Máy tính Casio giả được làm từ Trung Quốc giống hàng thật từ bề ngoài, tem, nhãn |
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nguy cơ phá sản vì tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Điều đáng nói là hàng Việt giờ đây không chỉ làm giả trong nước mà còn bị làm giả tại nước ngoài (Trung Quốc) sau đó tuồn về nước tiêu thụ.
Câu hỏi “Sao cứ để lọt vào trong nội địa rồi mới tổ chức thu gom lại?” được các doanh nghiệp bức xúc yêu cầu cơ quan chức năng trả lời!
Làm giả từ nước ngoài
Dồn dập trong nửa tháng gần đây, ông Nguyễn Công Quyến - chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ Việt - Nhật (Q.9, TP.HCM), đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm điện gia dụng - hoang mang tột độ khi phải tiếp hơn 20 người tiêu dùng tìm đến công ty yêu cầu bảo hành, sửa chữa sản phẩm bếp điện từ.
Khách hàng phản ảnh về chất lượng sản phẩm của công ty không chỉ ở TP.HCM mà từ khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây nguyên. Không dừng lại ở đó, nhiều khách hàng còn đòi công ty cung cấp quà tặng kèm như xoong nồi, bột ngọt, dầu ăn... mà công ty đã “hứa” tặng trước đó.
“Không chỉ bán hàng giả, những kẻ lừa đảo còn mượn đích danh công ty với địa chỉ, số điện thoại đường dây chăm sóc khách hàng, giấy bảo hành sản phẩm. Thậm chí để thuyết phục khách hàng, họ sẵn sàng làm giả cả con dấu công ty để khẳng định bán hàng chính hãng” - ông Quyến bức xúc.
Theo ông Quyến, qua tìm hiểu các sản phẩm bếp từ, bếp điện quang, bếp hồng ngoại “nhái” hàng của Công ty Việt - Nhật đều được sản xuất từ Trung Quốc, sau đó nhập lậu vào VN. Nếu nhìn qua sẽ rất khó phân biệt sản phẩm của công ty với sản phẩm giả mạo. “Đặc biệt, khi công ty cải tiến chức năng hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt ngay lập tức sản phẩm giả cũng bổ sung chức năng này, chỉ có điều giọng đọc rất ngọng nghịu” - ông Quyến cho hay.
Thông thường, hàng giả có giá thấp hơn hàng thật nhưng nhóm này dùng chiêu khuyến mãi, quảng bá sai sự thật về tính năng sản phẩm để bán với giá cao hơn sản phẩm thật gấp hai lần. Ngay sau khi phát hiện sản phẩm bếp từ của công ty bị làm giả, ông Quyến đã thông tin lên các phương tiện truyền thông khẳng định đơn vị chỉ sản xuất, không bán lẻ, nhưng số người mua phải hàng dỏm vẫn tăng mạnh.
Tương tự, mới đây phụ huynh em Minh Nguyệt, học sinh Trường THCS Lữ Gia (Q.11), tìm đến Công ty cổ phần XNK Bình Tây (Bitex) “mắng vốn” và yêu cầu bảo hành sản phẩm máy tính Casio gia đình mua trước đó. Theo phụ huynh này, trong kỳ thi mới đây do sử dụng máy tính của công ty mà Minh Nguyệt suýt thi rớt. Mặc dù máy tính mới mua, trên máy tính đầy đủ tem nhãn chống hàng giả nhưng khi tính toán cho kết quả không đúng, máy liên tục tắt nguồn. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, đại diện Công ty Bitex khẳng định máy tính Casio này là hàng giả.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty, cho biết đây chỉ là một trong hàng loạt trường hợp dở khóc dở cười mà bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty ghi nhận từ phản hồi của người tiêu dùng.
“Tính từ đầu năm đến nay, công ty chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 52 vụ tàng trữ, kinh doanh sản phẩm máy tính giả mạo với trên 2.500 máy tính bị tịch thu, tiêu hủy. Quả thật, cứ miệt mài phối hợp kiểm tra chúng tôi càng thấy nản vì thực trạng không những không giảm mà còn tăng” - ông Dũng ngán ngẩm.
Theo ông Dũng, toàn bộ lượng hàng máy tính Casio giả lưu hành trên thị trường hiện nay đều sản xuất thành phẩm từ nước ngoài (Trung Quốc). Trong nước chỉ thực hiện hành vi phân phối, tiêu thụ chứ không sản xuất do kẻ gian sợ bị truy cứu. Trong khi đó, chỉ cần nhập hoặc đặt hàng từ Trung Quốc là có ngay, sản phẩm giống y chang hàng thật với giá chưa bằng một nửa hàng chính hãng. Thậm chí nếu chỉ nhìn bề ngoài, không dùng thiết bị đèn chiếu tem chống hàng giả, lãnh đạo công ty này không thể phân biệt thật giả.
Tân dược giả sản xuất tại Trung Quốc nhập lậu về VN bị Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện thu giữ |
Chỉ giải quyết phần ngọn...
Để ngăn chặn hàng giả, Bitex chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tất cả tỉnh thành trong cả nước. Tính từ đầu năm 2013 đến nay đã có 24 tỉnh thành phát hiện và tịch thu máy tính giả. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chủ yếu được thực hiện với cơ quan quản lý thị trường các địa phương.
Ông Dũng thừa nhận phương pháp chống hàng giả như vậy chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi sản phẩm chỉ được sản xuất tại nước ngoài, nếu ngăn chặn hiệu quả thì phải ngăn chặn tại các cửa khẩu. Khi đã lọt vào trong nước, việc kiểm tra mất rất nhiều công sức cho chính cơ quan chức năng mà tính hiệu quả không cao.
“Hiện nay chúng tôi có phối hợp với đơn vị hải quan cảng đường biển. Việc phối hợp này khá dễ dàng, hiệu quả. Tuy nhiên, khi ngỏ ý phối hợp với đơn vị hải quan khu vực cửa khẩu phía Bắc thì khó khăn hơn nhiều và không mấy hiệu quả” - ông Dũng cho hay.
Tại buổi lễ kỷ niệm ngày chống hàng giả, hàng nhái 29-11 tổ chức ở TP.HCM, ông Trương Quang Hoài Nam - cục trưởng Cục Quản lý thị trường - chỉ ra hàng loạt nguyên nhân làm công tác chống hàng giả, hàng nhái chưa đạt kết quả cao. Trong đó việc để hàng giả có xuất xứ từ nước ngoài đi sâu vào nội địa là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, biên phòng, hải quan... thiếu sự đồng bộ.
Việc kiểm tra kiểm soát cũng không được xuyên suốt do bị ngắt quãng bởi việc quản lý theo địa bàn, khu vực. Nhằm ngăn chặn hàng dỏm tràn qua biên giới, mới đây Bộ Công thương thành lập tổ kiểm tra thị trường cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường để làm nhiệm vụ trên các địa bàn liên tỉnh, liên tuyến. Tuy nhiên, theo ông Nam, để công tác chống hàng giả thực hiện tốt đòi hỏi phải có sự vào cuộc và phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.
Chốt chặn từ cửa khẩu Theo ông Lê Thế Bảo - chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, mấu chốt việc chặn hàng giả sản xuất từ nước ngoài, hàng nhập lậu trước hết đảm bảo việc “chốt chặn” từ các cửa khẩu phải thực hiện hiệu quả. Trách nhiệm đã phân công cụ thể, chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã có từ lâu nhưng chưa thật hiệu quả. Vấn đề này đòi hỏi Chính phủ cần nâng cấp, kiện toàn thành lập đơn vị chức năng mang tầm cỡ cao hơn chứ không đặt riêng ở một bộ ban ngành nào. |
Theo Tuổi trẻ