Hai con người có hoàn cảnh và tính cách khác nhau về chung một nhà, lúc này thói quen xấu và phong cách riêng từng người được bộc lộ. Trước đó, cả hai cùng kỳ vọng, rồi cùng thất vọng do sự va chạm cùng với những thử thách của cuộc sống hàng ngày. Vì thế, xung đột là điều không thể tránh khỏi.
Cuộc hôn nhân nào cũng có những xung đột, vấn đề là cách bạn đối phó với chúng. Xung đột có thể dẫn đến quá trình cô lập sau này. Bạn và vị hôn phu phải lựa chọn cách xử trí ra sao khi xung đột xảy ra. Hãy tham khảo những gợi ý sau để có thể giúp bạn những rắc rối không đáng có.
Giải quyết xung đột đòi hỏi phải chấp nhận và điều chỉnh
Một lý do gây nên xung đột trong hôn nhân là sự đối lập nhau. Thông thường, hai người định hướng sẽ kết hôn với nhau thiên về tình cảm. Thích nhau, yêu nhau và về chung một nhà. Nhưng cuộc sống thực tế diễn ra với những phức tạp khó lường nên có những điều, cả hai không thể “ngờ”. Người ta khám pha ra nhau với những thứ được cho là “khủng khiếp”.
Sau khi kết hôn một thời gian (đôi khi là một thời gian ngắn), sự hấp dẫn trở nên suy giảm. Bạn có thể tranh cãi về những khó chịu nho nhỏ, chẳng hạn như để giầy đúng cách hoặc về những khác biệt trong nhân sinh quan khi xử lý tài chính hoặc nuôi dạy con cái. Hai người có thể nhận ra rằng xuất thân và tính cách của mình khác xa đến mức bạn tự hỏi làm thế nào và tại sao mình lại chọn người này làm chồng/vợ.
Thật kỳ lạ, nhưng đó là một phần lý do tại sao bạn kết hôn. Vợ/chồng của bạn chín là thêm gia vị và sự khác biệt vào cuộc sống mà trước đây mình không có. Thế nên, nếu chẳng may có xung đột, cũng đừng vội nản lòng. Điều quan trọng là phải hiểu những khác biệt này, sau đó chấp nhận và điều chỉnh chúng. Giống như A-đam chấp nhận món quà của Chúa về Ê-va, bạn phải biết chấp nhận món quà của Ngài ban tặng. Bạn đã được ban cho một người hôn phối hoàn thiện theo cách mà bạn lựa chọn trong số nhiều ứng cử trước đó. Chẳng phải khi nhận lời kết hôn, bạn đã lựa chọn người tốt nhất trong số ấy hay sao?.
Có lẽ sự điều chỉnh lớn nhất phải đối mặt trong hôn nhân là do xuất thân khác nhau. Một người lớn lên ở khu phố trung tâm, một người lại sinh ra ở một thị trấn nhỏ tỉnh miền tây... hay thậm chí một người sinh ra trong một gia đình vừa hạnh phúc vừa khá khả, còn một người lại được nuôi dưỡng trong gia đình có bố mẹ suốt ngày cãi nhau… Anh bước vào cuộc hôn nhân với một cô gái trẻ tinh tế. Cô gái lấy một anh chàng từng phải lăn lộn bắc nam… có cuộc sống khá lượm thuộm và galăng…
Như vậy, hai người có những truyền thống, thói quen và giá trị hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt trở nên rõ ràng theo thời gian, thậm chí ngay từ lúc dọn về chung một nhà. Ví dụ khi chọn đồ nội thất, cô gái chọn đồ màu hồng, xinh xắn nhỏ mảnh, còn anh lại chọn những thứ làm bằng gỗ gụ rắn chắc, bền lâu. Rồi anh đặt câu hỏi “anh không hiểu tại sao em lại muốn đi mua loại đồ này khi, dùng sẽ chẳng được mấy bữa rồi sẽ phải vứt đi. Trong khi anh chọn đồ tốt, giá cả lại thấp, chúng ta có thể dùng trong nhiều năm và nó sẽ không bao giờ có dấu hiệu hao mòn”. Cô gái cự nự “đồ dùng như vậy em chẳng muốn bước vào nhà, toàn màu nâu già cỗi…”
Và thế là hai người, vừa mới kết hôn, với một buổi mua sắm đồ nội thất, đã xảy ra xung đột. Kết quả sau một hồi phân giải, anh chiều chị mua theo sở thích của cô vợ mới cưới nhưng thỏa hiệp “anh đồng ý mua theo ý của em nhưng hãy để anh chọn mua loại máy giặt và sơn màu cửa”. Cuối cùng thì họ cũng đi đến sự đồng lòng, dẫu trong sự đồng lòng ấy đều vương vấn chút nuối tiếc. Nhưng không sao, ít ra là họ đã biết chấp nhận, biết điều chỉnh và biết nhường nhịn nhau.
Giải quyết xung đột đòi hỏi dẹp bỏ tính ích kỷ
Trong hầu hết sự thất bại của các cặp đôi là bắt nguồn từ sự phóng đại khác biệt. Ai cũng có những khác biệt nhưng khác biệt ấy trở nên “kinh khủng và khó chấp nhận” nếu cứ phóng đại lên. Đó là bắt nguồn từ bản chất ích kỷ trong mỗi chúng ta.
Duy trì sự hòa hợp trong hôn nhân là điều vừa dễ vừa khó. Hai người bắt đầu cuộc sống hôn nhân, cùng nhau và cố gắng đi theo con đường ích kỷ, riêng biệt thì sẽ không bao giờ có thể hy vọng đạt được hòa hợp trong hôn nhân. Dường như hôn nhân chính là nơi để mỗi người thể hiện rõ nhất “cái tôi” của mình. Cuộc sống lặp đi lặp lại những chuối hoạt động hàng ngày và nếu chúng ta không thay đổi, thì xung đột ngày càng tích tụ cho đến một ngày nào đó, xung đột lên tới đỉnh điểm, hôn nhân làm sao tồn tại? “Cái tôi” cần phải được xem xét lại nếu muốn tiếp tục hôn nhân. Người ta cần phải học cách điều chỉnh “cái tôi” cao ngất, hạ thấp xuống mức mà đối phương có thể chịu được. Thay vì chỉ muốn đứng đầu, chuyển sang thỏa hiệp đứng cuối. Thay vì muốn được phục vụ, giờ là lúc phải phục vụ nhau. Không những biết chấp nhận mà còn biết yêu vợ/chồng của mình nhiều như yêu chính bản thân mình. Tóm lại, muốn đánh bại xung đột phải từ bỏ và nhượng bộ “cái tôi”.
Giải quyết xung đột đòi hỏi sự tha thứ
Dù hai người có yêu thương nhau bao nhiêu và cố gắng làm hài lòng nhau đến đâu thì cũng sẽ có lúc gặp sự cố. Tổn thương cho nhau là điều không ai muốn nhưng đôi khi vẫn xảy ra. Và sự cứu rỗi cuối cùng duy nhất cho sự tổn thương để xoa dịu mọi xung đột: Chính là sự tha thứ!
Chìa khóa để duy trì một cuộc hôn nhân cởi mở, thân mật và hạnh phúc là yêu cầu sự vị tha. Vị tha có nghĩa là từ bỏ sự oán hận. Vị tha là điều mà người ta cần phải học nhất trong hôn nhân. Học cả đời cả kiếp. Vì đó là cách thức duy nhất để hôn nhân hạnh phúc trong an yên. Tha thứ cho những điều không tốt đẹp ở vợ/chồng. Tha thứ cho những tổn thương họ mang lại. Tha thứ cho cả những điều tưởng chừng như không thể, giống như ban đầu đã nghĩ “hai cá thể khác nhau lại có thể về chung một nhà”. Bao dung càng lắm, yêu thương càng nhiều, thứ tha càng dễ, hạnh phúc càng đầy. Biển vĩ đại nhờ dung nạp trăm sông. Người vĩ nhân nhờ vui buồn thiên hạ. Bến bờ hạnh phúc nhờ vị tha.