Đừng ép con quá đà

GD&TĐ - Trong quá trình nuôi dạy con, ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, thông minh và học hành giỏi giang. Chính tâm lý đó khiến nhiều phụ huynh nuôi con mình nhưng luôn nhìn sang nhà hàng xóm. 

Đừng ép con quá đà

Nếu không đặt mối quan tâm quan trọng nhất vào con và tùy theo thể lực, trí lực của con mà đặt kỳ vọng… thì chuyện ăn quá mức, học quá sức sẽ khiến việc nuôi dạy con của nhiều gia đình trở nên cơ cực vì muôn vàn những áp lực tự chuốc vào…

Áp lực vì... phải ăn

Nghe chị Bích Liên (khu tập thể Học viện Âm nhạc quốc gia) hỏi về chuyện ăn uống của thằng cu Tít, bác giúp việc vội vàng giãi bày: “Tôi đã cho cháu ăn cháo rồi, nhưng bát yến thì tôi không dám ép nó ăn đâu… Của một đống tiền, ép quá nó lại nôn ra như hôm qua thì…”.

Chịu khó tham khảo thực đơn, chị Liên công phu chuẩn bị từng món ăn cho con, những tưởng bữa ăn sẽ là sự háo hức khám phá ẩm thực nhiều thi vị, thế mà khi nuôi hai đứa con, đứa nào cũng lười ăn và chuyện ăn uống biến thành chuyện nhồi nhét hàng ngày, như một cuộc tra tấn hệ tiêu hóa của con và thử thách nặng nề của người mẹ.

Tâm lý sợ con thấp còi khiến tình trạng ép con ăn như chị Liên khá phổ biến. Theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng: Một trong những lý do khiến trẻ ngày nay khó nuôi hơn trước đây là người lớn đang can thiệp quá thô bạo vào việc ăn của trẻ. Ép con ăn với bất kể lý do gì, hăm dọa, đe nẹt để trẻ há miệng, nuốt cơm..., khiến chuyện ăn uống của con không còn theo nhu cầu tự thân, con sợ ăn, dần dần mất cân bằng dinh dưỡng.

Ăn uống trong tình trạng căng thẳng, dịch vị dạ dày của trẻ không tiết ra, nếu thức ăn có đưa vào bụng cũng không được tiêu hóa nên trẻ vẫn không tăng cân, phát triển tốt như mong đợi. Ấy là chưa kể đến việc trẻ ăn trong sự sợ hãi hoảng loạn còn làm tiêu hao năng lượng của trẻ.

Những trẻ hình thành phản xạ nôn do bị ép ăn dễ bị viêm đường hô hấp. Trẻ vừa khóc vừa ăn dễ sặc thức ăn, phản xạ hầu họng mở ra, thức ăn và nước uống không theo đường tiêu hóa mà rơi vào đường thở. Thanh quản có phản xạ co thắt khiến trẻ gặp dị vật đường thở, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Con khổ vì phải học

Chuẩn bị vào năm cuối cấp mà thời gian biểu của Trần Quang Hà - HS Trường Việt Đức (Hà Nội) đã kín đặc. Riêng 2 môn Toán, Lý em đã phải theo hai thầy có uy tín ở một trung tâm, lại thêm hai gia sư đến nhà kèm. Học ở nhà để củng cố kiến thức cơ bản, còn ra trung tâm là để học nâng cao. Cả tuần em chẳng được nghỉ ngơi ngày nào nên lúc nào cũng mệt mỏi.

Anh Tuấn Hải (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện về con trai của một người bạn anh, cháu bé đi học nhiều căng thẳng, tối về lại bị mẹ ép học muộn, giấc ngủ hay bị mê sảng, sáng nào cũng khóc lóc không muốn đến trường.

Đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý, vợ chồng bạn anh theo lời tư vấn điều chỉnh lại việc học hành của con, gần gũi chuyện trò và cho con đi chơi gặp bạn bè, giao hòa với thiên nhiên nhiều hơn nên sau nửa năm cháu bé đã tìm thấy niềm vui trong việc đến trường, sức khỏe tâm thần cũng dần ổn định.

Từ nỗi lòng của người mẹ, chị Thiên Kim – GV Trường dạy trẻ khuyết tật Hy Vọng đã thừa nhận: “Các con bây giờ làm học sinh rất khổ. Nếu cha mẹ luôn tham vọng, quá trọng điểm số thi, thích giải thưởng, luôn chạy theo thành tích và rơi vào hội chứng khoe con trên mạng xã hội thì con cái quả là bất hạnh”.

Trong khóa đào tạo kỹ năng sống cho các phụ huynh về chủ đề “Nhu cầu và mất cân bằng nhu cầu”, chuyên gia Lê Anh Hùng – Giám đốc Tổ chức Trí tuệ Tự nhiên Obraha - luôn hỏi đi hỏi lại câu hỏi: “Thế đã hỏi con chưa?”, “Cái đó là cho ai?”, “Nhu cầu của ai?”, “Bố mẹ đều muốn hay con muốn?”...

Trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyện ăn, ngủ, vui chơi cho đến việc học hành của con hầu hết các ông bố, bà mẹ trả lời “là bố mẹ muốn” trong sự ngại ngùng, cho thấy tâm lý đáng ngại của các bậc phụ huynh về vấn đề này.

Chuyên gia tâm lý Lê Anh Hùng đưa ra lời khuyên: Bố mẹ đều đủ trải nghiệm để hiểu rằng nói thì dễ mà làm được là rất khó. Trong chuyện nuôi dạy con đừng luôn cho mình là đúng rồi áp đặt mọi thứ buộc con phải đạt được, đặt quá nhiều mục tiêu mà không đối xử tâm lý với con. Phụ huynh cần học cách tháo gỡ stress của bản thân để giúp con giải tỏa áp lực cuộc sống và phòng ngừa sớm căn bệnh trầm cảm vì áp lực học hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.