TPHCM nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh: Đầu tư gần 500 tỷ đồng, có hết ngập?

GD&TĐ - Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, chủ đầu tư cho biết: Đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được cải tạo, chỉnh trang với tổng kinh phí 473 tỷ đồng. 

Đoạn đường trước tòa nhà The Manor đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 500m dự kiến nâng cấp sửa chữa từ 0,5 - 1,2m. Ảnh: TG
Đoạn đường trước tòa nhà The Manor đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 500m dự kiến nâng cấp sửa chữa từ 0,5 - 1,2m. Ảnh: TG

Dự án được khởi công ngày 5/10, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng thi công. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi nâng cấp, sửa chữa sẽ hết ngập vì được tăng cường cống thoát nước, cửa xả.

Con đường cứ mưa là ngập

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 3,7km, ngốn hết gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm TPHCM. Được đưa vào khai thác từ năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho TPHCM và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng. Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt 16 năm qua.

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2. Nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tháng 10/2007, UBND TPHCM phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu này. Không những vậy, trong quá trình thi công dự án hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách Nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà khoảng 4 tỷ đồng. Phần đường thì ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân ngập được xác định là do đường bị lún.

Ông Trần Thanh Quang, có nhà trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, kể: Nhiều năm nay con đường này cứ mưa là ngập nặng, có đoạn ngập đến bụng. Nhiều gia đình phải sửa chữa, nâng cấp lại nhà để chống ngập. Cũng do một phần khu vực này đô thị hóa quá nhanh, các chung cư cao ốc mọc lên như nấm. Tình trạng bê tông hóa nhiều và kèm theo hệ thống cấp thoát nước kém dẫn đến ngập.

Theo kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định (Bộ Xây dựng): Năm 2004, độ lún lớn nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh là gần 60cm. Sang năm 2005, đường lún 70 – 80cm. Kết quả kiểm tra cho thấy, có đoạn còn lún hơn 1m.

Nâng mặt đường, nhà dân sẽ thành ao?

Đường Nguyễn Hữu Cảnh - “con đường đau khổ” cứ mưa là ngập. Ảnh: IT
Đường Nguyễn Hữu Cảnh - “con đường đau khổ” cứ mưa là ngập. Ảnh: IT 

BQLDA cho biết, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài toàn tuyến gần 3,2km. Dự án sẽ nâng cao mặt đường khoảng 500m bị lún từ 0,5cm - 1,2m, bảo đảm yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên. Để thực hiện dự án có khoảng 60/459 cây xanh sẽ bị đốn (sinh trưởng yếu, cụt ngọn), số còn lại được giữ nguyên, sau khi dự án hoàn thành sẽ bổ sung thêm 130 cây mới.

Ngoài ra, các hạng mục khác như cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật; sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình trên tuyến như: Tường cách âm Thảo Cầm Viên, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2, cầu Thủ Thiêm... nhằm tăng năng lực thông hành và mỹ quan đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 371 tỷ đồng.

Theo BQLDA, sẽ xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước mưa đường Nguyễn Hữu Cảnh, bảo đảm thoát nước cho lưu vực 35ha đường. Đoạn 1 (từ đường Tôn Đức Thắng đến hết ranh dự án cầu Thủ Thiêm) giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện nay, nâng cao miệng giếng thu, cải tạo cửa thu nước cho phù hợp cao độ mặt đường và vỉa hè hoàn thiện. Sẽ thoát nước ra rạch Thị Nghè theo cửa xả hiện hữu tại cầu Thị Nghè 2. Đoạn 2 và đoạn 3 (từ ranh dự án cầu Thủ Thiêm đến hết phạm vi nút giao dưới cầu Sài Gòn), sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới ở dưới lòng đường, song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết hệ thống thoát nước hiện hữu qua các giếng thu.

Đồng thời, xử lý lấp hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước, để tránh sụp lún trong quá trình khai thác; sẽ thoát nước trực tiếp ra sông Sài Gòn tại 2 cửa xả dưới chân cầu Sài Gòn và cửa xả trên đường Võ Duy Ninh nối dài.

Nếu mặt đường được nâng cao đến 1,2m, nhà dân sẽ bị ngập? Trả lời câu hỏi này, đại diện BQLDA cho biết: Đoạn đường từ hầm chui cầu Thủ Thiêm (trước tòa nhà The Manor) đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 500m, sẽ được nâng cao độ mặt đường từ 0,5 - 1,2m, đây là đoạn bị lún nặng nhất. Các đoạn khác lún ít nên việc nâng đường ít hơn. BQLDA đã khảo sát, trao đổi ý kiến với người dân và địa phương cũng đã chấp thuận việc nâng cao độ mặt đường ở những đoạn bị lún, ngập nước. Theo đó, phương án khắc phục là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân đi lại dễ dàng.

“Nâng đường là cần thiết nhưng phải ở mức độ cho phép không thì lại ảnh hưởng đến kiến trúc xây dựng của nhà dân, không khéo có đoạn nâng cao quá nhà dân lại thành ao thì khổ nữa”, nhiều người dân sống hai bên đường lo lắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.