UBND phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM vừa thông tin với báo chí về việc buộc tháo dỡ nhà hàng ăn uống vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Báo GD&TĐ đã thị sát thực tế, phát hiện công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn không ít.
Chủ tịch TP yêu cầu giám đốc Sở “đi nắm tình hình”
Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, đứng đầu danh sách công trình lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) với 13 công trình nhà ở cách mép nước 7,5m.
Công ty TNHH Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m. Công trình vi phạm này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt, yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Các công ty TNHH Hải Vương, TNHH XD Thế Minh, Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera, Công đoàn Công ty Thép Miền Nam… đều xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.
Những hộ cá nhân cũng đua nhau lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn để xây dựng nhà cửa, hàng quán. Theo Hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, sông, kênh rạch nội thành và các giải pháp để hoàn chỉnh cơ bản kè sông Sài Gòn”, trong số khoảng 100 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông - rạch và xây dựng trên hành lang an toàn bờ sông được phát hiện năm 2019 thì có đến khoảng 30 trường hợp nằm trên khu vực sông Sài Gòn. Tổng diện tích vi phạm lấn chiếm trên 8.000m2.
Trước sự lấn chiếm, lỏng lẻo trong quản lý hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, mới đây Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đã đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đi ca nô dọc sông Sài Gòn, để thấy những dự án lấn sông Sài Gòn đang nghiêm trọng thế nào.
Biệt thự khủng bịt kín lối ra!
Theo quy định, sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ bờ sông rộng từ 30m đến 50m (tùy đoạn). Mục tiêu của hành lang bờ sông chủ yếu nhằm xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, công viên, cây xanh và bảo đảm môi trường...
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn chưa xử lý nghiêm. Hành lang bờ sông nhiều nơi đã và đang không bảo đảm khiến tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, nhất là khu vực Thanh Đa, Quận 2 ngày càng nghiêm trọng.
Tại đoạn đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM, bờ sông Sài Gòn gần như bị những dãy biệt thự khủng bịt kín lối ra. Các đơn vị thực hiện dự án khu biệt thự, chủ biệt thự đơn lẻ ngang nhiên biến không gian mặt sông thành bến du thuyền, chiếm lĩnh không gian chung của cộng đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Danh, nhà ngay đầu đường Nguyễn Văn Hưởng (tiếp giáp xa lộ Hà Nội) cho biết: Việc dân ở đây không thể ngắm sông Sài Gòn đã tồn tại từ lâu. Bởi những dãy biệt thự khủng khi xây lên gần như 100% đều có tường rào rất cao che chắn, bao chiếm dọc bờ sông. “Muốn ra sông Sài Gòn hóng gió, câu cá chỉ còn nước ra bờ phía bên đường Trần Não hoặc ra những khoảng trống đầy rác rưởi còn sót lại” - anh Danh nói.
Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ - Viện Quy hoạch xây dựng cho biết, cuối năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có báo cáo kết quả rà soát quy hoạch và quản lý xây dựng dọc tuyến sông Sài Gòn.
Theo đó, cả tuyến sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến Quận 7 có khoảng 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp thương mại - dịch vụ, khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với khoảng 454 ha đang được phát triển ven sông. Trong đó, có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất ảnh hưởng nhiều tới hành lang bảo vệ sông.
“Tình trạng lấn chiếm sông rạch để phát triển dự án nêu trên, ngoài công tác quản lý đô thị có vấn đề, thì nguyên nhân lớn là chúng ta chưa có một đồ án quy hoạch 2 bên bờ sông Sài Gòn.
Chính việc thiếu đồ án quy hoạch tổng thể như vậy mà sự đảm bảo thống nhất về tổ chức, quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông Sài Gòn chưa tốt. Không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng, mà cần có kịch bản quy hoạch ven sông Sài Gòn” - Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ nói.