở điểm trường ông Bình, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) được tổ chức khai giảng năm học mới ngay trên khoảnh sân vừa được san ủi để lấy mặt bằng xây dựng trường mới.

Những lá quốc kỳ cầm tay được học sinh vẫy lên giữa núi rừng xanh ngắt.

Niềm vui của học sinh điểm trường Ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) với bộ đồng phục mới tinh được tặng từ CLB Bạn thương nhau.

Niềm vui của học sinh điểm trường Ông Bình (xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) với bộ đồng phục mới tinh được tặng từ CLB Bạn thương nhau.

Đây là lễ khai giảng đầu tiên, các em được nghe tiếng trống trường như những học sinh ở điểm trường chính. Các em lần đầu được đón vào trường với những bộ đồng phục mới tinh. Nghi thức lễ khai giảng được tiến hành như bao trường học khác trên cả nước. Khoảnh khắc nhạc Quốc ca vang lên giữa núi rừng, linh thiêng và đầy cảm xúc.

Dưới dòng chữ Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024, còn nổi bật dòng chữ: “Chỉ có đi học mới giúp làng bản mình ấm no và phát triển”. Như là một thông điệp gửi đến các em học sinh điểm trường Ông Bình, đang ngày ngày vượt khó bám trường, bám lớp.

Lần đầu tiên, điểm trường Ông Bình vang lên tiếng trống trường chào năm học mới.

Lần đầu tiên, điểm trường Ông Bình vang lên tiếng trống trường chào năm học mới.

Đây là điểm trường “3 không” - không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, không nước sạch. Thầy cô phải đặt tua – bin dưới suối để phát điện. Người dân chủ yếu làm rẫy. Những đứa trẻ hiền lành, lễ phép, nhưng lem luốc, ngồi học trong những phòng học được ghép từ những tấm tôn gỉ sét chắp vá, những phên gỗ xuống cấp lủng lỗ chỗ.

Từ trường chính ở trung tâm xã, muốn lên tới điểm trường Ông Bình, buộc phải gửi xe máy ở nhà dân rồi bắt đầu đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ. Dù con đường mới làm nhưng chưa được thảm nhựa nên mùa mưa, mặt đường không khác gì mặt ruộng cày. Các thầy cô đi dạy khá gian nan và nguy hiểm.

Cùng với Lễ khai giảng, điểm trường Ông Bình cũng làm lễ khởi công công trình xây dựng trường học với quy mô 2 phòng học, 1 phòng giáo viên và khu vệ sinh với tổng diện tích khoảng 140m2. Đây là công trình trường học được xây dựng từ nguồn vận động của CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) với số tiền hỗ trợ gần 500 triệu đồng

Xây trường trên núi

Trước lễ khai giảng sớm, bà con ở nóc Ông Bình vẫn cần mẫn cõng từng bao cát, đá để chuẩn bị xây trường cho việc xây trường. Ngày đầu tiên, già trẻ trong nóc đều hăng hái tham gia. Những ngày sau, việc vận chuyển đã bắt đầu thấm mệt nhưng công trường vẫn rộn rã.

Người dân nóc ông Bình tham gia đóng góp ngày công, vận chuyển đá, cát qua những con dốc dựng đứng để tập kết vật liệu xây trường.

Người dân nóc ông Bình tham gia đóng góp ngày công, vận chuyển đá, cát qua những con dốc dựng đứng để tập kết vật liệu xây trường.

Năm nay là năm học thứ hai thầy Nguyễn Văn Nhân đứng điểm dạy học tại nóc Ông Bình. Thầy tham gia vận động bà con đóng góp ngày công, tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng. Cũng là thầy đứng ra điều phối công việc cho bà con trong nóc vừa làm luôn “phu” khuân vác. Thầy còn lo mua sắm dụng cụ lao động, vừa lo ăn uống cho bà con… Thế nên dù nhà ở ngay trong xã mà đêm nào cũng phải tối muộn mới về.

Điểm trường Ông Bình sẽ được xây dựng kiên cố hóa từ nguồn kinh phí vận động của CLB Bạn thương nhau và đóng góp ngày công của bà con trong nóc.

Điểm trường Ông Bình sẽ được xây dựng kiên cố hóa từ nguồn kinh phí vận động của CLB Bạn thương nhau và đóng góp ngày công của bà con trong nóc.

Thầy Nguyễn Văn Nhân dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn từ năm 2019 với mức lương chưa đến 4 triệu đồng. Vừa dạy học, vừa sắp xếp thời gian để học liên thông lên đại học tại Trường ĐH Quảng Nam. Mùa hè năm 2023, thầy Nhân hoàn thành xong chương trình đại học.

4 năm dạy học, thầy Nhân đều đứng điểm tại các điểm trường thôn. “So với các thầy cô giáo từ dưới đồng bằng lên, mình là người đồng bào, hiểu rõ được tâm lý của học sinh, nói cùng tiếng nói của các em nên dạy – học lớp Một sẽ có nhiều thuận lợi. Đôi khi, giải thích bằng tiếng Việt mãi các em vẫn không hình dung được, thầy giáo sẽ chuyển qua nói với các em bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì các em nhớ ngay. Tất nhiên, hạn hữu lắm mình mới “chuyển ngữ” và phải thường xuyên dùng tiếng Việt trong dạy học và giao tiếp với học sinh” – thầy Nhân cho biết.

Thầy Nguyễn Văn Nhân (áo hồng) tham gia vận chuyển vật liệu cùng bà con nóc Ông Bình.

Thầy Nguyễn Văn Nhân (áo hồng) tham gia vận chuyển vật liệu cùng bà con nóc Ông Bình.

Anh Nguyễn Bình Nam – chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau chia sẻ: “Những người như thầy Nhân đã quay trở về để dạy học cho các bạn nhỏ là con em đồng bào của mình trên chính vùng cao ấy. Dù với mức lương thấp của một giáo viên hợp đồng.

Đây cũng là điều mà chúng ta đang mong muốn: đó là làm sao các bạn nhỏ không bỏ học, kiên trì học lên cao rồi sau đó quay trở về chung tay xây dựng làng bản của mình. Không nghĩ gì xa xôi, cứ mỗi ngày một chút, mỗi người một tay, mưa dầm thấm lâu, rồi những hạt mầm sẽ vươn mình lớn dậy…”.

“Mới vận chuyển vật liệu thôi mà mình đã hình dung được khi ngôi trường xây dựng xong, khang trang, đẹp đẽ, ấm áp về mùa mưa, không lo nắng dọi về mùa hè. Thầy trò điểm trường chúng tôi sẽ chỉ còn dạy tạm ở dãy phòng học được lắp ghép bằng gỗ thêm vài tháng nữa. Có trường mới, tiện nghi hơn, các em sẽ thích đến trường hơn. Học sinh chuyên cần thì giáo viên sẽ tập trung hơn cho công tác dạy – học" - thầy giáo Nguyễn Văn Nhân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.