Nhà giáo - nhà báo, chỉ đợi ta tìm gặp...

GD&TĐ - Trong lúc sắp xếp tài liệu sau một năm học vất vả cùng học trò, tôi chạm tay đến nơi trang trọng nhất...

Cô giáo Phạm Thị Trinh trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: NVCC
Cô giáo Phạm Thị Trinh trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: NVCC

Đó là những trang sáng tác cùng những tờ báo tôi yêu quý - Báo Giáo dục & Thời đại.

Mở từng trang báo, tôi bồi hồi nhớ lại từng chặng đường làm quen rồi “bén duyên” với người bạn đặc biệt này. Không ngờ, trong cuộc đời có những điều thật kì diệu, như là định sẵn, chỉ đợi ta tìm gặp… Cảm xúc ấy thật khó tả biết bao!

Làm nghề giáo bận rộn là thế, nhưng là một giáo viên dạy Văn nên tôi vốn có chút “máu nghệ sĩ” - tức là chỉ cần nghe bản nhạc đã lâu, nhìn cánh phượng hồng mới nở, tán bàng rực lửa lúc sang Đông hay đơn giản là cơn mưa bất chợt lúc bước ngang sân trường cũng có thể trở thành “thi hứng”...

Thế là tôi viết. Viết tình cờ vài ý tưởng lên tờ giấy nhỏ hay trong sổ ghi chép luôn có của một Giáo viên chủ nhiệm. Về đến nhà, sau khi giải quyết xong cả núi việc nhà, việc trường, đến tận khuya, tôi mới ngồi lắp ghép những cảm xúc ấy thành thơ, thành bài. Rồi chờ đợi… Hy vọng!

Giáo dục & Thời đại vốn là tờ báo của ngành Giáo dục, lúc nào cũng có trong phòng hội đồng của trường, nên cứ có thời gian là chúng tôi lại đọc, lại trao đổi những vấn đề phong phú được phản ánh trong đó. Nhiều khi cao hứng, có thầy cô vui vẻ ngâm nga một bài thơ hoặc phóng tác thêm những câu chuyện, làm giờ giải lao thêm vui vẻ. Một trong rất nhiều lần như thế, tôi chợt có ý tưởng gửi bài về báo.

Trước đây, từ ngày còn nhỏ đến cả sau này, tôi cũng đã có thơ, truyện được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc đăng trên những tờ báo khác. Vậy mà tôi không ngờ lần đầu tiên có bài được đăng trên Báo Giáo dục & Thời đại lại khiến tôi vui sướng và xúc động đến vậy. Có lẽ, vì là giáo viên nên khi gửi bài tới báo tôi thấy mình được “về nhà” để thỏa sức giãi bày, chia sẻ và được thấu hiểu, đón nhận...

Vì là cây bút không chuyên, nhiều khi tôi viết theo cảm tính, mà ban biên tập vẫn luôn tận tình đón nhận, gọt giũa, chỉnh sửa. Có bài đạt nhưng cũng có bài không đạt, song tôi vẫn vui vì thấy mình được trân trọng và học hỏi nhiều hơn.

“Nếu không có Báo Giáo dục & Thời đại, nhất là ấn phẩm Chủ nhật làm sao trong đời tôi được nhận món quà vô giá ấy – lá thư kết nối”. Ảnh: NVCC

“Nếu không có Báo Giáo dục & Thời đại, nhất là ấn phẩm Chủ nhật làm sao trong đời tôi được nhận món quà vô giá ấy – lá thư kết nối”. Ảnh: NVCC

Tôi nhớ mãi bài “Giữa trong xanh”, viết nhân dịp 20/11 gần như là lời tựa cho cuốn tập san ở trường, lấy tứ từ câu chuyện “Lẵng quả thông” của nhà văn Paustovsky với nhân vật chính là cô bé Danhisa. Đọc lại thấy hay hay, tôi mạnh dạn gửi đi. Bài viết được đăng trang trọng trên Báo Giáo dục & Thời đại - ấn phẩm Thứ Hai năm 2019 càng giúp tôi có động lực viết hơn. Rồi sau đó là những bài thơ về người học trò vào quân ngũ, về quê hương, đất nước, về gia đình, về mẹ...

Nhưng có một điều khiến tôi ngạc nhiên và biết ơn khi những lá thư từ khắp nơi gửi về. Bởi thời đại này nhận được một lá thư viết tay thật hiếm, nếu không nói là gần như không còn nữa. Vậy mà tôi lại nhận được món quà vô giá ấy. Trong đó, có một bức thư đặc biệt - nét chữ của người viết đều tăm tắp, rất đẹp với vẻ đẹp cổ điển.

Từng dòng, từng chữ ngắn gọn cô đọng và trách nhiệm. Những lời bình về 2 bài thơ của tôi đăng trên ấn phẩm Chủ nhật (bộ mới), trong đó có bài “Hoàng hôn quê em” rất chính xác, chân thành, thể hiện người viết cũng là một người yêu thơ, am hiểu văn chương. Không những thế, người viết thư còn nói rất rõ mình là một “Fan” và thường xuyên theo dõi tờ báo này...

Xin chân thành cảm ơn người xa lạ, cảm ơn tờ báo yêu quý. Nếu không có Báo Giáo dục & Thời đại, nhất là ấn phẩm Chủ nhật làm sao trong đời tôi được nhận món quà vô giá ấy. Đó sẽ là suối nguồn chảy mãi trong mỗi trang giáo án, trong mỗi bài giảng, tiếp thêm cho tôi niềm tin yêu cuộc sống nhiều khi quá bộn bề này...

Từ ấy, tôi đã có những niềm vui riêng. Nhiều khi không “khoe” nhưng mọi người vẫn biết. Được gia đình, đồng nghiệp, người quen chúc mừng - thú thực tôi thấy tự hào nhiều lắm. Nhưng điều làm tôi hạnh phúc nhất là các trò nhỏ luôn coi những tờ Báo Giáo dục & Thời đại - ấn phẩm Chủ nhật đăng bài viết của tôi là món quà tinh thần dành tặng các em sau những giờ học căng thẳng. Những cái nhìn say mê, những bàn tay xinh xinh nâng niu tờ báo nhỏ với ước mong rạng ngời hiện lên trong ánh mắt: “Em ước sau này cũng viết bài, được đăng Báo Giáo dục & Thời đại như cô”...

Những lời con trẻ ríu rít ngây thơ như còn vang mãi. Tôi lại động viên, khuyến khích các em, hướng dẫn và trao đổi với những em có năng khiếu, có tình yêu văn chương như tôi. Tôi cùng các em nuôi dưỡng ước mơ và hi vọng. Tôi ngắm nhìn các em như thấy chính mình của ngày xưa. Tôi tin các em sẽ làm được những điều còn kì diệu hơn thế... Không chỉ tôi mà cả những đồng nghiệp có bài đăng trên báo có lẽ cũng suy nghĩ giống tôi.

Tình yêu lớn và đam mê là thế nhưng đôi khi ta lại có quá nhiều lý do để lỡ hẹn. Không đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng việc “hữu duyên” này như tình yêu ngày còn trẻ. Xa xôi nhớ nhung nhưng không thể lúc nào cũng hồi âm. Chỉ là, dù có lúc cách xa nhưng vẫn tin tưởng, đợi chờ. Bởi ta vẫn tin ở hoa hồng, tin ở tình yêu đầu đời luôn bền chặt, sắt son…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ