Làm sao để trẻ bắt nhịp nhanh với SGK lớp 1?

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh có con học lớp 1 tỏ ra lo lắng, thậm chí căng thẳng khi trẻ thiếu tập trung trong học tập, chưa quen nền nếp... Theo các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành của giáo viên (GV), nhà quản lý giáo dục sẽ giúp phụ huynh hiểu, kết hợp với nhà trường  tốt hơn trong việc giáo dục trẻ. 

Học sinh lớp 1H, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, TPHCM trong tiết học môn Tự nhiên và Xã hội. Ảnh: Phan Nga
Học sinh lớp 1H, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, TPHCM trong tiết học môn Tự nhiên và Xã hội. Ảnh: Phan Nga

Giúp trẻ kỹ năng hòa nhập môi trường mới

Chị Nguyễn Thu Quỳnh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng - Hà Nội) chia sẻ: Con vào học gần 1 tháng nhưng vẫn lơ là, thiếu tập trung học tập. Con hay gọt bút, quay ngang nói chuyện hoặc xin đi vệ sinh… trong lúc học tập. “Thiếu tập trung khiến con chậm hơn các bạn từ việc đánh vần, viết chữ, tập tính toán. Mặt khác, con chưa có ý thức xếp đặt góc học tập gọn gàng, sách vở thường lộn xộn… Gia đình dù đã nhắc nhở, kèm cặp nhưng sự tiến bộ cả về hành động và ý thức nền nếp đều chậm”, chị Quỳnh nói.

Cô Lê Thị Kim Ngọc – GV Trường Tiểu học Hòa An (quận Cầu Giấy - Hà Nội) bày tỏ: Trẻ lớp 1 chưa tập trung với việc học trong lớp ngay cả khi đã bước vào tuần thứ tư là vấn đề không mới. Khi học mẫu giáo, các em chủ yếu vui chơi, việc thiếu tập trung gần như không ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt tại trường. Tuy nhiên, bước vào lớp 1 tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Tuy vậy, theo cô Lê Thị Kim Ngọc, phụ huynh không nên nản lòng với hiện tượng con lơ là thiếu tập trung và cần hiểu rằng, trẻ 6 tuổi có sự tập trung trong khoảng thời rất hạn chế (khoảng 10 - 30 phút). Vì vậy, dù sự tiến bộ rất nhỏ cha mẹ không nên tiếc lời khen ngợi để trẻ thấy mình được động viên, quan tâm và sẽ cố gắng tập trung hơn.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng tập trung học tập, cha mẹ cần chú ý khắc phục điều kiện, môi trường xung quanh chỗ học tập của trẻ. Chọn những nơi yên tĩnh, sạch sẽ thoáng mát, không để các yếu tố bên ngoài tác động. Phụ huynh cũng nên tập cho con thói quen dọn góc học tập, để sách vở đồ dùng ngăn nắp. Như vậy, khi cần tới, trẻ sẽ nhanh chóng tìm được đồ dùng học tập, không rơi vãi lộn xộn khiến trẻ phân tâm.

Đội ngũ GV tạo nên thành công trong việc triển khai CT và SGK mới. Ảnh Đức Trí
Đội ngũ GV tạo nên thành công trong việc triển khai CT và SGK mới. Ảnh Đức Trí

Cô Lê Thị Kim Ngọc lưu ý, cha mẹ cần hướng cho con học đều các môn. Với môn Tiếng Việt, thời gian đầu, nhiều HS gặp khó khăn, cha mẹ cần phối hợp GV chủ nhiệm để được giúp đỡ, thậm chí GV có thể hướng dẫn cha mẹ dạy con  đọc, viết… đúng cách, hiệu quả ngay tại nhà.

Ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Lâm Đồng cũng chỉ ra, Chương trình GDPT 2018, lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết đòi hỏi việc học tập của trẻ tại nhà cũng cần khoa học. “HS lớp 1 học cả ngày, kiến thức cơ bản được hoàn thành tại lớp, như vậy không phải lo lắng chuyện học thêm mới đủ kiến thức. Ngoài thời gian học tại trường, cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý để phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe cũng như những kỹ năng sống để phục vụ cho bản thân…” - ông Hải khẳng định.

Kết hợp gia đình và nhà trường

Cô Trần Thị Minh Chung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai (Lào Cai) bày tỏ: Việc giáo dục của GV trên lớp sẽ khó khăn và không thể đạt hiệu quả nếu thiếu sự đồng hành từ phía gia đình.

Theo đó, trường yêu cầu bố mẹ cùng rèn luyện nền nếp, ý thức tự giác, thói quen tự phục vụ của các con qua từng việc làm, hành động. Bố mẹ không quá chiều chuộng, khiến con ỷ lại (qua hành động như cõng con tới trường, sách cặp cho con vào lớp…). Tất cả phải để HS tự làm để quen và sớm có ý thức hòa nhập.

Mặt khác, bố mẹ phải hướng dẫn con chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến trường. Đặc biệt lưu ý không hỏi con hôm nay được mấy điểm mà chỉ hỏi con có vui không? học được gì? bạn bè, trường lớp...

HS lớp 1 sẽ nhanh chóng bắt nhịp với học tập khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Ảnh: Đức Trí
HS lớp 1 sẽ nhanh chóng bắt nhịp với học tập khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Ảnh: Đức Trí

Trường Tiểu học Bắc Cường đã triển khai một số tiết dạy có mời phụ huynh HS đến dự nhằm biết con học như thế nào? cần gì ở Chương trình và SGK mới. Tháng 10 sẽ tiếp tục tổ chức các tiết dạy “Cha mẹ học cùng con”. Qua đó giúp cha mẹ nắm bắt những kiến thức kỹ năng cơ bản để có thể hỗ trợ việc học cho trẻ tại nhà.

Cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng (Hoa Lư – Ninh Bình) cũng cho biết: Mặc dù nhà trường đã làm tốt công tác bồi dưỡng GV, Ban giám hiệu trực tiếp hỗ trợ GV trong cả chuyên môn lẫn hướng dẫn HS ổn định nền nếp đầu năm học… Song muốn HS đến trường học hiệu quả không thể thiếu sự phối hợp của bố mẹ  trong các hoạt động.

Đơn cử, cha mẹ phải hướng dẫn HS chuẩn bị bài ở nhà thật tốt, đầy đủ đồ dùng học tập. Như vậy khi đến lớp, GV có thể bắt tay ngay vào dạy học mà không mất nhiều thời gian để ổn định và hỗ trợ thiết bị học tập cho HS.

Với một số nội dung, kiến thức học trên lớp, khi về nhà cha mẹ cần hướng dẫn con thực hành lại. Dạy con học nhưng cũng là cơ hội để cha mẹ tiếp cận yêu cầu kiến thức của con, cùng kết hợp và hỗ trợ GV giúp con học tốt…

HS lớp 1 không chỉ học kiến thức trên lớp, các em còn học được nhiều kỹ năng, kiến thức ngay từ những trải nghiệm cuộc sống hàng ngày. Như vậy, khi có được sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ với nhà trường, chắc chắn việc học của HS sẽ hiệu quả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ