Giao lưu trực tuyến ‘Trường đẹp cho em’

GD&TĐ - 'Trường đẹp cho em' là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h – 10h ngày 26/5/2023

Giao lưu trực tuyến ‘Trường đẹp cho em’

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Bà Vừ Thị Mai Dinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu;

- Thầy Nguyễn Văn Hối - Giáo viên điểm trường Tắk Rối, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam).

Dù không thuận lợi như các trường học ở vùng đồng bằng, thành thị, nhưng công tác xã hội hóa giáo dục ở vùng núi cao vẫn chảy theo một mạch ngầm khác với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho cả xã hội để tiếp tục cùng chung tay với ngành Giáo dục. Những ngôi trường mái tranh, vách đất, lạnh buốt vào mùa đông, mặt trời rọi thẳng xuống trang vở của học sinh vào mùa hè đã dần thay thế bằng phòng học kiên cố, được đầu tư từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Trường đẹp cho em, Xây trường trên núi… là những dự án dài hơi được các tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ đội nhóm triển khai, góp phần cùng ngành Giáo dục thay đổi diện mạo trường lớp, cải thiện điều kiện dạy - học của học sinh và cả sinh hoạt của các thầy cô giáo cắm bản. Các trường được hỗ trợ xây dựng kiên cố đều ở khu vực đầy khó khăn, hiểm trở, thậm chí là không thể đi xe máy vào được. Chính vì vậy, để một ngôi trường thành hình, ngoài vận động kinh phí đủ lớn, còn là sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng.

Huy động nguồn lực tài chính đã khó. Nhưng khó hơn cả là kêu gọi được sự đồng tâm, đồng lòng của bà con cùng tham gia trong quá trình xây trường. Một khi người dân góp công góp sức trong quá trình xây dựng, họ sẽ bảo vệ, gìn giữ để công trình được bền đẹp, sạch sẽ. Ở địa bàn vùng khó, thành công trong thay đổi nhận thức sẽ góp phần xã hội hóa các nguồn lực đóng góp.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu

Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Giáo viên điểm trường Tắk Rối, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam)

Bạn đọc

Bạn Khathieu79@...com:

Người dân gọi Tăk Rối là ngôi trường cổ tích. Phải chăng khẩu hiệu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” được đặt tại cổng trường hàng ngày cũng chính là điều mà thầy cô của nhà trường hướng tới?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” là phương châm hoạt động của CLB Bạn thương nhau, đơn vị hỗ trợ xây dựng điểm trường 2 lần. Nhưng đồng thời cũng nhắc nhở chúng tôi cố gắng thêm mỗi ngày vì học sinh thân yêu.

Dạy cho các em đọc thông viết thạo, tự tin trong giao tiếp, có kỹ năng chăm sóc bản thân để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường bán trú khi chuyển về học ở cơ sở chính.

Cùng chia sẻ với phụ huynh kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ con cái học tập… để các em không bỏ học giữa chừng.

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" như là lời nhắc nhở mỗi thầy, cô giáo cùng chia sẻ khó khăn để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.

"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" như là lời nhắc nhở mỗi thầy, cô giáo cùng chia sẻ khó khăn để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó.

Mỗi ngày, chúng tôi như được nhắc nhở rằng hãy cùng sẻ chia khó khăn trong cuộc sống hiện tại để cuộc sống có thêm nhiều niềm vui.

Bạn đọc

Bạn Trần Hạnh – Hòa Bình:

Ngoài trường học kiên cố, trẻ em vùng khó, trẻ diện nghèo và cận nghèo rất cần hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập… Kế hoạch tiếp theo của Tỉnh đoàn Lai Châu là gì?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Tặng quà cho trẻ ở điểm trường Đo Luông, trường Mầm non xã Nặm Hăn, huyện Sìn Hồ.

Tặng quà cho trẻ ở điểm trường Đo Luông, trường Mầm non xã Nặm Hăn, huyện Sìn Hồ.

Cùng với việc khởi công hay khánh thành các điểm trường, nhà đầu tư thường xuyên có những món quà như sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Qua đó, phần nào giúp các em có thêm động lực để đến trường, lớp.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nên việc phụ huynh đầu tư sách, vở, trang thiết bị học tập cho con em cũng còn hạn chế. Chính vì lý do đó, hằng năm, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam đều kết nối, vận động trao tặng sách vở, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho học sinh vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Trong năm học tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để trao những phần quà ý nghĩa gồm quần áo, giày dép, sách vở, học bổng tới các em học sinh.

Bạn đọc

Bạn Nhật Nam, Bình Định:

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập có điểm trường Tắc Pổ được các phương tiện truyền thông nhắc đến khá nhiều. Việc vận động các nguồn lực hỗ trợ cho điểm trường Tắk Rối và các điểm trường khác có gì khó khăn không, khi nhiều tổ chức, cá nhân có mong muốn hỗ trợ cho Tắk Pổ?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Hiện nay Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập có 10 điểm trường lẻ trong đó có 4 trường gọi là đẹp cho em rồi.

6 điểm còn lại trường cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt nên các tổ chức cá nhân có mong muốn hỗ trợ Tắk Pổ thì cũng không có gì khó khăn trong việc vận động các nguồn lực hỗ trợ cho các điểm trường khác.

Bạn đọc

Bạn Trung Quân:

Công trình “Trường đẹp cho em” giúp ngành Giáo dục cũng như địa phương giải bài toán về kiên cố hóa trường học. Trong bối cảnh thực hiện Chương trình mới với yêu cầu cao hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Tỉnh đoàn Lai Châu định hướng như nào trong việc kết nối nguồn nhân lực từ tổ chức, cá nhân để có thêm nhiều trường học cho trẻ em vùng khó?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Điểm trường Phiêng Lằn, trường Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được Công ty cổ phần Stavian hóa chất (tại Hà Nội) đầu tư, xây dựng.

Điểm trường Phiêng Lằn, trường Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được Công ty cổ phần Stavian hóa chất (tại Hà Nội) đầu tư, xây dựng.

Trước mắt, Tỉnh đoàn Lai Châu đang tiếp tục rà soát, kết nối để xây dựng các công trình “Trường đẹp cho em”, góp phần thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp cho ngành GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Lai Châu vẫn luôn đẩy mạnh công tác nắm thông tin, tuyên truyền về các hoàn cảnh khó khăn; hiệu quả, ý nghĩa của các công trình đã được thực hiện nhằm kết nối, kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, thậm chí các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các phòng học thông minh, phòng tin học, máy chiếu cho các điểm trường khó khăn. Qua đó, đảm bảo điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Dung, 0978…:

Điểm trường Tắk Rối là một câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều điểm trường lẻ chưa được kiên cố hóa. Đứng lớp ở một điểm trường nhận được nhiều hỗ trợ từ các câu lạc bộ, đội nhóm thiện nguyện, thầy có áp lực gì nhiều không ạ?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Đúng là dạy học ở một điểm trường nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các câu lạc bộ, đội nhóm thiện nguyện, tôi cũng có chút áp lực.

Chẳng hạn dạy trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi nhưng số học sinh chỉ có 20 em thì giáo viên cần phải có trách nhiệm vận động học sinh đến lớp 100%.

Vườn rau tại điểm trường Tắk Rối do thầy Nguyễn Văn Hối cùng học sinh trồng và chăm sóc.

Vườn rau tại điểm trường Tắk Rối do thầy Nguyễn Văn Hối cùng học sinh trồng và chăm sóc.

Tuy trường cách trở, phải qua sông nhưng thông tin về trường thì nhiều người biết nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến tham quan. Chẳng lẽ lại để khách đến trường thấy một vườn cỏ um tùm, một vài đống giấy vụn, rác vương vãi khắp nơi trong khi trường được xây dựng khang trang.

Thế nên thời gian rỗi, tôi tranh thủ trồng thêm rau, hoa… ở quanh vườn trường. Rồi vận động thêm phụ huynh cùng hỗ trợ để giữ cho ngôi trường luôn được xanh – sạch – đẹp.

Bạn đọc

Bạn Đức Anh, Quảng Bình:

Trường được xây dựng mới, kiên cố, trang bị đồ dùng, đồ chơi phù hợp… có góp phần thu hút học sinh đến trường không, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Trang bị đồ chơi phù hợp trên mặt bằng rộng là động lực lớn nhất thu hút học sinh đến trường vì ở đây không có mặt bằng.

Các cháu chưa bao giờ nhìn thấy đồ chơi bằng vật liệu nhựa nên thích lắm, dù chỉ là một con thú nhún. Các em tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để chơi, không cho thầy cô ngủ trưa là khác. Chiều học xong không chịu về, xin được ở lại chơi, xin được xem các chương trình hoạt hình …

Học sinh điểm trường Tắk Rối liên hoan cuối năm trong chương trình Đưa Tết lên núi do CLB Bạn thương nhau hỗ trợ kinh phí tổ chức.

Học sinh điểm trường Tắk Rối liên hoan cuối năm trong chương trình Đưa Tết lên núi do CLB Bạn thương nhau hỗ trợ kinh phí tổ chức.

Bạn đọc

Bạn tronghai....@gmail.com:

“Trường đẹp cho em” được thực hiện ở nhiều địa phương nhưng cũng nảy sinh vấn đề là mới tập trung xây phòng học, phòng công vụ, phòng chức năng. Bếp ăn, đặc biệt là công trình nước sạch, nhà vệ sinh chưa được quan tâm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy-học của thầy và trò. Nơi tôi dạy học cũng đối diện với tình trạng trên nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ. Trường học tại Lai Châu có đối mặt với thực trạng này, giải pháp là gì?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Công trình "Trường đẹp cho em" tại bản Đo Luông, trường Mầm non Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ được tài trợ trị giá 180 triệu đồng với 1 phòng học, công trình phụ và sân chơi cho học sinh.
Công trình "Trường đẹp cho em" tại bản Đo Luông, trường Mầm non Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ được tài trợ trị giá 180 triệu đồng với 1 phòng học, công trình phụ và sân chơi cho học sinh.

Ở Lai Châu cũng có tình trạng bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh ở các điểm trường chưa được quan tâm đầu tư. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy trò.

Để giải quyết tình trạng này, theo tôi cần thời gian dài và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tiếp tục đầu tư, quan tâm xây dựng để đảm bảo môi trường học tập, phát triển tốt nhất cho học sinh.

Đối với các công trình “Trường đẹp cho em” mà chúng tôi đã triển khai, những điểm trường mầm non ngoài được kiên cố hóa đều có đầu tư xây dựng thêm nhà vệ sinh và sân chơi cho trẻ. Điều đó góp phần tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh.

Bạn đọc

Bạn Hadieplc@…:

Qua quá trình khảo sát, bà nhận thấy những khó khăn của ngành GD-ĐT Lai Châu, nhất là tại các điểm trường lẻ là gì?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Khởi công điểm trường Nậm Pẻ, trường Tiểu học Nậm Cha, huyện Sìn Hồ.

Khởi công điểm trường Nậm Pẻ, trường Tiểu học Nậm Cha, huyện Sìn Hồ.

Qua quá trình khảo sát, lựa chọn điểm trường để xây dựng “Trường đẹp cho em”, chúng tôi nhận thấy, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp. Còn tình trạng thiếu phòng học, phòng học không đảm bảo quy chuẩn. Quỹ đất cho xây dựng trường học hạn hẹp, phần lớn các điểm trường không có sân chơi và thiếu thiết bị giảng dạy.

Hầu hết tại các điểm trường hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Tại các điểm bản, phần lớn là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo cao, học sinh không được gia đình trang bị đủ sách giáo khoa và dụng cụ học tập. Chính vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh dễ cho con bỏ học, từ đó dẫn đến chất lượng giáo dục vùng khó gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành.

Bạn đọc

Bạn Thảo Nguyên, 0983…:

Dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện lớp ghép, thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức dạy học? 
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Nói đến dạy lớp ghép – nghe đã thấy khó rồi – vì cùng trong một tiết dạy phải chuyển kiến thức đến 2 thậm chí đến 3 trình độ.

Nhưng không sao. Tôi cũng không xem đó là kinh nghiệm mà tâm lý chung là giáo viên đứng lớp đều nghĩ cách làm chuyển hết lượng kiến thức yêu cầu đến với học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hối phụ đạo cho học sinh điểm trường Tắk Rối sau giờ học.

Thầy Nguyễn Văn Hối phụ đạo cho học sinh điểm trường Tắk Rối sau giờ học.

Vậy thì chỉ có 1 cách duy nhất là phải dày công phân chia thời gian sao cho hợp lý và sắp xếp lại những kiến thức phải truyền đạt trong 1 tiết dạy để làm sao học sinh luôn có việc để hoạt động.

Thường học sinh ở thôn, nóc ít ngủ trưa nên chiều hay ngủ gật vậy nên thầy cô phải tăng cường lồng ghép các hoạt động vui chơi.

Bạn đọc

Bạn Ánh Nguyệt, Tuyên Quang:

Ngoài được hỗ trợ xây dựng trường từ nguồn xã hội hóa theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, Tắk Rối còn nhận được hỗ trợ gì của các tổ chức, cá nhân không, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Nhiều năm qua, nguồn nước của điểm trường Tắk Rối còn chưa được đảm bảo. Vừa qua, đoàn từ thiện “Bi Nguyễn” đã hỗ trợ cho thầy trò chúng tôi đường dây dẫn nước và xây bể lọc chứa nước.

Đến nay nước sinh hoạt của thầy cô giáo và học sinh tại điểm trường đã được ổn định.

Đầu năm học 2022 – 2023 này, cùng với điểm trường Tu Gia, Tắk Rối còn được Vicoshool (Huế) tài trợ ti vi và 30 bộ máy tính cho điểm trường chính. Vì vậy, trong dạy – học chương trình mới, thầy trò chúng tôi có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Hiện còn phải sử dụng wifi phát ra từ điện thoại di động cá nhân của giáo viên để kết nối internet nhưng như vậy cũng đã tuyệt vời rồi.

Bạn đọc

Bạn hienpham.... @gmail.com:

Lai Châu từng khiển khai xây dựng 2-3 điểm trường cùng lúc. Điều này đòi hỏi việc huy động nguồn lực lẫn kiểm tra giám sát quá trình thực hiện cũng như sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của Ban thường vụ. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm để địa phương khác có thể học tập?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Việc xây dựng 2,3 điểm trường cùng lúc tuy rất khó khăn trong công tác triển khai tuy nhiên Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh với mong muốn tranh thủ thời gian, để các thầy cô và học sinh sớm có môi trường giảng dạy, học tập tốt hơn đã phân công cán bộ phụ trách việc triển khai xây dựng từng điểm trường. Đồng thời, lựa chọn các nhà thầu, đơn vị thi công có năng lực để xây dựng.

Mặc dù xây dựng ở các điểm trường khó nhưng tiến độ thi công "Trường đẹp cho em" được đảm bảo theo kế hoạch.

Mặc dù xây dựng ở các điểm trường khó nhưng tiến độ thi công "Trường đẹp cho em" được đảm bảo theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền hiệu quả, ý nghĩa của công trình “Trường đẹp cho em” và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tranh thủ sự ủng hộ của đoàn viên, thanh niên cùng nhân dân để khớp nối, tổ chức thực hiện các khâu đảm bảo thời gian theo kế hoạch xây dựng.

Đến nay, toàn bộ các công trình “Trường đẹp cho em” được khởi công đều hoàn thành và được khánh thành theo đúng lộ trình và kế hoạch xây dựng.

Bạn đọc

Bạn quynhluu…@gmail.com:

Cuộc sống người dân vốn khó khăn, đầu tư cho việc học của con em không nhiều. Thầy cô có “chiêu” gì để vận động bà con thôn bản cùng tham gia vận chuyển vật liệu, hỗ trợ xây dựng điểm trường?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Chiêu trò thì không có nhưng chủ yếu cho bà con bằng cái nhìn thực tế. Ví dụ như nhân dịp bà con đi nhận tiền hỗ trợ học tập cho con hoặc đi họp phụ huynh tại điểm trường chính thì giáo viên có thể dẫn phụ huynh đi tham quan một số phòng học, phòng vệ sinh của học sinh. Đồng thời thông báo sắp đến tại nóc mình sẽ xây dựng trường thế đó…

Tâm lý chung của phụ huynh là đều mong con được học tập trong những phòng học khang trang, kín gió, sạch sẽ. Từ những hạt giống nhỏ kia dần sẽ lan tỏa.

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Để phát huy tốt nhất hiệu quả của những công trình “Trường đẹp cho em”, theo bà cần có những giải pháp như thế nào?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Cần có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả.

Cần có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả.

Xây dựng được trường, bài toán về cơ sở vật chất đã được giải nhưng làm thế nào để phát huy hiệu quả các công trình “Trường đẹp cho em” mới mà đích đến chúng ta cần làm. Theo tôi, để công trình có hiệu quả, nhà trường cần có kế hoạch giữ gìn, bảo quản các phòng học để sử dụng lâu dài. Đồng thời, có kế hoạch duy tu, sửa chữa định kỳ để đảm bảo chất lượng công trình.

Cùng với đó, thường xuyên thông tin, kết nối các tổ chức, mạnh thường quân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thầy cô giáo và học sinh các điểm trường để động viên, khích lệ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nhà trường cần làm tốt công tác tuyển sinh, đảm bảo trẻ đi học đúng tuổi, đảm bảo tỉ lệ học sinh đến lớp. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh, giáo viên tự tạo các đồ chơi để thu hút trẻ đến trường, học tập trong môi trường an toàn, thân thiện.

Bạn đọc

Bạn Giang Anh, Khánh Hòa:

Qua phương tiện truyền thông, tôi được biết thầy cô và dân làng dùng bè vượt sông Tranh để vận chuyển vật liệu. Đây có phải là rào cản lớn nhất trong việc kêu gọi xã hội hóa cũng như xây dựng trường học kiên cố?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Câu chuyện về vận chuyển vật liệu qua sông tại thời điểm đó thì cũng có những ý kiến trái chiều. Nào là nhân công ở đâu mà vận chuyển hết 1 khối vật liệu khổng lồ, nào là chuyển bao giờ cho hết...

Nhưng thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương khẳng định, không còn cơ hội nào nữa, phải quyết tâm huy động, kêu gọi toàn lực với mục tiêu “Phải làm được và không để thất thoát”.

Thế rồi thầy Phương đứng ra kêu gọi, vận động bà con trong thôn tạm hoãn công việc đồng án, UBND xã chỉ đạo cho đoàn thanh niên phối hợp tham gia.

Vận chuyển vật liệu bằng bè vượt qua sông Tranh để xây dựng điểm trường Tắk Rối.

Vận chuyển vật liệu bằng bè vượt qua sông Tranh để xây dựng điểm trường Tắk Rối.

Tục ngữ có câu “kiến tha lâu đầy tổ”, nhưng kiến thời 4.0 lại khác. Chiếc bè với 8 chiếc thùng phi rỗng – cũng vận chuyển được mấy tấn đấy chứ. Chưa kể sức mạnh của “kiến” biết đoàn kết, biết hỗ trợ cho nhau.

Cứ như thế, từ viên gạch, bao xi măng, sắt thép… xây dựng điểm trường Tắk Rối được tập kết qua sông an toàn để việc xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, kịp đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học 2021 – 2022.

Bạn đọc

Bạn Phương Viễn (Cao Bằng):

Nhiều năm đồng hành cùng Chương trình, bà có thể cho biết kỷ niệm đặc sắc trong những chuyến đi triển khai xây dựng “Trường đẹp cho em”?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Mỗi một chuyến đi khởi công xây dựng “Trường đẹp cho em” là một lần kỷ niệm đáng nhớ, bởi các điểm trường đều khó khăn như nhau. Nhưng sâu sắc nhất là chuyến đi xây dựng điểm trường bản Diền Thàng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ.

Điểm trường do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam Lai Châu phối hợp với Trung tâm Nguồn lực tình nguyện Quốc gia, kết nối Dự án Sức mạnh 2000 với sự tài trợ của ca sỹ Anh Tú và Hoa khôi Hà Nội năm 2022 Vũ Thu Trà My - nhóm thiện nguyện Diệu Nhiên tổ chức khởi công.

Đoàn đến khởi công điểm trường bản Diền Thàng, xã Tả Ngảo khiêng xe vượt suối lũ.

Chúng tôi xuất phát từ thành phố lúc 6 giờ sáng, tiết trời đã chuyển sang Đông cộng với mưa lất phất nên suốt chặng đường đi gần như chìm trong sương mù. Nếu ko có gì thay đổi thì lịch đến bản Diền Thàng là 9h30 và sẽ bắt tay vào việc luôn. Tuy nhiên, vì tối hôm trước trời mưa rất to nên đoàn quyết định để ô tô tại xã và nhờ cấp uỷ, chính quyền xã huy động 12 xe máy để chở anh em trong đoàn và đồ vào điểm trường của bản.

Xuất phát từ xã đi lúc hơn 9 giờ nhưng phải đến 11 giờ mọi người mới vào tới bản. Trời vẫn mưa rất to khiến cây cầu nối Diền Thàng đã bị ngập nước lên đến bắp đùi. Xong xuôi công việc, 13h hơn đoàn di chuyển về đến đoạn cầu ngập lúc sáng thì nước đã dâng cao ngang bụng. Sau khi quan sát vài người dân khiêng xe máy đi qua, đoàn cũng thống nhất 6 người khiêng 1 xe và mọi người sẽ bám vào nhau di chuyển từ bên kia về bên này bờ.

Quá trình đi, nước chảy rất xiết, chỉ cần bỏ tay nhau ra là sẽ bị cuốn trôi. Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt suối, 12 chiếc xe và hơn 20 người trong đã hoàn thành chuyến đi.

Vượt qua tất cả khó khăn đó, Điển trường bản Diền Thàng vừa mới được khánh thành, học sinh sẽ không phải lo lắng mỗi dịp mùa Đông đến từng cơn gió rét lùa vào qua khe cửa, sẽ ko phải lo lắng khi đang ngồi học cơn mưa ập đến.

Bạn đọc

Bạn Phong Trần, 0905207…:

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng kiên cố từ năm nào, thưa thầy? Thầy có thể chia sẻ câu chuyện về vận động nguồn lực xây dựng điểm trường Tắk Rối?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Điểm Trường Tắk Rối của chúng tôi được xây dựng kiên cố 2 lần từ nguồn vận động của các nhà hảo tâm và CLB đội nhóm.

Trường Tắk Rối bị sập do cơn bão số 9 vào năm 2020 thì được hởi công từ 8/2019 hoàn thành 10/2019, do CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) vận động kinh phí, hỗ trợ xây dựng.

Tổng số tiền xây dựng điểm trường với 2 phòng học kiên cố, đạt chuẩn khoảng 570 triệu đồng, đã bị sập hoàn toàn chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng.

Thầy - trò học sinh điểm trường Tắk Rối phải mượn nhà dân để dạy học trong năm học 2020 - 2021 sau khi trường bị sập do bão số 9.

Thầy - trò học sinh điểm trường Tắk Rối phải mượn nhà dân để dạy học trong năm học 2020 - 2021 sau khi trường bị sập do bão số 9.

Sau khi trường bị sập, thầy trò điểm trường Tắk Rối phải mượn nhà dân để tổ chức dạy học trong suốt cả năm học 2020 – 2021.

Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng lần thứ 2, cũng từ nguồn vận động của các CLB thiện nguyện và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng lần thứ 2, cũng từ nguồn vận động của các CLB thiện nguyện và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.

800 triệu đồng được huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2 từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nói thật là ngoài sự tưởng tượng của hội đồng sư phạm nhà trường.

Ngôi trường hiện nay được khởi công tháng 3/2021, hoàn thành 5/2021.

Bạn đọc

Bạn matbiec...@gmail.com:

Với địa bàn vùng khó như Lai Châu, việc triển khai xây dựng trường học gặp phải những khó khăn gì. Giải pháp khắc phục để việc triển khai được kịp thời?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Như bạn đã biết, Lai Châu là một vùng đất khó, địa hình, giao thông đi lại khó khăn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, nhất là vào mùa mưa bão.

Giao thông đi lại khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình thi công "Trường đẹp cho em".

Giao thông đi lại khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình thi công "Trường đẹp cho em".

Có nhiều điểm phải đến 3km đường đất, xe ô tô không vào được, phải vận chuyển bằng xe máy. Nhiều đoạn vượt suối phải tăng bo, kinh phí xây dựng đôi khi không đảm bảo do phát sinh kinh phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Khắc phục khó khăn đó, Tỉnh đoàn đã vận động đoàn viên thanh niên, phụ huynh học sinh và người dân địa phương hỗ trợ san mặt bằng, vận chuyển vật liệu.

Bạn đọc

Bạn khanhphuong.....@gmail.com:

Cơn bão số 9 năm 2020 kèm mưa to, lũ quét khiến trường Tăk Rối ngập trong biển nước. Nước lớn cuốn theo những gốc cây lớn xộc thẳng vào làm ngôi trường mới xây bị hư hỏng nặng. Rất may thầy cô chạy kịp thoát thân nhưng tất cả tài sản của trường, tài sản và đồ dùng các nhân của thầy cô đều bị dòng nước cuốn đi. Thầy có thể kể lại lần chạy lũ năm ấy?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Thời điểm xảy ra cơn bão số 9 là vào tháng 10/2020. Năm học đó, thầy Lê Văn Bốn, đồng nghiệp của tôi đứng điểm tại Tắk Rối.

Dù chỉ được nghe thầy Bốn kể lại nhưng chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình và thấy đồng nghiệp của mình quá may mắn vì đã an toàn qua cơn bão dữ.

Từ sáng ngày 28/10/2020 đến 23 giờ cùng ngày, tuy ngoài trời mưa to, gió giật nhưng thầy vẫn cứ an tâm ở trong phòng bấm điện thoại nghe ngóng thông tin bảo, thỉnh thoảng mở cửa xem xét tình hình.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng từ nguồn vận động của CLB Bạn thương nhau bị sập trong cơn bão số 9 năm 2020.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng từ nguồn vận động của CLB Bạn thương nhau bị sập trong cơn bão số 9 năm 2020.

Đến gần 1 giờ sáng, thầy Bốn nghĩ chắc ở đây ổn rồi, không sao, vì hỏi thăm phụ huynh, được biết chưa bao giờ nước lũ lên đến đây, lại đang ở trong phòng xây kín.

Thầy mở cửa ra xem lại thì thấy nước đã dâng lên đến hiên, kéo theo gỗ rác… ập vào. Thầy Bốn định trở vào lấy ba lô chạy vào nhà dân. Vừa lúc đó lại nghe tiếng la hét của 1 số người dân: “Thầy, thầy ơi chạy mau, chạy mau, sập trường rồi”. Thế là thầy nhảy qua cửa sổ chạy lên dốc rồi vào nhà dân. Nước dâng rất nhanh, sau 10 phút thì tường sập – sau 20 phút thì một biển nước mênh mông, ngập gần tận mái.

Bạn đọc

Bạn Xuân Cường - Lai Châu:

Được biết Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã đề xuất Dự án “Sức mạnh 2000” và huy động xã hội hóa xây dựng cho bao nhiêu điểm trường? tiến độ thực hiện ra sao thưa đồng chí?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Đến nay đã có 32 điểm trường được khánh thành và bàn giao sử dụng.

Đến nay đã có 32 điểm trường được khánh thành và bàn giao sử dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lai Châu đã đề xuất Dự án “Sức mạnh 2000” và huy động xã hội hóa xây dựng 32 điểm trường trị giá gần 10 tỉ đồng.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng thường các điểm trường, công trình “Trường đẹp cho em” được duyệt xây được hoàn thiện hồ sơ và tổ chức khởi công, thi công, khánh thành, bàn giao cho các trường sử dụng trong vòng 5 tháng.

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Triển khai công trình “Trường đẹp cho em”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố như thế nào?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng điểm trường Tiểu học Seo Phìn, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng điểm trường Tiểu học Seo Phìn, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ.

Triển khai công trình “Trường đẹp cho em”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát các phòng, lớp học tạm để đề xuất với Trung tâm tình nguyện Quốc gia, các tổ chức, cá nhân tài trợ xây mới.

Công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ từ khâu rà soát các điểm trường trong diện được Dự án Sức mạnh 2000 hỗ trợ để lập, thẩm định hồ sơ xây dựng, giải phóng mặt bằng cho đến việc huy động đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia vận chuyển nguyên vật liệu, tổ chức khởi công, giám sát quá trình thi công và khánh thành công trình.

Bạn đọc

Bạn tranhaan…@gmail.com:

Tôi cũng là giao viên cắm bản, nhiều năm dạy lớp ghép nên hiểu rõ khó khăn của học trò, vất vả của đồng nghiệp. Điểm trường Tắk Rối có bao nhiêu học sinh, lớp học được tổ chức như thế nào?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Năm học 2022 – 2023, Tắk Rối có 61 em học sinh. Trong đó, mầm non có 20 em. Tiểu học 41 em. Những em học sinh ở độ tuổi lớp 3+4+5 có 27 em về học bán trú tại trường chính. Lớp 1+2: có 14 em học tại Tắk Rối.

Chúng tôi tổ chức dạy lớp ghép và dạy 2 buổi/ngày – tuần 9 buổi. Học sinh học từ thứ 2,3,4,5 và sáng thứ 6. Các cháu được ăn trưa 1 tuần 5 bữa, ngủ trưa tại trường. Sáng bố mẹ đưa đến, chiều tối đón về.

Bạn đọc

Bạn Phạm Dung- Điện Biên:

Chương trình “Trường đẹp cho em” được Tỉnh đoàn Lai Châu quyết định thực hiện trong bối cảnh nào, thưa bà?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Nắm, hiểu được những khó khăn của thầy cô giáo và học sinh tại các điểm trường lẻ, nhằm tiếp sức cho các thầy cô trong hành trình “trồng người” và tiếp sức đến trường cho học sinh, với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam, sự đồng hành của Dự án “Sức mạnh 2000”, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã quyết tâm phối hợp với các đơn vị liên quan để vận động nguồn lực xây dựng các điểm trường.

Khởi công xây dựng điển trường bản Diền Thàng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ.

Khởi công xây dựng điển trường bản Diền Thàng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ.

Chương trình “Trường đẹp cho em” được triển khai với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng đến mục tiêu xóa lớp học tạm trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận môi trường giáo dục công bằng, hạn chế chênh lệch vùng miền. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở, quan tâm chăm lo cho học sinh, thiếu niên, nhi đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bạn đọc

Bạn dangnam@...edu.vn:

Được biết sau trận lũ quét năm 2020, điểm trường Tắk Rối tan hoang, thầy và trò phải chật vật học ở nhà tạm. Vậy năm học 2022 – 2023, điều kiện dạy và học ở điểm trường Tắk Rối có thay đổi không, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Từ khai giảng năm học 2021 – 2022, điểm trường Tắk Rối được xây dựng kiên cố hóa lần thứ 2 đã được đưa vào sử dụng. Vì vậy, thầy trò chúng tôi có 1 năm học 2022 – 2023 quá tuyệt vời về điều kiện dạy học, nếu so sánh với nhiều điểm trường vùng cao của Nam Trà My.

Từ cơ sở vật chất, bàn ghế đến trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt như phòng học, phòng ở giáo viên, nhà bếp, nhà kho đều mới được đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Các hoạt động giáo dục thì có sự hỗ trợ của phương tiện dạy học hiện đại, phòng học được trang bị ti vi, điện, nước đầy đủ.

Phòng học tại Tắk Rối được trang bị ti vi thông minh để có thể kết nối học tập đa phương tiện.

Phòng học tại Tắk Rối được trang bị ti vi thông minh để có thể kết nối học tập đa phương tiện.

Bạn đọc

Bạn Huyền Trang - Lai Châu:

Điều kiện kinh tế xã hội lẫn đời sống người dân còn khó khăn nên ảnh hưởng đến việc đầu tư cho giáo dục. Xin bà cho biết đôi nét về hiện trạng cơ sở vật chất trường học trong tỉnh?
Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh

Bà Vừ Thị Mai Dinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu.

Bà Vừ Thị Mai Dinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu.

Lai Châu là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Điều đó tác động không nhỏ đến công tác phát triển và đầu tư cho giáo dục. Mặc dù vậy, cơ sở vật chất trường học trong tỉnh đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, xây dựng và trang bị tương đối đầy đủ. Nhờ đó, nhiều trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia cấp độ 1 và 2.

Tuy nhiên, ở hầu hết những điểm trường lẻ tại các bản có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, không nằm trong quy hoạch xây dựng của địa phương thì đa phần phòng học đã xuống cấp, chủ yếu là phòng học tạm bằng gỗ, tôn lắp ghép… thiết bị dạy và học không đảm bảo; không có phòng công vụ và thiếu nhà vệ sinh.

Do vậy, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã phối hợp rà soát, xét chọn và kết nối để xây mới phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh tại các điểm trường lẻ để phần nào làm vơi bớt những khó khăn của các thầy cô giáo và học sinh.

Bạn đọc

Bạn Hà Khang, Đà Nẵng:

Tắk Rối và Tắc Pổ là 2 điểm trường khó khăn nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Thầy có thể cho biết, giao thông từ điểm trường chính vào Tắk Rối có thuận lợi không. Học sinh có được tổ chức bán trú ở trường?
Thầy Nguyễn Văn Hối

Thầy Nguyễn Văn Hối

Từ điểm trường chính, chúng tôi phải đi xe máy mất khoàng 40 – 50 phút rồi đi ghe hoặc bè qua sông.

Mùa mưa, con sông Tranh hiền hòa sẽ trở nên hung dữ nên không phải lúc nào cũng có thể đi bè qua sông để vào Tắk Rối được. Những lúc đó, người dân Tắk Rối hoàn toàn cô lập với bên ngoài.

Thầy Nguyễn Văn Hối di chuyển bằng bè phao qua sông Tranh để vào điểm trường Tắk Rối.

Thầy Nguyễn Văn Hối di chuyển bằng bè phao qua sông Tranh để vào điểm trường Tắk Rối.

Trước đây, người dân thường qua lại bằng chiếc ghe nhôm mỏng manh. Hai năm trở lại đây, ngoài ghe nhôm, phương tiện qua lại còn được bổ sung thêm 1 chiếc bè được kết lại bằng thùng phuy nhựa, đặt trên những tấm ván gỗ.

Để có chiếc bè phao này, thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm giúp cho học sinh và người dân đi lại cho an toàn. Khi di chuyển chiếc bè phao, phải có dây cáp nối từ bên này sông qua bên kia sông. Người qua sông phải vừa bám vào dây cáp vừa di chuyển bè phao đi.

Thuyền nhôm vượt sông Tranh vào Tắk Rối những ngày thời tiết đẹp.

Thuyền nhôm vượt sông Tranh vào Tắk Rối những ngày thời tiết đẹp.

Không thể nói là giao thông đến điểm trường Tắk Rối thuận tiện, nhưng với sự nhiệt tình, mến khách, sự hỗ trợ nhiệt tình đối với thầy cô giáo của các chủ ghe thì đường đến Tắk Rối, với tôi là có “thuận lợi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.