Xác định nội dung ôn tập
Theo cô giáo Duyên, mỗi học sinh cần xác định trọng tâm kiến thức lớp 12 để ôn tập. Phần lý thuyết. Địa lí tự nhiên là: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ; Đặc điểm chung của tự nhiên; Vấn đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên.
Địa lí dân cư là: Đặc điểm dân số và phân bố dân cư; Lao động và việc làm; Đô thị hóa; Địa lí các ngành kinh tế; Địa lí các vùng kinh tế. Nội dung thực hành có Kĩ năng sử dụng Át lát; Làm việc với biểu đồ (nhận xét biểu đồ, nhận xét bảng số liệu, nêu nội dung biểu đồ, chọn dạng biểu đồ. HS cần tập trung vào 5 dạng biểu đồ cơ bản: cột, đường, tròn, miền, kết hợp cột- đường.
Học sinh cần ôn tập lí thuyết và thực hành thông qua hệ thống câu hỏi tự luận và trắc nghiệm bám sát kiến thức cơ bản, đầy đủ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Đa dạng phương pháp học tập, kết hợp cả phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới phương pháp dạy học tích cực, cập nhật số liệu mới, liên hệ thực tế.
Trong quá trình ôn tập lí thuyết cô giáo đặc biệt lưu ý: Học Địa lý không phải là học thuộc, việc ôn tập sẽ thực sự khó khăn nếu học sinh coi Địa lý là môn học thuộc lòng. Với lượng kiến thức lớn nếu chỉ học thuộc lòng không ít học sinh rơi vào tình trạng “học trước quên sau”.
Chính vì thế cần phải có tư duy và suy luận logic, kỹ năng khái quát kiến thức, khai thác mối quan hệ các đối tượng địa lý… sẽ làm môn Địa lý trở nên dễ dàng hơn. Trên cơ sở bám sát nội dung sách giáo khoa. HS cần thực hiện các thác tác sau: Vẽ sơ đồ tư duy đối với từng chuyên đề; Đối với HS có năng lực khá - giỏi thì rèn luyện kĩ năng tự giải thích nguyên nhân cho các vấn đề.
Liên hệ thực tế, xem thời sự, tin tức hàng ngày. Trong quá trình ôn tập thực hành, HS nên nghiên cứu kĩ nội dung từng trang Atlat để có phản xạ nhanh với Atlat, tự liên kết nhiều trang Atlat, thấy rõ sự giống và khác nhau của mỗi trang Atlat, giải thích nguyên nhân. Xem lại cách nhận biết 5 dạng biểu đồ cơ bản, cùng một số công thức tính toán tỉ lệ % trong cơ cấu, tốc độ tăng trưởng, mật độ dân số.
Bí quyết làm bài
Cô giáo Duyên cho rằng: Lượng kiến thức khổng lồ đi kèm với những số con số nhằng nhịt hoặc dãy số liệu dài lê thê khiến không ít teen “hãi” môn Địa lý. Nhất là trong năm 2020, các em không được đến trường trong thời gian dài vì nghỉ dịch Covid-19 thì càng làm học sinh lo lắng.
Bên cạnh đó, lịch học và thi bị lùi lại so với mọi năm, cả GV và HS phải dạy học trong điều kiện nắng nóng gay gắt khiến nỗi vất vả của thầy trò mùa thi này dường như tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, nếu có phương pháp học hiệu quả, có điểm cao môn Địa lý trong kì thi tốt nghiệp THPT 2020 là điều không khó.
Lời khuyên của cô giáo là trong quá trình làm bài HS phải đặc biệt lưu ý. Thực hiện bài thi trắc nghiệm HS cần có: Phương pháp lựa chọn trực tiếp; Phương pháp loại trừ. Để làm bài thi đạt kết quả cao, một điều hiển nhiên là chỉ có con đường là học, không có “mẹo” nào hay “bí kíp” nào không cần học mà được điểm cao cả.
Tuy nhiên, có một số chú ý để hiệu quả làm bài các em được tốt hơn: Mang “đồ nghề” Địa lí: Ngoài dụng cụ học tập như các môn khác thì các em còn chuẩn bị thêm đồ nghề là Atlat Địa lí Việt Nam và máy tính.
Thông thường HS làm theo thứ tự các câu được đánh số. Khi gặp câu khó, một số học sinh bỏ qua nhưng không ít HS vẫn cố gắng làm và bị kẹt mãi ở câu đó. Cách tốt nhất là các em cứ làm theo thứ tự nhưng gặp câu khó thì bỏ lại, đánh dấu bằng bút chì ra ngoài lề của câu đó để tránh trường hợp làm sót câu.
Sau khi giải quyết xong những câu dễ, HS nhìn rất rõ những câu nào mình chưa làm được. Các em lại làm lại vòng 2, làm những câu mình đã đánh dấu bút chì ra ngoài lề. Câu nào làm được rồi thì tẩy đánh dấu đó đi, câu nào vẫn chưa giải quyết được thì lại bỏ qua. Và cứ tiếp tục như vậy, cuối cùng các em chỉ còn câu khó nhất.
Điều quan trọng nữa là trước khi làm bài cần đọc kĩ đề, gạch chân những từ, cụm từ quan trọng trong câu. Đặc biệt chú ý đến câu hỏi tìm đáp án “không đúng”, “không chính xác”. Như vậy giúp các em nhận ra bản chất câu hỏi nhanh hơn và tìm ra được đáp án chính xác hơn.
Việc sử dụng Atlat tối đa: Hiển nhiên đối với những câu “Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang....” thì chắc chắn các em phải dùng tới Átlát. Nhưng kể cả đối với những câu không yêu cầu phải dùng Atlat thì nếu có thể, các em hãy tham khảo thêm Atlat. Vì Atlat là kho tàng kiến thức Địa lí Việt Nam ở rất nhiều lĩnh vực. Và khi sử dụng Atlat thì đừng bỏ qua trang 31-phụ lục và trang 3- kí hiệu chung.