Môn Địa lý: Hóa giải thắc mắc về đô thị hóa

Môn Địa lý: Hóa giải thắc mắc về đô thị hóa

Cô Đào Thị Diệp, Tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Bãi Cháy (Quảng Ninh) đưa ra hướng dẫn để các em có thể làm tốt nội dung này.

Hiểu rõ vấn đề

Theo cô Diệp, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của nước ta diễn ra khá nhanh, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Để hiểu vấn đề này, trước hết HS cần biết khái niệm đô thị hóa: Sự tăng nhanh về số lượng và quy mô các điểm dân cư đô thị; Tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là thành phố lớn. Đô thị hóa ở nước ta có 3 đặc điểm: Quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, trình độ đô thị hóa thấp. Tỉ lệ dân thành thị tăng. Phân bố đô thị không đều giữa các vùng.

Ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế là điều chúng ta phải chứng minh. Xem xét ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta có thể nghiên cứu ở hai khía cạnh: Những tác động tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, đô thị hóa có tác động mạnh tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các đô thị có ảnh hưỏng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng trong nước.

Năm 2005, khu vực đô thị đóng góp 70,4% GDP cả nước, 84% GDP công nghiệp - xây dựng, 87% GDP dịch vụ và 80% ngân sách Nhà nước. Các thành phố, thị xã là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật; có cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại, có sức hút đối với đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo ra động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các đô thị có khả năng tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng nảy sinh những mặt trái như: Ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội...

Liên hệ với đề thi

Môn Địa lý: Hóa giải thắc mắc về đô thị hóa ảnh 1

Cô Đào Thị Diệp hướng dẫn đọc Atlat. Ảnh: TG

Trong đề thi minh họa lần 2 năm 2020 của Bộ GD&ĐT, phần đô thị hóa có câu hỏi ở mức độ vận dụng. Với mức độ này, câu hỏi khi ra sẽ chủ yếu nhằm vào những ảnh hưởng của đô thị hóa. Như vậy, HS cần lưu ý nội dung xoay quanh vấn đề đô thị: Phát triển mạnh mẽ các đô thị lớn; Đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn; Bảo đảm cân đối giữa quy mô đô thị và sự gia tăng dân số; Phát triển cân đối giữa kinh tế - xã hội đô thị với cơ sở hạ tầng đô thị; Khắc phục những hậu quả về mặt môi trường - xã hội do dân số tập trung đông ở các đô thị gây ra.

Nếu nội dung câu hỏi yêu cầu đưa ra ảnh hưởng lớn nhất của đô thị hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta, theo cô Diệp: Tác động tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động; Tạo ra các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn và đa dạng.

Trường hợp câu hỏi yêu cầu giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đô thị hóa ở nước ta, cô Diệp đưa ra gợi ý: Hạn chế dòng di cư từ nông thôn vào các đô thị; Ngăn chặn lối sống thành thị hóa nông thôn; Giảm bớt tốc độ đô thị hóa ở vùng nông thôn; Tiến hành đô thị hóa xuất phát từ công nghiệp hóa.

Đối với câu hỏi, các ngành kinh tế và yếu tố vùng miền tác động gì tới phát triển bền vững? HS cần hiểu, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới và mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... để hoạch định chiến lược phù hợp. Có rất nhiều khái niệm khác nhau về phát triển bền vững. Ta có thể hiểu: Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý hài hòa giữa ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, phát triển bền vững ở nước ta chịu tác động của rất nhiều yếu tố, từ kinh tế, xã hội, đến con người...

Đặc biệt, các ngành kinh tế và yếu tố vùng miền có tác động lớn tới phát triển bền vững. Trong đó, tác động tích cực: Tạo động lực cho sự phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các ngành kinh tế đa dạng của nước ta sẽ làm tăng cơ hội cho sự phát triển bền vững. Yếu tố đa dạng của vùng miền cũng tạo thêm cơ hội cho sự phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm kinh tế khác nhau... 

Tuy nhiên cũng gây ra tác động tiêu cực. Nếu không có chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với thực tế đất nước và yêu cầu phát triển, các ngành kinh tế sẽ có những tác động xấu tới nền kinh tế chung, tới xã hội và môi trường, từ đó đe dọa và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, yếu tố vùng miền cũng ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta quá chú trọng vào vùng miền, sẽ không có sự thống nhất, hòa hợp với nền kinh tế, ảnh hưởng xấu tới phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ