Lại là cô giúp việc đón!

GD&TĐ - Muốn trẻ học theo, khi cha mẹ đã hứa với con điều gì nên cố gắng thực hiện. Từ đó, con sẽ học được giá trị của lời hứa và sự tôn trọng bản thân, người khác.

Giữ lời hứa là một trong những cách khiến người lớn trở thành người cha, người mẹ tuyệt vời của con cái. Ảnh minh họa.
Giữ lời hứa là một trong những cách khiến người lớn trở thành người cha, người mẹ tuyệt vời của con cái. Ảnh minh họa.

Mẹ hứa hôm nay đón mình sớm

“Mẹ hứa hôm nay đón mình sớm, nhưng vẫn là đón muộn như mọi ngày… Hôm nay, mẹ bảo sẽ về sớm đón con đi nhà sách nhưng vẫn không phải… Mẹ nói đi học ngoan chiều mẹ đón sớm, mình được về sớm nhưng lại là cô giúp việc đón…” - Đó là những dòng chữ mà con gái út chị Nguyễn Lê Hằng viết trong cuốn sổ tay đặt trên giá sách. Khi dọn dẹp sách vở năm học cũ của con, chị Hằng đã vô tình đọc được.

Những trang giấy viết không bị nhòe đi vì nước mắt, nhưng chị lại cảm nhận được nỗi buồn, thất vọng rất lớn của con. Điều mà bấy lâu nay chị không nghĩ tới. Thậm chí, nhờ đọc được những tâm sự này mà chị nhận ra, còn rất nhiều lời hứa suông cho xong việc đã trở thành thói quen.

Cũng từ đó, chị nghĩ đến con gái lớn năm nay 15 tuổi. Dù đến tuổi trưởng thành, nhưng vẫn thường thất hứa với mẹ. Nhiều lần con hứa xong rồi để đó. Ngay cả chuyện nghiêm túc nhất là học hành, con cũng chỉ hứa rồi không có kết quả. Khi được yêu cầu làm việc gì, bé thường nói “chờ con một lát”.

“Từ đó, tôi mới có thời gian nhìn lại mình. Phải chăng những năm qua, vì không tôn trọng lời hứa mà vô tình ảnh hưởng đến tính cách của con. Những câu nói chỉ để đó trong khi con đang mong đợi mẹ thực hiện khiến tôi rất hối hận. Nhiều năm như thế, tôi đã thất hứa nhưng chưa từng xin lỗi. Điều này đã khiến các con trở nên giống mình, quen miệng rồi hứa suông” – chị Hằng nói.

Phải mất nhiều thời gian, chị Hằng mới có thể cân bằng để nhìn nhận lại vấn đề. Bản thân chị cũng đã tìm đến các chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn. Chị hiểu ra rằng, thái độ và hành động của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tính cách và tâm lý của trẻ.

Lời nói, hành vi của các bậc phụ huynh ăn sâu vào tiềm thức của con và nó thể hiện trong tính cách của trẻ. Bởi con có sự quan sát và học hỏi từ chính những người thân của mình. Chúng luôn nghĩ rằng cha mẹ là tấm gương, là điều mà chúng cần nhìn vào để điều chỉnh bản thân.

Như vậy, muốn trẻ học theo, khi cha mẹ đã hứa với con điều gì nên cố gắng thực hiện. Từ đó, con sẽ học được giá trị của lời hứa và sự tôn trọng bản thân, người khác.

Trẻ hướng tư duy khá mạnh vào lời hứa của người lớn. Ảnh: IT.

Trẻ hướng tư duy khá mạnh vào lời hứa của người lớn. Ảnh: IT.

Hứa vì nghĩ con không hiểu

Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Lê Thị Lan Anh cho rằng, người lớn rất dễ thất hứa nhưng không nhận ra. Bởi nhiều câu nói vô tình nghĩ rằng trẻ không biết, không để ý đã trở thành câu “cửa miệng”.

Tình huống thường gặp nhất khiến người lớn mắc lỗi là lúc muốn từ chối yêu cầu nào đó của trẻ. Chẳng hạn, cha mẹ đang bận làm việc nhưng con lại muốn đi chơi. Nhiều người thường nói “chờ mẹ một chút”, “mẹ sắp xong rồi”… Những câu nói này người lớn cũng không nghĩ rằng con có thể quan tâm và thực sự mong đợi “một chút” đó. Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng xong việc ngay.

Đôi khi bé chấp nhận điều chờ đợi, nhưng những gì vừa hứa chỉ là chiêu thức “đánh lừa” của mẹ. Vì thế, người lớn thường sẽ quên ngay lời hứa đó sau khi vừa nói xong.

Chuyên gia Lê Thị Lan Anh chia sẻ thêm, cuộc sống quanh ta, rất nhiều hoàn cảnh khiến mẹ vô tình thành người “nói dối”. Nhất là khi đấu tranh với trận chiến lười ăn của trẻ. “Muỗng cuối cùng rồi!”, “gần hết rồi”, “nốt miếng này thôi”… Những câu nói đó như tín hiệu khiến bé sắp được “giải thoát”. Thế nhưng, miếng cuối cùng lặp lại mãi chưa hết, bữa ăn của trẻ càng căng thẳng hơn.

Nhiều trẻ sẽ phản ứng bằng cách khóc hay biểu hiện sự thất vọng sau khi biết mẹ đã không thực hiện cam kết với mình. Sự thất vọng tràn trề đã ảnh hưởng tới trẻ ngay từ khi còn bé. Dần dần trẻ không còn tin người lớn nữa và sợ ăn hơn. Trẻ không còn tin ở người lớn cũng là lúc trẻ học cách nói dối.

“Cha mẹ không nên hứa hẹn tùy tiện với con theo kiểu hứa cho có, hoặc hứa những điều viển vông vì cho rằng con cũng chẳng hiểu… Thay vì như vậy, khi thỏa hiệp với trẻ, cha mẹ hãy cân nhắc xem mình có cần thiết phải hứa không. Tùy từng trẻ có thể làm cách khác chứ không nhất thiết phải hứa hẹn. Muốn thực hiện được điều này cha mẹ hãy tự chịu trách nhiệm nếu mình có những biểu hiện thất hứa bằng cách xin lỗi con” – chuyên gia Lê Thị Lan Anh nhận định.

Chuyên gia Lê Thị Lan Anh cũng cho rằng, để không thất hứa, cha mẹ có thể thực hiện vào một thời điểm khác. Như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng bố mẹ rất tôn trọng lời hứa, nhưng có lý do chưa thể làm ngay được. Khi đã làm gương, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ cùng thực hiện lời hứa với mình. Ngược lại, nếu con thất hứa, người lớn không nên cho qua mà hãy để con tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Tuy nhiên, cũng cần bình tĩnh tùy từng hoàn cảnh và tính cách của trẻ. Phụ huynh không nên cứng nhắc ép con phải thành công đúng như những gì con nói. Nhất là lời hứa trong học tập càng cần phải khéo léo giúp con đạt được, tránh gây áp lực khiến con “nói dối” nhiều hơn.

“Giữ lời hứa và cố gắng thực hiện lời hứa với con là điều cha mẹ nên làm. Không hứa với trẻ khi cảm thấy không chắc chắn. Đó là những gì chúng ta nên học trước khi dạy trẻ, hay muốn trở thành người cha, người mẹ tuyệt vời của con cái” – chuyên gia Lê Thị Lan Anh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ