Có kế hoạch hoạt động rõ ràng từ sớm
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh thời điểm này là vô cùng cần thiết. Từ trước đến nay, các nhà trường muốn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình thì không thể thiếu được vai trò phối hợp, đồng hành từ phía các bậc phụ huynh học sinh.
Thầy Hùng khẳng định, Thông tư 55 cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Vai trò của phụ huynh là rất lớn, nhất là trong việc phối hợp giáo dục học sinh. Nếu làm đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ là rất tốt cho nhà trường. Ngoài công tác giáo dục còn nhiều công tác xã hội khác cần sự đồng hành của phụ huynh.
Sĩ số học sinh toàn trường năm học này chỉ là 415 học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đã họp để thống nhất chương trình hoạt động cho cả năm học. Ngoài việc học tập, các hoạt động khác như trải nghiệm, thăm quan, du lịch hay tổ chức các ngày lễ trong năm học đều cần có sự phối hợp, chung tay từ các bậc phụ huynh.
Thầy Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội). |
"Việc huy động xã hội hóa các nguồn lực cho giáo dục được nhà trường thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ trong các cơ sở giáo dục công lập. Đặc biệt, việc huy động bất cứ nguồn tài trợ nào cũng phải xuất phát từ sự tự nguyện và phù hợp với thực tế đời sống nhân dân địa phương, tuyệt đối không thu cào bằng. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường vận động các mạnh thường quân, các doanh nghiệp để huy động nguồn tài trợ cho các hoạt động của trường" - thầy Hùng nói.
Phát huy hiệu quả của ban phụ huynh
Các em học sinh được bố mẹ đưa đến trường nhận lớp, nhận cô khi vào lớp 1. |
Công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm nay, cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, không thể phủ nhận vai trò rất lớn của phụ huynh trong các hoạt động của nhà trường. Dù vậy, vẫn có đơn vị thực hiện chưa đúng Thông tư 55/2011 nên xảy ra tình trạng lạm dụng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh để làm không đúng với tôn chỉ mục đích.
Theo vị nữ hiệu trưởng, trong điều kiện hoàn cảnh ngày nay - tức sau 11 năm áp dụng Thông tư 55, sẽ có một số điều khoản không còn phù hợp với thực tế nên cần phải xem xét, sửa đổi một cách cẩn thận. Điều cốt lõi là tạo ra được mối liên hệ gắn kết, hiệu quả, thực chất giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh.
"Đặc biệt là cấp học mầm non, trẻ còn rất nhỏ nên chưa thể tự chăm sóc của bản thân mình so với các cấp học lớn hơn. Các cô phải thực sự thuần thục trong kỹ năng chuyên môn cũng như trao đổi hai chiều với phụ huynh về để trẻ được phát triển toàn diện" - cô Vân khẳng định.
Là bà mẹ có hai con đang học lớp 3 và mầm non 4 tuổi - chị Ngô Thị Thủy (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) bộc bạch: "Do cả hai vợ chồng chỉ làm nghề tự do, thu nhập không ổn định nên cứ vào mỗi dịp đầu năm học là lại lo về việc thu chi. Thời gian nghỉ dịch vừa qua, cả hai con đều bị ảnh hưởng trong học tập, các cô giáo vẫn luôn hướng dẫn, trao đổi bài vở với con qua Zalo nhóm lớp để con học bài. Phụ huynh có chỗ nào thắc mắc hoàn toàn có thể hỏi cô ngay để được giải đáp kịp thời".
Ở một góc độ khác, anh Trương Văn Hưng trú quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì bày tỏ quan điểm, anh ủng hộ việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, ban này phải hoạt động thực sự có hiệu quả thì cần có sự giám sát chặt chẽ từ các bên, trong đó có chính các bậc phụ huynh học sinh. Theo anh Hưng, điều khiến dư luận bức xúc là ở đâu đó có hiện tượng Ban phụ huynh đứng ra thu tiền của phụ huynh nhưng theo kiểu "ép buộc" trên tinh thần "tự nguyện".