Địa lý tự nhiên trong đề thi
Theo cô Châu Giang, đề minh họa lần 2 của Bộ GD&ĐT năm 2020 có 7 câu hỏi thuộc chủ đề địa lý tự nhiên, với các mức độ nhận biết: 3 câu, 3 câu thông hiểu và 1 câu vận dụng thấp. Ở chủ đề Địa lý dân cư, đô thị hóa có 3 câu với các mức độ nhận biết: 1 câu, thông hiểu: 1 câu, vận dụng thấp: 1 câu. Không có câu hỏi vận dụng cao ở phần này.
Liên quan đến nội dung đề thi có phần địa lý tự nhiên, cô Châu Giang cho rằng: Ngoài câu hỏi lý thuyết, có một số câu hỏi thực hành, Atlat, bảng số liệu, biểu đồ có liên quan đến hai chủ đề trên. Tỷ lệ (ước lượng) kiến thức HS phải học thuộc là 2, kiến thức có sẵn trong Atlat là 8. Để giải đề, HS cần nắm vững kiến thức cơ bản hai chủ đề trên. Kiến thức cơ bản có thể khai thác trên Atlat, các em không cần phải học thuộc lòng nhiều, nhưng lại cần phải có kỹ năng cần thiết, Atlat trở thành "phao cứu sinh" trong bộ môn Địa lý.
Ví dụ câu hỏi: Quốc gia nào sau đây có chung đường biên giới với nước ta cả trên đất liền và trên biển? Học sinh có thể sử dụng Atlat trang 4 - 5, nhìn vào vị trí bản đồ Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á là trả lời được ngay đáp án Trung Quốc và Campuchia. Cũng ở trang này, thí sinh có thể xác định được 4 điểm cực Bắc, Nam, Đông Tây của nước ta. Kể tên, đếm được nước ta có bao nhiêu tỉnh, thành phố tiếp giáp với biển; biết được địa phương nào giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia; lãnh thổ Việt Nam nằm ở múi giờ số mấy…
Với câu hỏi liên quan đến vùng núi Đông Bắc: HS có thể sử dụng Atlat trang số 13 để xác định phạm vi vùng núi Đông Bắc, hướng núi, kể tên được các cánh cung, đỉnh núi cao tiêu biểu của vùng, hướng nghiêng, hướng sông... căn cứ hướng núi để giải thích về khí hậu của vùng (mùa Đông đến sớm và kết thúc muộn). HS phải đọc và nắm thật kỹ kiến thức liên quan đến đặc điểm thời tiết, khí hậu, vùng miền để trả lời cũng như đưa ra phân tích một cách khoa học và thuyết phục.
Phần dân cư, đô thị hóa
Cô Châu Giang đặc biệt lưu ý: Câu hỏi về các bộ phận thuộc vùng biển nước ta, các em không thể trả lời dựa vào Atlat mà phải nhớ được sơ đồ GV đã vẽ trong quá trình giảng dạy (nhớ phạm vi và chủ quyền). Ở nhiều trang (ví dụ trang giao thông 23), các em có thể kể tên được cửa khẩu trên đường biên giới với các nước, sắp xếp được trình tự, biết nó thuộc tỉnh nào... Hoặc những vấn đề về lãnh hải, lãnh thổ, HS cũng cần phải nắm vững cũng như quyền chủ quyền trên biển và đất liền.
Để trả lời câu hỏi về dân cư, đô thị hóa, HS nên sử dụng Atlat trang 15, 16 vì đây là chìa khóa quan trọng để giải bài này cũng như nhiều câu hỏi khác trong nội dung thi môn Địa lý. Các em phải chứng minh được mật độ dân cư ở đồng bằng cao hơn miền núi, so sánh giữa các vùng, biết được quy mô dân số qua các năm, tỷ lệ dân thành thị và nông thôn. Trên cơ sở đó thấy sự thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi… để đưa ra nhận định về những tác động ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. HS đọc kỹ từng câu hỏi, phải xác định và gạch chân từ hoặc cụm từ quan trọng nhất (từ khóa), có thể loại trừ câu sai để chọn ra câu đúng.
Theo kinh nghiệm luyện thi của cô Giang: "Phần lớn các câu trả lời đều có trong Atlat nhưng câu trả lời nằm ở trang bao nhiêu, chỗ nào (trên bản đồ hay biểu đồ phải qua bước xử lý số liệu mới có được), điều này tùy thuộc kỹ năng, kiến thức của mỗi HS, phụ thuộc vào việc thầy cô đã trang bị cho các em những kỹ năng gì. HS được trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng Địa lý, đặc biệt là sử dụng Atlat có thể tự tin làm bài đạt kết quả cao".
“HS cần dành nhiều thời gian giải đề, các câu hỏi dạng giống nhau. Trong quá trình hướng dẫn ôn tập, phát hiện thấy HS yếu ở chỗ nào, GV sẽ bổ sung chỗ đó. Thầy cô cần hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ, chỉ tận nơi cách học, khai thác kiến thức từ bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, số liệu trong Atlat. Sau đó, GV hướng dẫn các em học Atlat (đọc, phân tích, so sánh, giải thích, có thể lấy ví dụ minh họa…) để các em khắc sâu kiến thức, phát triển tư duy logic” - cô Lê Thị Châu Giang