Làm sao giảm bớt scandal trong các cuộc thi sắc đẹp?

Việc BTC cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 thu hồi danh hiệu á khôi của thí sinh Nguyễn Thị Thành mới đây đã gây xôn xao dư luận. 

Hoa hậu Kỳ Duyên không được trao vương miện cho thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vì bị dính scandal.
Hoa hậu Kỳ Duyên không được trao vương miện cho thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vì bị dính scandal.

Đây là người đẹp đầu tiên bị thu hồi danh hiệu trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc. Điều này tạo ra một thông lệ mới - hễ thí sinh phạm quy thì cứ theo quy định mà xử lý đến cùng, và có thể truất vương miện khi cần thiết.

Cuộc thi nào cũng ồn ào tranh cãi, tố cáo

Khi cuộc thi hoa hậu trở thành “đấu trường” nhan sắc và hoa hậu được xem là một “nghề” để tiến thân, các cuộc thi người đẹp ngày càng vướng phải những lùm xùm. Để đảm bảo uy tín và chất lượng, ban tổ chức (BTC) các cuộc thi buộc phải có cách thức riêng để hạn chế tối đa scandal.

Hiện, chuyện phẫu thuật thẩm mỹ cùng công nghệ tinh vi khó phát hiện đang trở thành đề tài làm đau đầu BTC các cuộc thi. Trước thềm cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2016, Hoa khôi Diệu Ngọc vướng nghi án thẩm mỹ, chỉnh sửa nhan sắc khi khuôn mặt của người đẹp có nhiều nét khác lạ so với trước kia.

Người tố cáo Diệu Ngọc không ai khác là Lâm Đức Minh (nghệ danh Thông Bảo), từng trang điểm cho người đẹp trong cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016.

Không chỉ vậy, Đức Minh còn là thầy hướng dẫn catwalk, kỹ thuật biểu diễn cũng như cách ứng biến tình huống trên sân khấu cho Diệu Ngọc, nên nắm khá rõ “chân tơ kẽ tóc” của nội vụ.

Thế nhưng, phía Diệu Ngọc chỉ thừa nhận mình đã chỉnh sửa răng và điều này không vi phạm quy chế cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Sau nhiều lùm xùm, cô vẫn được dự thi ở đấu trường quốc tế.

Kịch tính hơn cả là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 khi một loạt thí sinh bỏ thi vì dính nghi án can thiệp thẩm mỹ và có cả lời tố BTC không công bằng với thí sinh.

Ngay cả đương kim Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng từng điêu đứng vì lời tố đã chỉnh sửa nha khoa. Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 - đã phải mở cuộc họp báo khẩn để phản bác những cáo buộc trên.

Cũng theo ông Sơn, phương pháp làm đẹp hiện đại ngày càng có nhiều thay đổi, trình tự kiểm tra nhân trắc học truyền thống không còn phù hợp, nên cần rút kinh nghiệm và đổi mới. Hơn thế, ngày càng nhiều thí sinh bị phát hiện không phù hợp hoặc vi phạm quy chế, quy định hơn.

“Rõ ràng là BTC đã không lường hết được sự phức tạp của tình hình cũng như sự phát triển của công nghệ làm đẹp nhân tạo và nhiều vấn đề phức tạp khác nữa.

Vậy nên tôi đã hiểu là phải xây dựng không chỉ một bảng tiêu chí mới cập nhật được tình hình mà cả một quy trình kiểm soát và chấm thi mới.

Trước những lời tố cáo, chúng tôi chỉ có thể bảo vệ khi các em không có gì sai hoặc có “lệch chuẩn” nào đó nhưng không lớn, có thể châm chước được.

Nếu dễ dãi quá thì lại không công bằng cho các bạn khác không can thiệp thẩm mỹ. Điều tôi thấy cay đắng, khi mà nỗ lực của BTC tiến hành một cuộc thi nghiêm túc, công bằng lại biến thành các scandal trong một số bối cảnh cụ thể, thực sự làm lu mờ những nỗ lực và nguồn lực rất lớn của BTC và các đơn vị đồng hành” - Ông Sơn nhấn mạnh.

Truất vương miện, nói không với scandal

Để hạn chế scandal, nhiều cuộc thi bắt đầu thay đổi về quy chế. BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã ra nhiều thay đổi để hoa hậu phải có trách nhiệm rõ ràng trong việc giữ gìn đạo đức và hình ảnh sau cuộc thi nhằm bảo vệ uy tín cuộc thi.

BTC Hoa khôi Du lịch Việt Nam có hẳn một hợp đồng với điều khoản tước vương miện nếu thí sinh đăng quang có đạo đức xấu và hình ảnh tiêu cực.

Hợp đồng này còn buộc các thí sinh đăng quang bắt buộc học thêm tiếng Anh, kiến thức văn hóa - xã hội và không lập gia đình trong nhiệm kỳ của mình để làm nhiệm vụ đại sứ du lịch.

BTC cuộc thi này còn mua bản quyền những cuộc thi sắc đẹp quốc tế để đưa thí sinh đăng quang của mình đi thi nhằm khẳng định thương hiệu, vị thế.

Ngoài ra, các thí sinh vào vòng ứng xử xếp hạng của cuộc thi buộc phải nói được ngoại ngữ. Đại diện tổ chức Miss Globe International tại Việt Nam cho biết, đang xúc tiến tổ chức các cuộc thi sắc đẹp nam ở Việt Nam để tạo điều kiện cho thí sinh nam của Việt Nam khỏi thi “chui” trong các cuộc thi sắc đẹp dành cho nam của thế giới…

Song nói gì thì nói, đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Nếu hoa hậu hay á hậu vi phạm tiêu chí cuộc thi, mạnh dạn truất vương miện mới chính là biện pháp mạnh để những người khác nhìn vào đó mà tránh cho mình khỏi những scandal tiếp theo.

Và như đã nói, việc á khôi đầu tiên bị thu hồi danh hiệu (nhưng không bị tước vương miện) cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, đã đến lúc phải nói không với scandal và can thiệp thẩm mỹ một cách dứt khoát.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ