Ngôi trường 'cổ tích' ở Tắk Rối

GD&TĐ - Tắk Rối là điểm trường được xây dựng kiên cố hóa 2 lần từ sự vận động của các CLB thiện nguyện, góp phần cải thiện điều kiện dạy - học vùng khó.

Điểm trường Tắk Rối được xây dựng kiên cố hóa 2 lần từ sự vận động của các CLB thiện nguyện.
Điểm trường Tắk Rối được xây dựng kiên cố hóa 2 lần từ sự vận động của các CLB thiện nguyện.

"Cõng" cát, xi măng vượt sông Tranh

Năm học 2020 - 2021, thầy trò điểm trường Tắk Rối (Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) phải mượn nhà dân để tổ chức dạy - học. Trường mới được CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) vận động kinh phí và hỗ trợ xây dựng với tổng kinh phí khoảng 570 triệu đồng. Vừa mới đưa vào sử dụng được khoảng 1 năm thì bị cơn bão số 9 năm 2020 đánh sập mất một phòng học. Phòng học còn lại cũng không đảm bảo an toàn.

Hồi sinh cho điểm trường Tắk Rối, CLB Bạn thương nhau đã kêu gọi được 600 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ. Thêm 200 triệu được một nhóm nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. 800 triệu đồng huy động chỉ trong vòng 2 tháng, cho một điểm trường được xây dựng lần thứ 2 từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm là một câu chuyện truyền cảm hứng cho những ai quan tâm đến giáo dục vùng khó.

Chiếc bè gỗ được kết từ 8 thùng phuy nhựa dùng để chở vật liệu vượt sông Tranh xây dựng điểm trường Tắk Rối.

Chiếc bè gỗ được kết từ 8 thùng phuy nhựa dùng để chở vật liệu vượt sông Tranh xây dựng điểm trường Tắk Rối.

Từ trung tâm xã Trà Tập, mất khoảng 40 phút đi xe máy rồi vượt sông Tranh mới vào được đến Tắk Rối. Chưa có cầu, người dân Tắk Rối chỉ có thể vượt sông bằng chiếc thuyền nhôm mỏng manh, đường sá thì nhỏ hẹp, cheo leo trong khi thời gian rất gấp, phải tranh thủ thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ.

Người dân Tắk Rối cùng tham gia vận chuyển vật liệu từ bến sông lên đến địa điểm xây dựng trường.

Người dân Tắk Rối cùng tham gia vận chuyển vật liệu từ bến sông lên đến địa điểm xây dựng trường.

Ban giám hiệu Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cùng đại diện CLB Bạn thương nhau cùng chính quyền địa phương họp dân, vận động bà con cùng tham gia chuyển vật liệu vượt sông để xây trường.

Khi di chuyển chiếc bè phao, phải có dây cáp nối từ bên này sông qua bên kia sông. Vật liệu được ưu tiên nằm trên bè, còn người phải nhảy xuống nước đẩy bè qua sông vào thời điểm nước cạn.

Thầy Thầy Nguyễn Văn Hối – Giáo viên điểm trường Tắk Rối, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập nhớ lại: "Câu chuyện về vận chuyển vật liệu qua sông tại thời điểm đó thì cũng có những ý kiến trái chiều. Nào là nhân công ở đâu mà vận chuyển hết 1 khối vật liệu khổng lồ, nào là chuyển bao giờ cho hết... Nhưng thầy hiệu trưởng Lê Huy Phương khẳng định không còn cơ hội nào nữa, phải quyết tâm huy động, kêu gọi toàn lực với mục tiêu “Phải làm được và không để thất thoát". Với sự chung sức của bà con trong thôn cùng sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã, hàng tấn vật tư xây dựng đã vượt sông Tranh để ngôi trường mới được thành hình.

Để góp phần vận động phụ huynh, bà con thôn bản cùng tham gia vận chuyển vật liệu, thầy Hối cho biết, phải bằng trực quan sinh động. Ví dụ như nhân dịp bà con đi nhận tiền hỗ trợ học tập cho con hoặc đi họp phụ huynh tại điểm trường chính thì giáo viên có thể dẫn phụ huynh đi tham quan một số phòng học, phòng vệ sinh của học sinh. Đồng thời thông báo sắp đến tại nóc mình sẽ xây dựng trường thế đó… Tâm lý chung của phụ huynh là đều mong con được học tập trong những phòng học khang trang, kín gió, sạch sẽ. Từ những hạt giống nhỏ kia dần sẽ lan tỏa.

Một chiếc bè được kết lại bằng thùng phuy nhựa, đặt trên những tấm ván gỗ được sử dụng để chuyển gạch, xi măng, sắt thép vượt sông Tranh. Khi di chuyển chiếc bè phao, phải có dây cáp nối từ bên này sông qua bên kia sông. Người trên bè phải vừa bám vào dây cáp vừa di chuyển bè phao đi. Có những đoạn đường lầy đầy bùn đất hoặc đá dăm, có khi xe không đi được thì đành phải vận chuyển bằng sức người.

Đến trường giữa muôn vạn yêu thương

Thầy Nguyễn Văn Hối cho biết: "Năm học 2022 – 2023 là một năm học quá tuyệt vời của thầy - trò điểm trường Tắk Rối về điều kiện dạy học, nếu so sánh với nhiều điểm trường vùng cao của Nam Trà My. Từ cơ sở vật chất, bàn ghế đến trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt như phòng học, phòng ở giáo viên, nhà bếp, nhà kho đều mới được đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Các hoạt động giáo dục thì có sự hỗ trợ của phương tiện dạy học hiện đại, phòng học được trang bị ti vi, điện, nước đầy đủ".

Lễ bàn giao công trình điểm trường Tắk Rối lần 2 do CLB Bạn thương nhau vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng.

Lễ bàn giao công trình điểm trường Tắk Rối lần 2 do CLB Bạn thương nhau vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng.

Nhiều năm qua, nguồn nước của điểm trường Tắk Rối còn chưa được đảm bảo. Vừa qua, đoàn từ thiện “Bi Nguyễn” đã hỗ trợ đường dây dẫn nước và xây bể lọc chứa nước. Đến nay nước sinh hoạt của thầy cô giáo và học sinh tại điểm trường đã được ổn định.

Đầu năm học 2022 – 2023 này, cùng với điểm trường Tu Gia, Tắk Rối còn được Vicoshool (Huế) tài trợ ti vi và 30 bộ máy tính cho điểm trường chính. Vì vậy, trong dạy – học chương trình mới, thầy và trò có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Hiện còn phải sử dụng wifi phát ra từ điện thoại di động cá nhân của giáo viên nhưng như vậy, theo thầy Hối, cũng đã tuyệt vời rồi.

Thầy Nguyễn Văn Hối phụ đạo thêm cho học sinh ngoài giờ học chính khóa.

Thầy Nguyễn Văn Hối phụ đạo thêm cho học sinh ngoài giờ học chính khóa.

Năm học 2022 – 2023, Tắk Rối có 61 em học sinh. Trong đó, mầm non có 20 em. Tiểu học 41 em. Những em học sinh ở độ tuổi lớp 3+4+5 về học bán trú tại trường chính. 14 em lớp 1 - 2 học lớp ghép tại Tắk Rối . Các em được học 2 buổi/ngày với 9 buổi/tuần. Các em học từ thứ 2,3,4,5 và sáng thứ 6, ăn trưa 1 tuần 5 bữa, ngủ trưa tại trường.

Thầy Hối chia sẻ: "Nói đến dạy lớp ghép – nghe đã thấy khó rồi – vì cùng trong một tiết dạy phải chuyển kiến thức đến 2 thậm chí đến 3 trình độ. Giáo viên phải dày công phân chia thời gian sao cho hợp lý; sắp xếp lại những kiến thức phải truyền đạt trong 1 tiết dạy để làm sao học sinh luôn có việc để hoạt động. Thường học sinh ở thôn, nóc ít ngủ trưa nên chiều hay ngủ gật vậy nên tăng cường lồng ghép các hoạt động vui chơi".

"Trang bị đồ chơi phù hợp trên mặt bằng rộng là động lực lớn nhất thu hút học sinh đến trường vì ở đây không có sân chơi. Các cháu chưa bao giờ nhìn thấy đồ chơi bằng vật liệu nhựa nên thích lắm, dù chỉ là một con thú nhún. Các em tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để chơi, không cho thầy cô ngủ trưa là khác. Chiều học xong không chịu về, xin được ở lại chơi, xin được xem các chương trình hoạt hình…" - thầy Nguyễn Văn Hối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ