1. Bình tĩnh
Khi xung đột lên đến đỉnh điểm, đôi bên đều tức giận, đây là lúc mà mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa và đều có thể gây tổn thương cho đối phương. Vì vậy hãy cố gắng bình tĩnh hóa sự tức giận của bản thân để tránh làm tổn thương tình cảm vợ chồng.
Nếu có thể, hãy chủ động nhận phần sai về phía mình, cho dù trong câu chuyện này bạn có đúng hay sai, cũng hãy nhượng bước và thỏa hiệp. Đừng để cuộc cãi vã kéo dài sẽ càng làm tổn hại tình cảm vợ chồng. Vì đối phương là người bạn đời của bạn, thua thiệt đôi chút cũng chẳng hề hấn gì phải không?
2. Đừng bỏ đi cho dù rất giận dữ
Hãy tưởng tượng khi bạn đang trình bày quan điểm của mình mà người ấy bỏ đi không thèm lắng nghe bạn, bạn sẽ cảm thấy tổn thương như thế nào? Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với bạn khi bạn bỏ dở câu chuyện lúc đang cãi vã, điều đó sẽ làm tổn thương người bạn đời của bạn biết nhường nào.
Bạn có thể đi loanh quanh để giải tỏa căng thẳng, hoặc uống một cốc nước cho bình tâm; cố gắng hết sức để giữ sự bình tĩnh cho mình. Đây là quy tắc vàng để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân.
3. Lựa thời điểm thích hợp để nói chuyện
Lựa chọn thời điểm để hóa giải mâu thuẫn là một điều rất quan trọng. Hãy quyết định trò chuyện khi cả bạn và đối phương đều đã bình tĩnh, bớt tức giận. Bởi vì khi đó đôi bên mới có thể suy nghĩ thấu đáo những lời người kia nói và thấu cảm, đồng cảm với nhau.
Nếu như bạn đời của bạn vẫn đang bực bội, khó chịu trong người, đừng vội phân trần hay giải thích với người ấy bất kỳ điều gì vì điều đó chỉ gây phản tác dụng.
Thay vào đó, hãy làm những hành động thể hiện sự quan tâm dành cho đối phương, để người ấy cảm nhận được tình cảm chân thành từ bạn.
Ví dụ như làm bữa ăn tối, hay pha cho người ấy một cốc nước trái cây mà người ấy thích, hoặc nếu có thể, đàn hát một bài hát như một lời nhắn nhủ sẽ giúp đối phương nhanh chóng bình tĩnh trở lại.
4. Luôn nhận lỗi về phía mình
Lúc cãi vã, bạn sẽ chẳng muốn mình là người yếu thế đâu. Nhưng khi cuộc tranh cãi qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ai đúng ai sai chẳng phải điều quan trọng, quan trọng là cả hai người hiểu nhau hơn và yêu thương nhau nhiều hơn. Khi cả hai bình tĩnh và cùng nhau giải quyết vấn đề, ý kiến của ai là đúng đều sẽ rõ ràng cả thôi. Do đó, đừng ngại nhận phần thua về mình.
5. Lắng nghe tâm sự của nhau
Con người chỉ mất 3 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách lắng nghe. Tuy nhiên với người mà mình yêu thương và là người cùng ta đồng hành trên chặng đường đời, việc lắng nghe tâm sự của người ấy sẽ chẳng khó khăn gì đâu nhỉ.
Khi mâu thuẫn, ta thường tập trung trình bày quan điểm, suy nghĩ của bản thân mà quên mất rằng người ấy cũng có những quan điểm, chính kiến của riêng mình. Do đó, việc lắng nghe lẫn nhau sẽ giúp đôi bên hiểu rõ suy nghĩ của nhau, biết cách đứng ở lập trường của nhau mà phán đoán và đưa ra giải pháp hợp lý.
Ngoài ra, việc lắng nghe còn đem lại cho bạn đời sự tôn trọng, tin tưởng, điều mà trong đời sống vợ chồng cần phải có. Do đó hãy lắng nghe nhau nhiều hơn.
6. Dù giận đến đâu vẫn luôn giữ cách xưng hô đúng mực
Thật vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự tôn trọng luôn là cần thiết. Đừng bao giờ vì nổi nóng mà xưng hô thiếu tôn trọng đối phương, hoặc hạ thấp đối phương, đó sẽ là một đòn chí mạng cho tình cảm vợ chồng.
Cho dù hai người cãi nhau vì vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết, nhưng gây tổn thương cho nhau một lần, sẽ là vết thương nhức nhối cho những lần cãi vã sau, dần dần khiến vết thương ấy lớn ra và tình cảm gia đình rạn nứt.
Việc xưng hô đúng mực không phải chỉ nên làm trong khi hai bên xảy ra mâu thuẫn, mà cũng hãy luôn duy trì trong quan hệ bình thường. Để điều đấy trở thành một thói quen, và dù cho người kia có phạm sai lầm cũng sẽ được sửa chữa ngay lập tức.
7. Luôn thành thật
Hãy luôn nhớ, thành thật sẽ nhận được khoan hồng. Trong cuộc sống vợ chồng, sự thành thật càng là điều cần thiết. Đừng giấu diếm đối phương bất cứ điều gì, và hãy mở lòng, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Chỉ có như vậy hai bạn mới có thể thấu hiểu và cùng nhau đưa ra được giải pháp hợp lý cho vấn đề.