Một số ý kiến ủng hộ bà Lê Hoàng Diệp Thảo, số khác lại phản ứng cho rằng đó là bài viết lá cải, thậm chí, là “lá ngón” (như lời của bà Vũ Kim Hạnh - nguyên Chủ nhiệm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, người luôn đồng hành cùng thương hiệu cà phê Trung Nguyên).
Và đặc biệt, trên trang cá nhân của mình, nhà báo Lưu Trọng Văn, người cùng tham gia 49 ngày thiền định với Đặng Lê Nguyên Vũ, đã “giật thột” vì cái tít của một tờ báo: “49 ngày nhịn ăn đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi”.
Theo nhà báo Lưu Trọng Văn, sau 49 ngày thiền định, ông Vũ hoàn toàn bình thường. Trí tuệ sáng suốt, anh minh, sức khỏe cũng tốt. Bản thân ông trải qua giai đoạn đó cũng tiếp thu được nhiều điều hay, không những chữa được một số bệnh mà còn có một khoảng lùi để sống hòa vào thiên nhiên, thấu rõ hơn mọi chuyện.
"Thiền quan trọng là điều đó, chứ không phải đơn thuần hít thở. Mỗi người nên có một độ lùi để suy nghĩ, sáng tạo, nhìn sâu hơn vào mọi việc. Và chúng tôi đã đạt được điều đó", nhà báo Lưu Trọng Văn cho biết.
Ở quan điểm của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan khẳng định, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là một doanh nhân thành công, cống hiến rất nhiều cho xã hội và luôn là nhân vật đầy cảm hứng về khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam.
Theo bà Phạm Chi Lan, trên thị trường cạnh tranh gay gắt cả bên trong và bên ngoài ngày nay, doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều khó khăn, vất vả để làm ăn, đặc biệt để tạo dựng thương hiệu.
Một thương hiệu quốc gia như Trung Nguyên cần phải bảo vệ, gìn giữ. (Ảnh: KT). |
Theo quy luật, Việt Nam muốn phát triển phải có những người làm ăn giỏi. Phải có thương hiệu tên tuổi phát triển lên, nhất là trong sản xuất, chế biến các sản phẩm của mình. Nền tảng sản xuất bao giờ cũng là số 1 đối với nền kinh tế của một quốc gia, nhất là một đất nước đông dân và có nhiều tài nguyên như Việt Nam.
Trung Nguyên là một điển hình rất đẹp, khi chỉ trong vòng 10 năm sau đổi mới đã làm nên một thương hiệu lẫy lừng trong ngành chế biến nông sản, đưa hạt cà phê từ vùng Tây Nguyên qua chế biến và dịch vụ thành sản phẩm có giá trị gia tăng gấp nhiều lần và chinh phục thị trường trong nước rồi tiến ra thị trường thế giới.
"Dù sau này cạnh tranh ngày càng quyết liệt với sự có mặt của các công ty đa quốc gia, Trung Nguyên vẫn không ngừng lớn mạnh và giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê trong nước, đồng thời liên tục mở rộng xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài", bà Chi Lan nhấn mạnh.
Đặng Lê Nguyên Vũ, với khát vọng, ý chí và tài năng của mình đã tạo dựng nên một Trung Nguyên như vậy. Tất nhiên có sự cộng tác của cả một đội ngũ những cộng sự cũng đầy nhiệt huyết và tài năng được ông tập hợp và truyền lửa, cùng sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng Việt.
Đặng Lê Nguyên Vũ là một thương hiệu đặc biệt. Ông từng được tạp chí National Geographic Traveller gọi là "vua cà phê", tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu "Zero to hero". 20 năm qua, đây là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt.
Theo chia sẻ trên trang cá nhân của bà Vũ Kim Hạnh, mấy năm rồi, câu chuyện ly hôn nhì nhằng này, từ nhân viên, công nhân đến cán bộ quản lý các cấp đều bị ảnh hưởng, nhưng họ vẫn chọn ở lại xây dựng Trung Nguyên và rõ ràng người tiêu dùng vẫn đang chọn Trung Nguyên, thì cố đánh cho tan Trung Nguyên liệu có dễ không, có giành được không?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng được tạp chí National Geographic Traveller gọi là "vua cà phê", tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu "Zero to hero". (Ảnh: KT). |
Sự thật là dư luận hiện nay dễ nhầm lẫn khi bị định hướng thông tin, nhất là khi chuyện hai người chỉ có một bên chia sẻ. Tuy nhiên, có lẽ việc đúng sai trong cuộc sống cá nhân hai vợ chồng vua cà phê không phải điều quan trọng nhất, bởi lẽ làm gì có cuộc sống gia đình ai mà yên bình, phẳng lặng.
Riêng đối với thương hiệu cà phê Trung Nguyên - một thương hiệu quốc gia đang phát triển và xâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính, cái dư luận cần quan tâm là bảo vệ, gìn giữ các thương hiệu của Việt Nam như thế nào, chứ không phải việc chia tài sản và khoét sâu vào mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ví dụ gần nhất như Phở 24, đó không còn là phở nữa mà là câu chuyện văn hóa ẩm thực Việt Nam được phát triển lên một tầm mới, có danh tiếng được nhiều người nước ngoài đánh giá cao. Nhưng rất tiếc khi rơi vào tay của người chủ thứ 2, thương hiệu này lại nhanh chóng đi xuống và biến mất.
Vì thế đúng như nhà báo Lưu Trọng Văn nói, "Ở đây đừng đặt vấn đề bênh vực một ai. Hãy đặt lợi ích của một thương hiệu lên trên, thì sẽ hiểu dù là Thảo hay Vũ cũng thế. Nếu làm tốt thương hiệu Trung Nguyên và duy trì nó, phát triển mạnh hơn lên thì là điều tốt hơn cả vào thời điểm này".