Làm rõ căn cứ Dược phẩm Tâm Bình khuyến cáo mì tôm gây hại

GD&TĐ - Cơ quan chức năng cần làm rõ những căn cứ và mục đích của Dược phẩm Tâm Bình khi đăng tải các khuyến cáo về việc mì tôm gây hại cho sức khoẻ.

Nội dung khuyến cáo ăn mì tôm có hại cho sức khoẻ đăng trên trang tambinh.vn.
Nội dung khuyến cáo ăn mì tôm có hại cho sức khoẻ đăng trên trang tambinh.vn.

Doanh nghiệp mì tôm có thể khiếu nại

Như Báo Giáo dục và Thời đại đã thông tin, thời gian gần đây, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tâm Bình (gọi tắt là Dược phẩm Tâm Bình) đưa ra các khuyến cáo trên mạng xã hội và trang web chính thức của công ty về việc mì tôm gây hại cho sức khoẻ nói chung và người bệnh gout nói riêng.

TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Khuyến cáo của Dược phẩm Tâm Bình không dựa trên căn cứ cụ thể nào, cũng không phải là trích dẫn văn bản khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền.

Có lẽ việc đăng các bài khuyến cáo như vậy của Dược phẩm Tâm Bình là nhằm quảng cáo để bán thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Thông tin này có sức ảnh hưởng lớn tới xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mì tôm. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất mì tôm có thể làm đơn khiếu nại thông tin của Dược phẩm Tâm Bình.

Mì ăn liền là sản phẩm được cơ quan Nhà nước kiểm định về chất lượng. Nếu nói ăn mì tôm gây hại cho sức khoẻ thì đồng nghĩa mì tôm là tác nhân gây bệnh cho hàng triệu người? Bởi mỗi năm chúng ta tiêu thụ hàng tỉ gói mì tôm.

TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, việc nói mì tôm chứa nhiều muối, gây hại cho cơ thể là ý kiến suy diễn. Gói muối và gia vị trong mì tôm được xem là gia vị, mọi người có thể điều vị mặn, nhạt thế nào tuỳ vào thói quen ăn uống mỗi người. Tương tự như muối, thành phần mì chính có trong các loại thực phẩm hàng ngày như rau, củ, quả... bản thân nó không gây hại cho cơ thể.

Bột mì cũng là loại thực phẩm hàng ngày giống như gạo. Tuy nhiên, trong bột mì có thành phần Gluten cao hơn gạo rất nhiều. Có người bị dị ứng với thành phần Gluten, giống như dị ứng thành phần có trong tôm, cua... Nếu người nào bị dị ứng Gluten thì không nên ăn mì tôm. Nhưng không thể nói tôm, cua, mì tôm... là xấu, độc hại...

Với mì tôm, người dùng có nhiều cách chế biến khác nhau như mì xào, mì ăn với trứng ốp, rau trần, chanh, quất... Vì vậy người dùng có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho bữa ăn của mình, tuỳ vào khẩu vị của từng người.

Về thông tin mì tôm chứa thành phần phosphate gây loãng xương, TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng thông tin trên là không có cơ sở. Lý do là bởi hai thành phần phosphate và can xi trong cơ thể đóng vai trò tương hỗ lẫn nhau.

Phosphate giúp cơ thể hấp thu can xi tốt hơn. Nếu thiếu phosphate thì cơ thể sẽ khó hấp thu can xi. Đây là thông tin thất thiệt, không có cơ sở. Thêm nữa là cơ chế tự phản ứng của cơ thể trước việc thiếu chất. Ví dụ thiếu can xi thì có thể thèm ăn trứng, thiếu chất xơ thèm ăn rau...

Căn cứ trên nguồn... của bác sĩ

Ông Nguyễn Minh Hoàng, đại diện Dược phẩm Tâm Bình cho biết, các thông tin đăng trên                 website và page được căn cứ trên ý kiến của bác sĩ và các nguồn tin từ báo chí. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì công ty cần có thời gian kiểm tra, rà soát lại. Đại diện Dược phẩm Tâm Bình khẳng định tambinh.vn là website chính thức của công ty.

Liên quan sự việc trên, Báo Giáo dục và Thời đại liên hệ đến ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. Ông Phong cho biết, mì tôm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Ông Phong cũng yêu cầu báo chí làm văn bản gửi đến Cục An toàn thực phẩm để hỏi về các vấn đề quan tâm. Cục sẽ trả lời bằng văn bản.

Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, việc quản lý các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ thuộc trách nhiệm của Cục An toàn thực phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, Cục An toàn thực phẩm cần có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các thông tin báo chí nêu để có hướng dẫn tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định pháp luật.

Theo Quy định tại Khoản 10, 12, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng nêu rõ: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, Dược phẩm Tâm Bình là công ty dược, có chuyên môn sâu. Vì vậy khi cảnh báo mì tôm gây hại sức khoẻ cần căn cứ vào văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc nếu phát hiện dấu hiệu bất thường có thể thông báo cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý chứ không làm thay việc của cơ quan chức năng.

Bộ Công Thương lên tiếng

Ngày 22/2, Bộ Công Thương gửi thông tin phản hồi đến Báo Giáo dục và Thời đại, qua đó khẳng định, đến nay Bộ chưa nhận được phản ánh của đơn vị nào có chứng cứ khoa học về việc ăn mì tôm gây hại cho sức khoẻ.

Cụ thể: “Đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được phản ánh của đơn vị nào với chứng cứ khoa học đầy đủ về nội dung như trên.

Trong trường hợp nhận được phản ánh, để có đủ căn cứ khoa học chính xác và tin cậy, Bộ sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành khác có chức năng, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm và các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền hiện nay để đưa ra các khuyến cáo phù hợp tới người tiêu dùng với phương châm bảo vệ người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu”.

Theo ghi nhận của Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 22/2, trên Page Facebook Dược phẩm Tâm Bình (có tích xanh) đã gỡ bài viết khuyến cáo với nội dung ăn mì tôm gây hại cho sức khoẻ nói chung và người bệnh gout nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ