Ngay khi Covid-19 ở Trung Quốc vừa giảm nhiệt, Bắc Kinh đã có những động thái lấn át ưu thế của Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo tình báo quân đội Mỹ, căn cứ ở Hawaii và các đảo lân cận đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng từ phía Bắc Kinh. Chính vì vậy, họ khẩn cấp yêu cầu Quốc hội Mỹ phân bổ thêm ngân sách.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ vừa gửi một báo cáo khẩn tới Quốc hội, khẳng định phải nhanh chóng tăng cường nắm đấm quân sự trong khu vực. Nếu không, hiện trạng sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc. Để làm được điều này, Mỹ cần phải chi thêm 20,1 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 - 2026, bởi số tiền đã được phân bổ theo ngân sách trước đó không thấm tháp gì so với đòi hỏi thực tế.
Số tiền này giúp họ có được radar mới, tên lửa hành trình, triển khai thêm binh lính, tạo ra các trung tâm thu thập thông tin tình báo mới, cũng như thực hiện nhiều cuộc diễn tập với các đồng minh. Tất cả những thứ ấy là để cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công từ bên ngoài (ám chỉ từ phía Trung Quốc) – theo báo cáo từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo tờ New York Times, Lầu Năm Góc cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng trong thời đại dịch. Cuộc khẩu chiến về việc ai là thủ phạm làm lây lan virus vừa lắng xuống, nhưng các quan chức tình báo Mỹ cho rằng, xung đột sẽ nổ ra một lần nữa và Trung Quốc sẽ cố gắng minh oan bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về sự liên quan của Mỹ trong việc phát sinh mầm bệnh.
Các quan chức an ninh Mỹ khẳng định yêu cầu của quân đội là khẩn cấp. Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng các tác động của đại dịch để tăng cường sức mạnh của họ ở Thái Bình Dương.
“Trung Quốc hiểu rằng, dịch bệnh toàn cầu là một bước ngoặt và đang cố gắng sử dụng nó để giành lợi thế cho họ. Đừng nhầm lẫn. Trung Quốc vẫn đang theo đuổi các kế hoạch chiến lược đầy tham vọng của mình. Khi đánh bại đại dịch, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc” - ông Josh Hawly, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khẳng định.
Báo cáo đề xuất cần xây dựng các trung tâm thu thập thông tin tình báo mới. Ngoài ra, kế hoạch này cũng dự tính việc tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam và các đảo khác của chuỗi đảo thứ hai, nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hơn là chuỗi đầu tiên ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phải xây dựng các trạm radar trên các đảo Hawaii, Palau để theo dõi tốt hơn quỹ đạo của tên lửa siêu thanh. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc lớn đến mức có thể loại bỏ các lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Á.
Theo các nhà phân tích, tiềm lực quân sự của Mỹ là rất lớn. Tuy nhiên, Thái Bình Dương không phải là mục tiêu duy nhất của Washington. Trong khi đó, Trung Quốc rất muốn có được tiếng nói và tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Bắc Kinh tập trung toàn bộ sức lực để hoàn thành tham vọng của mình và họ có một số thế mạnh so với Mỹ.
Cuộc đọ sức của hai siêu cường ở Thái Bình Dương trong những ngày tới chắc chắn sẽ rất căng thẳng và gay cấn.