Làm gì khi con hay hoảng sợ?

GD&TĐ - Ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ có những nỗi sợ hãi khác nhau. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần quan tâm đến những điều trẻ chia sẻ.

Nhiều nỗi sợ sẽ dần biến mất khi trẻ lớn hơn. Ảnh minh họa
Nhiều nỗi sợ sẽ dần biến mất khi trẻ lớn hơn. Ảnh minh họa

Khi đối mặt với một điều gì đó mới lạ, tùy từng trẻ sẽ có những cảm xúc khác nhau. Việc trẻ tỏ ra lo lắng hay căng thẳng là điều rất bình thường, miễn là tình trạng đó không kéo dài quá lâu, cảm xúc trở nên dữ dội hoặc xảy ra quá thường xuyên.

Đừng bỏ qua nỗi sợ hãi của trẻ

Trong quá trình lớn lên, một đứa trẻ phải đối mặt với vô số điều mới lạ, chẳng hạn như gặp bạn bè mới, lần đầu tập lái xe, thi đấu các môn thể thao… Trước những điều này, trẻ không thể tránh khỏi sợ hãi và nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng; đồng thời đặt ra câu hỏi liệu mình có thể làm gì để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi?

Đôi khi, đối với người lớn, nỗi sợ hãi của trẻ có vẻ khá ngô nghê và vô lý. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng, với trẻ, thế giới luôn ngập tràn những mối đe dọa. Phần lớn những nỗi sợ hãi này sẽ dần biến mất khi trẻ lớn hơn. Nếu chúng vẫn tiếp tục tồn tại và hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ của trẻ, thì đó là lúc bé cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Trẻ em cũng có thể có những nỗi sợ hãi không xuất phát từ cuộc sống thật. Ở mỗi độ tuổi, trẻ có những nỗi sợ hãi khác nhau. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần quan tâm đến những điều trẻ chia sẻ.

Trong khi đó, với đứa trẻ luôn luôn sợ hãi một việc, một thứ rất mơ hồ thì không hẳn là không có cơ sở. Bởi, ẩn chứa đằng sau nỗi sợ hãi có thể là một vấn đề gì đó. Đôi khi các phụ huynh mắc sai lầm nghiêm trọng là bỏ qua nỗi sợ hãi của trẻ.

Thậm chí, người lớn cho rằng, nỗi sợ của trẻ hoàn toàn vô hại. Song, nếu cha mẹ không quan tâm tới nỗi sợ của con, trẻ có thể sẽ gặp những hệ lụy đáng tiếc sau này.

Theo một nghiên cứu, phần lớn nỗi sợ hãi của trẻ có nguyên nhân từ cha mẹ. Sự sợ hãi của trẻ bị ảnh hưởng hay mô phỏng lại hành động nào đó của cha mẹ.

Ví dụ, mẹ sợ chuột và thường hét lên mỗi khi nhìn thấy chuột. Khi đó, trẻ cũng có xu hướng sợ chuột. Hoặc, cha mẹ thường xuyên hù dọa con mình bằng những nhân vật đáng sợ. Khi đó, trẻ sẽ có xu hướng dần trở nên sợ nhân vật này.

Cha mẹ cần lắng nghe chia sẻ của trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần lắng nghe chia sẻ của trẻ. Ảnh minh họa.

Nỗi sợ ở từng độ tuổi

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chia sẻ, có một số nỗi sợ hãi phổ biến ở những độ tuổi nhất định. Cụ thể, trẻ sơ sinh từ 5 đến 12 tháng tuổi có xu hướng sợ những đồ vật tiến về phía mình và tiếng động đột ngột. Trẻ sợ người lạ, có thể khóc, bám vào cha mẹ để cảm thấy an toàn.

Trong khi đó, trẻ mới biết đi cảm thấy lo lắng về sự chia ly. Vào khoảng thời gian từ 10 tháng đến 2 tuổi, nhiều trẻ mới biết đi bắt đầu sợ phải xa cách cha mẹ. Trẻ không muốn cha mẹ đưa đi nhà trẻ hoặc đi ngủ. Chúng có thể khóc, bám lấy và cố gắng ở gần cha mẹ.

Đối với trẻ em từ 3 - 6 tuổi, các bé thường có nỗi sợ hãi về động vật, rắn, bóng tối và quái vật. Ở độ tuổi này, không phải lúc nào trẻ cũng có thể phân biệt được đâu là hiện thực và đâu là tưởng tượng. Những con quái vật đáng sợ mà trẻ tưởng tượng dường như có thật. Trẻ sợ những gì có thể nằm dưới giường hoặc trong tủ quần áo, sợ bóng tối và khi đi ngủ. Một số trẻ sợ những giấc mơ, tiếng động lớn, như sấm sét hoặc pháo hoa.

Đối với những trẻ lớn hơn, các bé thường sợ những nguy hiểm trong cuộc sống. Khi trẻ từ 7 tuổi trở lên, quái vật dưới giường không thể khiến chúng sợ nhiều vì trẻ biết chúng không có thật.

Tuy nhiên, trẻ có thể sợ hãi khi kẻ xấu đột nhập vào nhà; những thảm họa thiên nhiên mà mình được nghe; bị thương, bệnh tật hoặc mất người thân. Trẻ đi học cũng có thể cảm thấy lo lắng về bài vở, điểm số hoặc hòa nhập với bạn bè.

Ở lứa tuổi từ 10 - 12, trẻ em thường sợ độ cao, sự tức giận của cha mẹ, học tập, mối quan hệ bạn bè và khả năng xảy ra thảm họa.

Trong khi đó, thanh thiếu niên lớn hơn có xu hướng bày tỏ nỗi sợ hãi về những thay đổi trong cơ thể, ngoại hình của bản thân, sự cô lập, tình dục và các sự kiện trên thế giới. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi báo cáo ở lớp, bắt đầu tham gia môi trường mới, một kỳ thi lớn hoặc những trò chơi mang tính chất thử thách.

“Phần lớn trẻ sẽ né tránh những thứ mới mẻ hoặc mang tính thử thách. Thế nhưng, khi dám thử những điều mới lạ trong phạm vi an toàn và phù hợp với lứa tuổi, trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Khi vượt qua một thử thách mới, trẻ sẽ học được thêm kỹ năng và tăng sự tự tin”, chuyên gia Mỹ Dung cho biết.

Trẻ có những nỗi sợ khác nhau tùy theo độ tuổi. Ảnh minh họa.

Trẻ có những nỗi sợ khác nhau tùy theo độ tuổi. Ảnh minh họa.

An ủi khi trẻ sợ hãi

Chuyên gia Mỹ Dung lưu ý, dù cha mẹ làm gì thì cũng không nên ép trẻ phải đối mặt với nỗi sợ, trừ khi con muốn điều đó. Ví dụ, nếu trẻ sợ rắn, cha mẹ không nên đưa con vào tình huống có rắn mà không chuẩn bị trước tâm lý.

Thay vào đó, khi trẻ sợ hãi, phụ huynh cần an ủi con bằng cách nói: “Không sao đâu, con an toàn rồi, mẹ ở đây”. Đồng thời, hãy cho trẻ biết cha mẹ đang ở bên cạnh để bảo vệ con. Với trẻ nhỏ, cha mẹ hãy giúp con làm quen với người lạ khi phụ huynh đang bế bé. Hãy ôm và thủ thỉ những lời dịu dàng để giúp trẻ cảm thấy an toàn.

Ở trẻ lớn hơn, phụ huynh cần lắng nghe và trao đổi về điều trẻ đang gặp phải. Đồng thời, giúp trẻ diễn đạt cảm xúc của bản thân. Phụ huynh cũng có thể để trẻ xa cha mẹ trong thời gian ngắn. Khi tạm chia tay trẻ, cha mẹ hãy nói rằng, mình sẽ quay lại, mỉm cười và ôm trẻ. Hãy để trẻ cảm nhận cha mẹ luôn quay trở lại và có cảm giác an toàn.

Đối với trẻ sợ bóng tối, hãy chuẩn bị thói quen đi ngủ lành mạnh. Cha mẹ có thể đọc truyện hoặc hát cho con nghe. Hãy để trẻ cảm thấy được yêu thương. Phụ huynh giúp trẻ từ từ đối mặt với nỗi sợ. Ví dụ, cùng nhau kiểm tra những con “quái vật” dưới gầm giường. Khi ở bên để hỗ trợ, cha mẹ hãy để trẻ tự thấy, quan sát. Từ đó, giúp trẻ cảm nhận được sự can đảm của mình.

Phụ huynh cũng nên kiểm soát những hình ảnh, phim hoặc chương trình đáng sợ mà con xem. Bởi, những điều này có thể gây ra nỗi sợ cho trẻ. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, cha mẹ cũng cần giúp con học cách chuẩn bị cho các thử thách, như bài kiểm tra hoặc báo cáo trước lớp. Phụ huynh cần cho trẻ biết rằng, mình tin tưởng vào con.

Cha mẹ cần trao đổi để được sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý nếu trẻ rất khó chịu hoặc nổi cơn thịnh nộ do sợ hãi. Hoặc, trẻ không muốn đi học, không dám ngủ một mình, gặp ác mộng. Trẻ cũng có thể gặp các triệu chứng về thể chất như đau bụng, đau đầu hoặc tim đập nhanh, cảm thấy khó thở vì sợ.

Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi mầm non thường có nhiều nỗi sợ. Lý giải về nguyên nhân trẻ ở tuổi này hay sợ hãi, bác sĩ Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, các bé mầm non thường phải làm điều gì đó mà trước đây chưa từng làm.

Nỗi sợ hãi có thể khiến trẻ khóc, thức trắng đêm (hoặc ngủ nhiều hơn bình thường). Trong khi đó, một số trẻ có thể đột nhiên bộc lộ hành vi hung hăng. Trong trường hợp này, phụ huynh cần khuyến khích trẻ nói chuyện, cởi mở, bày tỏ về những gì khiến bé lo lắng. Nếu trẻ chưa nói thành lời, hãy cùng bé tham gia một số trò chơi để con cởi mở hơn.

Phụ huynh cũng có thể làm gương bằng cách nhẹ nhàng liên hệ những nỗi sợ hãi của chính mình. Cha mẹ có thể nói: “Đôi khi cha/mẹ cảm thấy sợ hãi khi gặp một người mới, nhưng cũng cố tỏ ra dũng cảm và nói xin chào”.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý không kìm hãm cảm xúc của trẻ. Phụ huynh hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ thông cảm với nỗi lo lắng của con. Đồng thời, không bao giờ tạo cho con ấn tượng rằng, cha mẹ nghĩ những lo lắng của bé là ngớ ngẩn hoặc tầm thường.

“Hầu hết, trẻ em ứng phó nỗi sợ với sự hỗ trợ của cha mẹ. Khi lớn lên, trẻ vượt qua nỗi sợ hãi khi còn nhỏ. Một số trẻ gặp khó khăn hơn và cần được giúp đỡ nhiều hơn với nỗi sợ. Nếu nỗi sợ hãi tột độ hoặc khiến trẻ không thể tham gia những công việc trong cuộc sống hằng ngày, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu”, chuyên gia Mỹ Dung cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.