Từ năm 2009, trong Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường.
Đây là nội dung trong yêu cầu “3 công khai”, gồm: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Thu chi tài chính.
“3 công khai” từ đó trở thành quen thuộc, như một công việc thường niên của cơ sở giáo dục. Kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là một căn cứ để các cơ sở đào tạo nghiên cứu, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp và tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Đây cũng là một trong các căn cứ để cơ sở giáo dục đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo…; đồng thời phục vụ cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT thường có văn bản nhắc nhở về việc này. Một dấu mốc là năm 2017, trong văn bản số 2919/BGDĐT-GDĐH, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ sinh viên cần có phản hồi trên tổng số sinh viên tốt nghiệp. Nếu không đạt được tỷ lệ theo quy định thì báo cáo không đạt yêu cầu.
Cũng năm 2017, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ghi rõ, từ năm 2018 trở đi, các trường phải công bố thêm: Tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này sẽ không được thông báo tuyển sinh.
Nhìn một quá trình để thấy, khảo sát, thống kê tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được quan tâm và đã trở thành công việc quen thuộc của cơ sở giáo dục đại học nhiều năm nay. Tuy vậy, quá trình triển khai còn không ít khó khăn; trong đó khó nhất có lẽ là tiếp cận được đối tượng khảo sát và có được câu trả lời trung thực.
Một người trong cuộc trăn trở, dù đã kết hợp nhiều kênh (gửi link khảo sát online vào email sinh viên; khoa thống kê qua lớp trưởng các lớp đã tốt nghiệp, giảng viên chủ nhiệm liên hệ trực tiếp...) nhưng hầu như sinh viên không có việc làm không muốn trả lời. Việc này dẫn đến tỷ lệ có việc làm công bố ra bên ngoài luôn cao. Dư luận xã hội băn khoăn, đặt câu hỏi về tính chính xác, độ tin cậy của con số thống kê đó là có cơ sở. Kiểm chứng lại kết quả thống kê trở thành bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý Nhà nước.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, cần định nghĩa lại về “có việc làm” trong những khảo sát này: Việc làm đúng chuyên môn đào tạo, có sử dụng chuyên môn đào tạo, không đúng chuyên môn. Nếu chỉ là có việc để làm và có thu nhập thì con số thống kê ít ý nghĩa bởi cơ hội có việc, thu nhập với người lao động hiện nay khá lớn. Việc làm theo ngành đã đào tạo, kết nối mạng lưới cựu sinh viên hỗ trợ lẫn nhau, lượng sinh viên tự tạo việc… là giá trị mới cần được quan tâm.
Cùng đó, phương án tạo việc làm luôn khi sinh viên đang học kiểu combo “học - thực hành - bắt đầu làm việc” nên đưa thành một nhiệm vụ mới của các nhà trường. Như vậy, rất cần làm mới một công việc quen thuộc với cách làm khoa học, trách nhiệm. Bởi xét cho cùng, uy tín của một trường đại học thể hiện ở chất lượng đầu ra, việc sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhà tuyển dụng.