Bí quyết vượt vũ môn Môn Địa Lý: Giải câu hỏi về vùng kinh tế

Bí quyết vượt vũ môn Môn Địa Lý: Giải câu hỏi về vùng kinh tế

Vị trí địa lý vùng kinh tế

Theo Cô Vũ Thị Thu: Trong ma trận đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Địa lý của Bộ GD&ĐT, nội dung địa lý vùng kinh tế có 8 câu (2 điểm). Mức độ câu hỏi của chủ đề vùng dễ hơn so với đề thi THPT quốc gia năm 2019. Phạm vi kiến thức chủ đề vùng trải đều 7 vùng kinh tế (7 câu) và vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo (1 câu).

Nội dung của mỗi vùng thể hiện các đặc điểm về điều kiện phát triển (vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội), hiện trạng phát triển và phân bổ kinh tế - xã hội; ý nghĩa, vấn đề cần giải quyết. Trong quá trình ôn tập, HS cần xây dựng sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức giúp nhận thức rõ nét đặc trưng cơ bản và những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng. Từ đó, HS có nhận thức về địa lý Việt Nam sâu sắc.

Cần hiểu rõ đặc trưng

Bí quyết vượt vũ môn Môn Địa Lý: Giải câu hỏi về vùng kinh tế ảnh 1
Cô Vũ Thị Thu hướng dẫn HS khối lớp 12 ôn tập. Ảnh: TG

Vấn đề thế mạnh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện; trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới; chăn nuôi gia súc lớn; phát triển kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành của đồng bằng sông Hồng với nội dung khái quát về các thế mạnh chủ yếu (vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội) và các hạn chế chủ yếu của vùng (dân số đông, mật độ dân số cao gây sức ép về tạo việc làm; thiên tai; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm); đặc điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành của vùng với các định hướng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Bắc Trung Bộ cần phân tích được ý nghĩa, hiện trạng phát triển, phân bố của việc hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp; hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ tiêu biểu với việc phát triển tổng hợp kinh tế biển (nghề cá, du lịch biển, dịch vụ hàng hải, khai thác khoáng sản ở thềm lục địa và sản xuất muối); phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.

Khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên, điển hình với việc phát triển cây công nghiệp lâu năm (điều kiện phát triển, tình hình sản xuất và phân bố), khai thác và chế biến lâm sản, khai thác thủy năng kết hợp với thủy lợi.

Vùng Đông Nam Bộ, cần thể hiện khái quát các thế mạnh và hạn chế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Một số phương hướng chính để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…

Vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long: Phân tích thế mạnh và hạn chế về mặt tự nhiên và ảnh hưởng của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Từ đó thấy rõ những vấn đề chủ yếu cần phải giải quyết hiện nay của vùng như nước ngọt, duy trì và bảo vệ tài nguyên rừng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh phát trển khai thác kinh tế kết hợp mặt biển với đảo. Đối với đời sống của người dân cần chủ động sống chung với lũ.

Phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo, HS cần thấy được ý nghĩa chiến lược to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay cũng như tương lai. Hiểu được vấn đề khai thác tổng hợp các tài nguyên biển (tài nguyên sinh vật biển và hải đảo, khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển du lịch biển, giao thông vận tải biển). Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề về biển và thềm lục địa.

Kết hợp vào bài làm

Chủ đề vùng được thể hiện trực quan trong Atlat Địa lý Việt Nam. Quá trình ôn tập, HS cần sử dụng hiệu quả Atlat Địa lý Việt Nam để liên kết giữa kiến thức đã học ở các chủ đề trước với chủ đề vùng kinh tế. Bên cạnh đó, HS cần so sánh đặc điểm giữa các vùng như đồng bằng sông Hồng với Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du miền núi Bắc Bộ với Tây Nguyên, duyên hải Bắc Trung Bộ với duyên hải Nam Trung Bộ… để thấy được những đặc điểm giống nhau và sự khác biệt tiêu biểu ở mỗi vùng, giúp các em khắc sâu kiến thức.

Ngoài hệ thống kiến thức cơ bản của chủ đề vùng, HS nên thường xuyên làm các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết để kiểm tra và đánh giá mức độ nhận thức, kết hợp giữa học lý thuyết vào làm bài thực tế để có điều chỉnh phương pháp ôn tập và kỹ năng làm bài hợp lý hơn. Nguyên tắc làm bài nên đọc kỹ câu hỏi, làm từ dễ đến khó, xác định từ khóa của câu hỏi và cần phân bố thời gian khoa học hoặc sử dụng phương án loại trừ để tìm ra câu trả lời đúng nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.