Con gái tôi chuẩn bị lên lớp 2. Cháu bắt đầu đi học từ năm 2 tuổi ở trường quốc tế đến nay. Cháu học khá tốt, đều các môn và môn học yêu thích là thủ công (vẽ, xếp giấy, tô màu...), tiếp đó là Anh văn, khoa học (cháu học tất cả các môn bằng tiếng Anh).
Tuy nhiên, điều khiến gia đình và thầy cô lo lắng là sự chậm chạp, không tập trung của cháu. Tôi xin liệt kê những ví dụ điển hình để chuyên gia cho tôi lời khuyên:
- Cháu rất tỉ mỉ khi tô vẽ và thường là người xong sau cùng.
- Đang ở vị trí A, cần đến vị trí B, cháu sẽ không đi một mạch mà sẽ vừa đi vừa dừng lại xem trên đoạn đường có gì không. Cháu rất không tập trung vào việc mình cần làm.
- Trường học tập huấn phòng cháy và sơ tán khi nghe còi hụ, cháu là học sinh cuối cùng rời khỏi địa điểm vì vừa đi vừa ngắm cảnh. Cô giáo hỏi cháu có hiểu là cần phải chạy thật nhanh khi có báo động không, cháu trả lời có hiểu nhưng đang suy nghĩ đến việc khác nên chạy chậm.
Gia đình hiểu chậm mà chắc quan trọng hơn nhanh ẩu. Nhưng có một số trường hợp, sự nhanh nhẹn rất cần thiết. Cô giáo cảnh báo rằng, nếu không cải thiện được vấn đề tốc độ thì áp lực sẽ rất lớn khi cháu lên lớp trên vì khi đó bài vở nhiều hơn và cháu không thể làm kịp. Rất mong được chuyên gia tư vấn giúp. (Quyên)
Trả lời:
Chào chị Quyên,
Tôi đã đọc câu hỏi và tôi hiểu điều chị đang lo lắng về con gái mình. Trẻ có những hành vi chậm chạp và không tập trung trong mọi hoạt động thường làm bố mẹ lo lắng, bởi trong nhiều trường hợp, sự chậm chạp có thể gây nguy hiểm cho con người.
Với trường hợp con gái chị, sự chậm chạp được biểu hiện ở mọi hoạt động, ngay cả hoạt động mà cháu thích nhất. Việc chậm chạp của cháu được lý giải là do trong quá trình thực hiện công việc cháu bị thu hút sang những việc khác.
Cháu hiểu được việc mình cần thực hiện như thế nào nhưng vẫn đủng đỉnh vì đối với cháu, kết quả vẫn đạt được trong mức cho phép của bản thân. Khi có người giám sát công việc, cháu vẫn hoàn thành nhanh và phù hợp với các bạn khác. Mặt khác, trong khi học tập cháu vẫn đạt được kết quả cao nên gia đình không nên quá lo lắng về vấn đề của con.
Trong trường hợp của cháu, gia đình nên tập trung hướng sự tập trung cho con vào một công việc khi cháu thực hiện như đề ra thời gian, bố mẹ tăng cường hoạt động có sự thi đua về tốc độ với con… Những hoạt động này sẽ thu hút để cháu tập trung vào công việc tốt hơn.
Các công việc nên để cháu thực hiện từ tốn, không thúc giục, đặc biệt không nên cáu gắt hay tỏ ra khó chịu với con vì điều này sẽ làm cháu hay bị rối, vội vàng, hấp tấp trong các công việc được giao.
Việc giáo viên cảnh báo nếu con không cải thiện được vấn đề thì áp lực sẽ rất lớn khi cháu lớn vì lượng bài vở nhiều, cháu không làm kịp là điều dễ hiểu vì các cô thấy con mình luôn ở trong mức thấp nhất để hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, chị hãy bình tĩnh vì khi con lớn lên, với lượng bài tập nhiều hơn con cũng sẽ có trách nhiệm hoàn thành được bài tập được giao. Vì trong đầu con vẫn nhớ các nhiệm vụ mình cần phải hoàn thành chứ không quên bẵng đi. Ở đây con chỉ chậm hơn các bạn là vì con bận tập trung vào những thứ khác chứ không phải con quên nhiệm vụ của mình.
Chị thấy đấy, có rất nhiều trường hợp vĩ nhân lúc nhỏ cũng lơ đãng, hay quên, thiếu tập trung, nghịch ngợm và chậm chạp, nhưng lớn lên vẫn là thiên tài.
Do đó, chị không nên quá lo lắng và phiền lòng với sự chậm chạp của con mà nên khơi dậy những điểm mạnh ở con để con hình thành dần thói quen nhanh nhẹn trong công việc. Chúc chị và cháu luôn đạt được mọi điều tốt lành.