Làm sao để sinh viên có kinh nghiệm làm việc ngay sau tốt nghiệp?

GD&TĐ - Sinh viên có đủ trình độ, kỹ năng nghề và kinh nghiệm để thích ứng ngay với thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, đang là mục tiêu hướng tới của các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với doanh nghiệp giúp sinh viên thích ứng ngay với môi trường làm việc
Mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với doanh nghiệp giúp sinh viên thích ứng ngay với môi trường làm việc

Có kinh nghiệm làm việc ngay sau tốt nghiệp

Là một sinh viên vừa tốt nghiệp khóa đào tạo chất lượng cao, hệ cao đẳng chuyên ngành Điện Công nghiệp, trường CĐ Cơ Điện Hà Nội, Nguyễn Ngọc Huy ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Khó khăn lớn nhất của sinh viên mới ra trường khi tìm kiếm việc làm là rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc.

Để giải quyết vấn đề này, nhà trường đã đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Khác với ở trường, sinh viên được mô tả yêu cầu và hướng dẫn tại vị trí công việc, công việc rất đa dạng, có thể là vị trí kỹ thuật, công nhân vận hành, lắp đặt thiết bị, chế tạo sản phẩm,… Vì vậy, sinh viên nên đi làm thêm từ lúc còn đang học nghề để có kinh nghiệm làm việc ngay trong quá trình đào tạo.

“Từ năm thứ 2, em đã được đi thực tập tại doanh nghiệp đúng với chuyên ngành đào tạo. Doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng nhận em vào làm việc ngay sau tốt nghiệp, nhưng vì quá xa nhà nên em không nhận lời, mà muốn tìm kiếm việc làm ở gần nhà. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, em tin là sẽ nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp” - Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ.

Trong góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Huyền – Giám đốc nhân sự Công ty CP Công nghệ Thiết bị Tân Phát cho biết: Đối tượng tuyển dụng quan trọng của công ty hiện nay là nhân viên kỹ thuật có trình độ tay nghề trong các ngành Điện, Điện tử, Cơ khí, Ô tô, Công nghệ thông tin,... Công ty không đặt nặng yêu cầu về bằng cấp, mà chú trọng đến kỹ năng và tư duy sáng tạo của ứng viên. Do đó, những lao động trẻ có tay nghề và khả năng thích ứng cao sẽ có nhiều cơ hội hơn trong quá trình ứng tuyển.

Đào tạo thực hành giúp học viên thành thạo kỹ năng nghề
 Đào tạo thực hành giúp học viên thành thạo kỹ năng nghề

Phát huy hiệu quả các chương trình đào tạo chuyển giao

Những yêu cầu của thị trường lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra vấn đề cấp bách cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Nâng cao chất lượng GDNN, trong đó giải pháp đột phá về đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ quyết định nhận chuyển giao các bộ chương trình đào tạo nghề.

Các bộ chương trình này không chỉ đơn thuần về đào tạo, mà còn bao gồm các tiêu chuẩn về năng lực thực hiện, định mức kỹ thuật, cơ sở vật chất,… để từ đó đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao tương đương với trình độ lao động kỹ thuật cao của các nước phát triển.

Trên cơ sở thành công bước đầu từ thực hiện chuyển giao và đào tạo thí điểm 12 bộ chương trình đào tạo của Australia trong các nghề trọng điểm của nền kinh tế. Từ tháng 11/2019, ngành tiếp tục khai giảng các lớp đào tạo thí điểm 22 bộ chương trình đào tạo chuyển giao từ CHLB Đức.

Chuẩn bị cho chương trình, ngành đã đầu tư cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn cho các trường được lựa chọn, cử 264 giáo viên có trách nhiệm nghề nghiệp và trình độ tốt sang Đức học tập các chương trình đào tạo chuyển giao,… Chương trình này được kỳ vọng, sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tốt hơn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

“Tổng cục GDNN đã giao nhiệm vụ cho các trường giải quyết việc làm cho học sinh sinh viên vào những ngành nghề trọng điểm, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý lao động ngoài nước, xuất khẩu lao động chất lượng cao sang các nước phát triển.” Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ