Những ngôi trường bước ra từ miền cổ tích

GD&TĐ - Nhiều trường học vùng khó ở Quảng Nam chỉ còn là đống đổ nát sau những trận lở đất, lũ quét dồn dập của mùa mưa bão năm 2020.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng lần thứ 2 từ nguồn vận động đóng góp của CLB Bạn thương nhau và các nhà hảo tâm.
Điểm trường Tắk Rối được xây dựng lần thứ 2 từ nguồn vận động đóng góp của CLB Bạn thương nhau và các nhà hảo tâm.

Các nhà hảo tâm đã cùng chung sức khắc phục khó khăn với thầy trò để xây dựng lại trường lớp theo hướng kiên cố, kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2021 - 2022. Những ngôi trường đẹp đẽ là món quà lớn với thầy và trò sau những đau thương, mất mát bởi thiên tai khắc nghiệt. 

“Trường đẹp cho em”

Sau liên tiếp các cơn bão lớn, cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My (xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam) cùng đồng nghiệp ngậm ngùi nhặt nhạnh lại những tấm tôn rách nát của phòng học tại điểm trường Ông Ruộng. Vách phòng học bằng gỗ bị nghiêng, xiêu vẹo và bắt đầu có dấu hiệu mục. Để bảo đảm an toàn cho 30 trẻ mầm non tại điểm trường này, nhà trường phải mượn tạm phòng học của trường tiểu học ở gần đó.

Từ nguồn hỗ trợ của Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương, điểm trường Ông Ruộng được xây dựng mới với quy mô một phòng học, hai phòng vệ sinh và một phòng ở cho GV. Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương - cho biết: Để vận chuyển vật liệu xây dựng, CLB đã phải “rót” thêm kinh phí đắp đường và đổ bê tông đường vào trường. “Nhấn” thêm chút nữa, CLB hỗ trợ thêm kinh phí để xây tường rào, cổng ngõ, lát bê tông sân chơi cho trẻ thay vì sân đất như trước đây.

Ngày bàn giao cơ sở vật chất cho trường, CLB còn trang bị thêm một số đồ chơi dùng chung cho trẻ như thú nhún, cầu trượt, bập bênh với khoảng 50 triệu đồng. Cô trò điểm trường Ông Ruộng không phải “lội bùn” vào những ngày mưa để đến trường. Cảnh cô trò phải túm tụm vào nhau để tránh mưa tạt vào những buổi chiều trời giông gió cũng sẽ chỉ còn là kỷ niệm mỗi khi nhớ về phòng học được dựng bằng gỗ.

Để kịp cho ngày tựu trường của năm học 2021 – 2022, anh Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau đã “ủy nhiệm” cho thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bày biện lễ đơn sơ để báo cáo với Yang núi, Yang sông về ngôi trường mới xây tại Tắc Rối. Anh Nam kể: “Đà Nẵng đang thực hiện “ai ở đâu, ở yên đấy”, nên chúng tôi chỉ biết ngồi chờ cái ngày đầu tiên bọn trẻ đến trường mới để học. Cảm giác nôn nao khó tả lắm”.

Không riêng gì anh Nam có cảm giác chộn rộn về ngôi trường mới, mà những ai đã cùng tham gia góp viên gạch xây lại 2 phòng học ở điểm trường Tắk Rối đều mong ngóng từng ngày đón những bước chân vui trở lại trường. Kể từ tháng 10/2020, thầy trò ở điểm trường phải học nhờ tại nhà dân sau cơn lũ quét kinh hoàng làm sập một phòng học.

Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập.

800 triệu đồng được huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2 từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, theo như thầy Phương, là ngoài sự tưởng tượng của hội đồng sư phạm nhà trường (một năm trước đó, điểm trường Tắk Rối đã được xây dựng kiên cố từ nguồn vận động với khoảng 570 triệu đồng của CLB Bạn thương nhau).

Hành trình của những điểm trường như Tắk Rối, Tắc Pổ (đang trong quá trình xây dựng) đã truyền cảm hứng cho những ai quan tâm đến giáo dục vùng cao.

Người dân tham gia làm đường đến điểm trường Lang Lương và Răng Chuỗi.
Người dân tham gia làm đường đến điểm trường Lang Lương và Răng Chuỗi. 

Rộng mở đường đến trường

Sau gần 2 tháng kể từ ngày ra quân mở đường, con đường đến điểm trường Lang Lương và Răng Chuỗi của Trường PTDTBT Trà Tập đã dần rõ hình hài. Năm học mới này, GV ở các điểm trường này không phải đi bộ xuyên đường rừng mất 3 tiếng đồng hồ cho mỗi lần về trường chính hội họp như trước đây nữa.

Khoảng 8km đường rừng cho mỗi điểm trường được bà con thôn bản tham gia mở đường chỉ với những dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc, xẻng, búa tạ, đục đá… Những lối mòn đã được mở rộng thành đường với rất nhiều công sức và tâm huyết của bà con dân bản và những người làm công việc kết nối.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ cho biết: “Hiện, nhiều điểm trường ở Nam Trà My chỉ có thể đi bộ luồn theo những lối mòn. Vì vậy, CLB Kết nối yêu thương mới có ý tưởng dùng dụng cụ thô sơ mở đường đủ rộng để xe máy có thể đi được. Chúng tôi vận động kinh phí để hỗ trợ các dụng cụ mở đường; chính quyền xã hỗ trợ thêm kinh phí để lo bữa ăn trưa cho bà con”.

Nói về việc vận động người dân cùng tham gia mở đường, ông Nguyễn Văn Cẩn – Trưởng ban Tuyên giáo huyện Nam Trà My - chia sẻ: “Bà con Lăng Leng và Răng Chuỗi vô cùng phấn khởi khi biết đường mòn lâu nay chỉ có thể đi bộ sẽ được mở rộng.

Có đường thì rau rừng, măng rừng, chuối của bà con sẽ không phải gùi bộ cả gần nửa ngày đường ra xã để bán nữa mà sẽ được chở đi bằng xe máy. Con em đi học cũng thuận tiện hơn. Cứ có đường để đi xe máy sẽ kéo theo nhiều thay đổi. Thế nên đợt làm đường nào cũng có khoảng 200 người tham gia, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể góp sức với những công việc phù hợp”.

Con đường đất rộng chưa đầy 2 mét, qua nhiều đoạn suối, dốc đá… đã dần hình thành, hứa hẹn cho một ngày mai nhiều đổi thay. Thầy Vỹ tâm sự: CLB đang ấp ủ kế hoạch vận động kinh phí để có thể bê tông hóa 2 đoạn đường trên.

Những con đường được bê tông hóa không thể kéo gần khoảng cách địa lý từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính. Nhưng chắc hẳn sẽ làm vơi bớt nhọc nhằn con đường đến lớp của cả thầy cô giáo cắm bản và HS khi về điểm trường chính học. Như lời bài hát Đi học xa reo vui mà các em vẫn hát hàng ngày: “Hôm nay đi học xa/ Đường tương lai đường gần”.

Trường Mẫu giáo Trà Leng cũng đang dần thành hình ở khu dân cư Bằng La với mức đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau vụ sạt lở kinh hoàng, đầy ám ảnh, một khu tái định cư mới đã hình thành cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề. Ổn định nhà cửa cho người dân, chính quyền và các tổ chức tính chuyện học hành dài lâu cho con trẻ. Tháng 8/2021, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã khởi công công trình “Trường đẹp cho em” ở điểm trường Ông Dũng thuộc Trường Mẫu giáo Trà Leng. Công trình được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam thuộc Trung ương Đoàn và vốn đối ứng của địa phương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ