Khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm: Cần chuẩn hóa công cụ

Khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm: Cần chuẩn hóa công cụ

Tuy nhiên, việc thiếu các tiêu chí, định lượng, hậu kiểm… khiến tỉ lệ việc làm của sinh viên được các trường công bố dù thật cũng dễ bị nghi ngại.

Phản ánh đúng thực tế

Nhìn lại hoạt động công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các trường ĐH-CĐ trong ba năm trở lại đây cho thấy chất lượng đào tạo, công tác đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu của thị trường lao động tốt hơn rất nhiều. Nếu như năm 2017 - 2018, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp được các trường công khai dao động từ 78 - 85% đến giai đoạn 2019 - 2020 (tạm tính), con số các trường công bố đã nhích lên 90 - 95%.

Đơn cử, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của Trường ĐH Công nghệ TPHCM năm 2019 là 95%, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TPHCM: 94,68%, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính là 98,15% với sinh viên khối ngành VII (Khách sạn – Du lịch, Ngoại Ngữ), 95,65% khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật, kinh tế) và 91,67% khối ngành V (Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng). Trường ĐH Hoa Sen TPHCM có đến 85,23% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp (thống kê tháng 6/2020). Đặc biệt, sinh viên khối ĐHQG TPHCM có tỉ lệ việc làm cao nhất khi đạt gần 100% sau 6 tháng đến 1 năm sau tốt nghiệp (do QS Graduate Employability Rankings 2020 vừa thống kê).

Tổng hợp số liệu thống kê năm 2018 của 221 cơ sở giáo dục ĐH-CĐ gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT cũng cho thấy rõ sự gia tăng này. Nếu như năm 2017, bình quân sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là 87%, năm 2018 tỉ lệ này ở mức 91,6%. Những con số ấn tượng trên xét với tỉ lệ người thất nghiệp có trình độ CĐ-ĐH trong quý I/2019 mà Tổng cục Thống kê công bố khá phù hợp, khi trong quý I/2019 cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 3,28 nghìn người so với quý IV/2018.

Để thống kê số SV có việc làm sau tốt nghiệp, các trường thực hiện theo 4 bước: Gọi điện thoại khảo sát việc làm cho từng SV tốt nghiệp; gửi email các thông tin tuyển dụng ưu tiên cho những SV chưa có việc làm có nhu cầu tìm việc; gọi điện thoại khảo sát tiếp cho những bạn chưa có việc làm mà có nhu cầu tìm việc; Chờ phản hồi xác nhận vị trí việc làm.

Đánh giá về con số SV có việc làm được các cơ sở giáo dục công bố, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế Quốc tế cho biết: Với thống kê mà đơn vị này có được, khoảng 85 - 90% sinh viên tại TPHCM ra trường có việc làm là điều tin được. Tuy nhiên, số lượng sinh viên làm việc đúng chuyên môn, ngành nghề đào tạo thực tế theo khảo sát chỉ đạt khoảng 58 - 60%.

Vẫn cần bộ công cụ hậu kiểm

Ông Hồ Đức Sinh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết: Với mỗi cơ sở GD, chất lượng đào tạo và thương hiệu là yếu tố sống còn. Do đó, nếu SV ra trường không có việc làm cao thì chỉ 2 - 3 mùa danh tiếng đơn vị sẽ mất đi. Vì vậy, việc đào tạo, huấn luyện những kỹ năng phỏng vấn, làm việc nhóm, đối thoại với CEO doanh nghiệp và hoạt động trải nghiệm thực tế được HUTECH đặc biệt quan tâm ngay từ khi SV bước chân vào học.

"Không chỉ xây dựng kênh tương tác, kết nối với 1.000 doanh nghiệp khắp các tỉnh thành trong khu vực, các hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp cho sinh viên còn được các khoa, trung tâm, viện triển khai thường xuyên. Kỹ năng, thái độ và sự chủ động lĩnh hội văn hóa doanh nghiệp ngay từ ghế giảng đường là mục tiêu nhà trường trang bị cho sinh viên bên cạnh kiến thức. Vì vậy, SV HUTECH được doanh nghiệp chủ động săn đón khá nhiều. 95% SV có việc làm là con số thực, bởi hằng tháng, quý, nhà trường đều có ngày hội tuyển dụng - phỏng vấn dành cho SV các khoa" - ông Sinh chia sẻ.

Tỉ lệ có việc làm cao là có thật, nhưng theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, để các con số công bố thực chất, thỏa mãn lòng tin của xã hội ở tầm vĩ mô, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH cần xây dựng dữ liệu về thực trạng việc làm sinh viên sau tốt nghiệp. Bộ dữ liệu này có thể bao gồm các chỉ số: Tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp, làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập bình quân, loại hình tổ chức/công ty đang làm việc, mức độ hài lòng với công việc hiện tại...

Đồng thời sớm thành lập một đơn vị tổ chức khảo sát bộ dữ liệu này. Đơn vị đó có thể do chính bản thân trường đại học lập ra, tuy nhiên, tốt hơn cả nên do cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ GD&ĐT, Tổng cục Thống kê hoặc Bộ LĐ,TB&XH) hoặc các đơn vị dân sự như hiệp hội các trường đại học, công ty về giới thiệu việc làm lập ra.

"Khi chúng ta có được bộ dữ liệu chung, một đơn vị hậu kiểm độc lập, với các chỉ số được minh bạch rõ ràng (bất cứ ai cũng có thể xem được) nó sẽ giúp cho sinh viên tham khảo và biết bức tranh "định lượng" về ngành, nghề tương lai mà mình định chọn sẽ như thế nào. Với các nhà khoa học, bộ dữ liệu này sẽ là "chất liệu" tốt cho họ đưa ra dự báo, phân tích về thực trạng giáo dục, vấn đề việc làm cho các nhà hoạch định chính sách và sinh viên tham khảo để điều chỉnh xu hướng đào tạo" - TS Lê Lâm nói.

Với thống kê việc làm hằng năm từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, việc 10 - 15% SV ra trường thất nghiệp là mức hợp lý. Bởi thực tế, mỗi năm TPHCM có khoảng 175.000 - 180.000 sinh viên tốt nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 160.000 - 165.000 việc làm mới phát sinh. Mỗi trường có một phương pháp khảo sát khác nhau nhưng căn cứ vào thống kê cụ thể có thể tin tưởng con số mà các trường công bố. - Ông Trần Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.