Cách dạy trẻ tôn trọng cha mẹ, thích nghi hoàn cảnh gia đình

GD&TĐ - Nuôi dạy con là một hành trình gian khó. Để “con không chê cha mẹ khó”, luôn ý thức vươn lên trong cuộc sống, cha mẹ cần dạy con thích nghi hoàn cảnh gia đình, tôn trọng những điều kiện cha mẹ có.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đừng chê cha mẹ khó…

Cũng bởi mặc cảm nhà nghèo mà Mai học sinh lớp 11 không bao giờ dám đi chơi chung với bạn bè trong lớp - đa phần là con nhà khá giả. Hoàn cảnh gia đình là một trong những lí do nảy sinh mặc cảm của những bạn tuổi như Mai.

Mặc dù gia đình không quá khó khăn nhưng mặc cảm nhà đi thuê mà con trai chị Phương Chi (Long Biên, Hà Nội) chưa từng mời bạn bè cùng lớp đến chơi. Khi chị Chi thắc mắc, con trai tỏ ra khó chịu: “Nhà mình là nhà thuê vừa bé vừa không có đồ đạc gì, gọi các bạn con đến chơi thì nó cười cho”.

Trước khi đăng quang tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6, Lê Vũ Hoàng là “con nhà mồng tơi” thứ thiệt, cả nhà phải sống trong căn nhà tranh vách lá nhưng chưa bao giờ Hoàng mặc cảm vì điều đó. Tuy nhiên, chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà Hoàng có một quyết tâm phải học thật giỏi để thoát nghèo và giúp đỡ cha mẹ.

Ít ai biết rằng, để có được khối tài sản khổng lồ như bây giờ, nhiều đại gia Việt cũng có cha mẹ nghèo khó. Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Không mặc cảm vì điều đó, hàng ngày sau thời gian học là làm việc giúp đỡ mẹ. Ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát khỏi cuộc sống bần hàn.

Theo TS Trần Thị Thu Hiền, giảng viên về giới của Học viện Phụ nữ Việt Nam, đúng là thực tế có những trẻ mặc cảm, xấu hổ về hoàn cảnh gia đình, không tôn trọng điều kiện cha mẹ có. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ giới trẻ có suy nghĩ tiêu cực “chê cha mẹ khó”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, những trẻ chê cha mẹ, gốc gác của mình thường thất bại trong học tập, trong công việc. Họ so sánh với bạn bè học giỏi hơn, có cha mẹ giàu có hơn và cho rằng vì cha mẹ bạn cung cấp điều kiện vật chất tốt hơn, có cơ hội hơn. Vì thế, họ quay sang oán trách cha mẹ vì nghèo khó.

TS Trần Thị Thu Hiền cho rằng, con cái xấu hổ vì gốc gác bản thân hay cha mẹ nghèo khó là biểu hiện của sự không biết thích nghi hoàn cảnh gia đình. Điều đó một phần do lỗi giáo dục từ chính gia đình. Hiện nay, nhiều cha mẹ vì lo toan kinh tế mà không dành nhiều thời gian cho con.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dạy trẻ tôn trọng cha mẹ, thích nghi hoàn cảnh

Không ít trẻ không hiểu được nỗi vất vả, cực khổ của cha mẹ. Các em cũng không biết cách đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, tự chịu trách nhiệm về hành vi, về cuộc đời mình.

Do đó, để tránh một ngày con cái quay sang chán ghét cha mẹ, chê gốc gác của mình, Chuyên gia tư vấn giáo dục Trần Thị Dần - Giám đốc Sunrise Vietnam cho rằng, các cha mẹ cần dạy con biết yêu quý công sức của cha mẹ, biết lao động, hiểu được quá trình muốn cây kết hạt phải lao động vất vả. Và quan trọng là chịu trách nhiệm về bản thân, dù thành công hay thất bại cũng do mình chưa đủ nỗ lực.

“Dạy con từ cuộc sống thực của gia đình, cho con thấy những hình ảnh cha mẹ lao động chân tay lo cuộc sống để con biết tôn trọng cha mẹ, tôn trọng những điều kiện cha mẹ có là cách giáo dục thực tế để con nhận thức được hoàn cảnh gia đình, muốn tốt thì con phải cố gắng”, Chuyên gia giáo dục Trần Thị Dần nói.

Nếu thực sự hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái sẽ là người cảm nhận được đầu tiên. Bởi vậy, TS Nguyễn Tuyết Minh, founder The Myriad Eyes cho rằng, hãy dạy con biết hoàn cảnh của mình, chúng sẽ thích nghi với môi trường, với điều kiện sống. Chúng sẽ phải tự vươn lên để vượt qua số phận.

Theo TS Nguyễn Tuyết Minh, những gia đình khó khăn thực sự, cha mẹ có hai xu hướng dạy con. Cha mẹ không dạy con vì đồng tiền mà dạy con cách kiếm tiền bằng mọi giá, học để thoát nghèo hoặc một bộ phận gia đình dạy trên nền tảng đạo đức, nuôi dưỡng ý chí, cha mẹ khổ cực rồi, cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhiều cha mẹ đang cố chứng minh sự nghèo khổ, khó khăn và đang muốn cố cho con thấy mình vất vả, mình hi sinh vì con. Ông bà thường nói nghèo đi liền hèn. Nếu cha mẹ cứ gieo vào đầu con trẻ sự nghèo đói, có thể trẻ sẽ lo sợ, từ đó thay vì nhận thức nghèo cần cố gắng, cần động lực thì trẻ sẽ chuyển sang suy nghĩ tiêu cực, thiếu tự tin và không thấy tôn trọng cha mẹ mình.

Cha mẹ không cần phải giàu có nhưng phải là hình ảnh mà trẻ luôn mong muốn. Sự hi sinh của cha mẹ trên cơ sở tự nguyện và thể hiện bản năng làm cha mẹ. Trẻ cần được nhen nhóm và khích lệ sự cố gắng vươn lên; trẻ cần thấy gia đình luôn là điểm tựa. Hãy cho trẻ được tự hào về gia đình mình, tự hào về cha mẹ. Sống trong hoàn cảnh thật của gia đình, trẻ sẽ tự tin hơn.

Linh động cho trẻ thử nghiệm thử thách thông qua những hoạt động giáo dục mới thật sự quan trọng và đó cũng là nguyên tắc dạy con bản lĩnh trong cuộc sống. Cho con trải nghiệm để nhận ra rằng cuộc sống này muôn màu đa dạng, để cho trẻ cảm nhận được mình may mắn dù rằng cha mẹ không giàu nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên.

Con người không ai có thể lựa chọn cha mẹ cũng như hoàn cảnh mình sinh ra nhưng nếu được cha mẹ dạy cho biết cách thích nghi hoàn cảnh gia đình, cách tôn trọng những điều kiện cha mẹ có, những đứa trẻ ấy khi trưởng thành sẽ biết sống cuộc đời đầy ý nghĩa. Khi “không chê cha mẹ khó”, những người con ấy càng thấy thương cha mẹ hơn, có động lực làm việc nhiều hơn để báo đáp công dưỡng dục và tương lai có cuộc sống hạnh phúc cùng đấng sinh thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.