Chương trình GDPT mới: Cần tạo động lực thay đổi cho giáo viên

GD&TĐ - Ngày 8/4, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức Hội thảo thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THPT.

Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của các cán bộ quản lý.
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của các cán bộ quản lý.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT, các trường THPT trên cả nước. Những khó khăn và thách thức về đội ngũ, các môn học tích hợp mới với nhà trường, giáo viên một lần nữa được các đại biểu chia sẻ.

Cần chủ động thích ứng khó khăn trong thực tiễn

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, khi thực hiện chương trình mới, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Khó khăn đầu tiên là đội ngũ giáo viên chưa đồng đều về cơ cấu bộ môn. Số giáo viên được phân công dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo chuyên ngành, phải kiêm nhiệm khi chưa được đào tạo bài bản.

“Vì chương trình mới nên có những bất cập mà giáo viên đôi khi chưa biết làm sao để tối ưu do chưa có kinh nghiệm. Sự thiếu hụt giáo viên chuyên trách và đúng chuyên môn của tỉnh còn đến từ hệ lụy 8 năm nay tỉnh không được tuyển giáo viên. Lý do, năm 2015 tỉnh dư hơn 300 giáo viên nên Sở Nội vụ không cho phép tuyển mới, mà yêu cầu điều chuyển từ nơi thừa qua nơi thiếu.

Sự luân chuyển này cũng có những hạn chế khi đội ngũ giáo viên trẻ gần như không có, giáo viên đào tạo theo chương trình mới chỉ được tỉnh bắt đầu tuyển dụng từ năm học 2023-2024 ít nhiều gây khó cho các hoạt động có tính đổi mới. Giáo viên được phân công dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo chuyên ngành, phải kiêm nhiệm khi chưa được đào tạo bài bản” - ông Phan Đoàn Thái nói.

Chia sẻ những khó khăn trong thực tiễn triển khai, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) cũng cho biết: Chương trình GDPT mới thiết kế thêm hai môn học bắt buộc hoàn toàn mới gồm hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Tuy nhiên, đa số giáo viên được phân công giảng dạy các môn học này đều là thầy cô được đào tạo với chuyên môn khác. Do vậy, họ gặp một số trở ngại bước đầu khi được giao giảng dạy bộ môn mới.

Bà Tâm cũng cho biết, từ khảo sát của nhà trường cũng cho thấy điều đó khi có tới 35% giáo viên gặp nhiều và rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chương trình mới. Ngoài ra có khoảng 43,6% thầy cô cho rằng họ gặp một vài rào cản khi sách giáo khoa mới chưa đáp ứng đủ hoặc quá nặng về mặt kiến thức và vận dụng. Một số giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng thói quen cũ, xem sách giáo khoa là pháp lệnh và lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà không quan tâm nhiều đến khung chương trình của bộ môn.

"Thực tế cho thấy giáo viên rất muốn sử dụng các phương thức, phương tiện dạy học tích cực. Tuy nhiên, do thời gian không cho phép và để đảm bảo kiến thức cho học sinh, thầy cô lại chọn cách truyền tải một chiều như trước đây. Theo khảo sát, khoảng 53% giáo viên gặp phải trở ngại này trong quá trình giảng dạy", bà Tâm nói.

Bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) nhìn nhận việc được lựa chọn môn học tự chọn giúp học sinh phát huy thế mạnh của bản thân. Tuy vậy điều này cũng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong nhà trường.

"Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan có phương án giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là với các môn lựa chọn. Bên cạnh đó, các trường công lập cần được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để học sinh phát huy tốt nhất thế mạnh, năng lực bản thân. Thực tế cho thấy, khi được học môn yêu thích, đúng với thế mạnh thì các em rất vui vẻ, say mê học tập"- bà Phạm Thị Bé Hiền nói.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) chia sẻ thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018 tại trường mình.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) chia sẻ thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018 tại trường mình.

Chuyển động tư duy, tìm hướng đi trong khó khăn hơn là than thở

Đây là điều GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ tới các đại biểu tham dự hội nghị về các vấn đề đặt ra.

Không phủ nhận thách thức và khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới nhưng theo GS Huỳnh Văn Sơn cái quan trọng nhất vẫn là làm sao để thay đổi tư duy, thói quen của giáo viên. Thầy cô nào cũng coi môn của mình là môn chính, học sinh phải học giỏi môn của mình. Có những giáo viên vẫn bị áp lực thành tích, vẫn có sức ì, ngại đổi mới.

Theo GS Huỳnh Văn Sơn, thời điểm này là giai đoạn bản lề của đổi mới giáo dục, không thể có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có thể tìm những giải pháp tốt nhất để khắc phục khó khăn. Thay vì than thở thì thầy cô hãy hiến kế cho ngành giáo dục. Về lâu dài, ngành giáo dục phải nỗ lực chuyển đổi số để quản lý, thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình mới.

"Sắp tới, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ tổ chức biên soạn cẩm nang kỹ năng tự học cho học sinh phổ thông, đồng thời, xây dựng hệ thống học liệu dùng chung. Hiện nay, Trường trung học thực hành được sử dụng chung phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Do đó, các trường phổ thông trong từng cụm chuyên môn có thể sử dụng chung phòng thí nghiệm, thiết bị để dạy học. Thậm chí, cả giáo viên cũng có thể “dùng chung”, học sinh được quyền "chạy sô" trong cơ sở giáo dục tự chọn thì sao giáo viên lại không" - GS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Nhìn nhận sự thay đổi trong tư duy có vai trò rất lớn đến sự thành công của chương trình, ông Trương Văn Tiến, Phó phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho rằng việc thầy cô chủ động tiếp cận và lĩnh hội cái mới, thích ứng và thay đổi trong hoạt động dạy học chính là đang tự tháo gỡ những khó khăn qua từng ngày, giúp nhà trường, học sinh và bản thân mình có những tiết dạy hiệu quả hơn.

"Dù chương trình GDPT mới đã triển khai nhưng công tác đánh giá của giáo viên với học sinh vẫn theo lối mòn, khi cứ cho một bài kiểm tra, đánh giá, chấm điểm là xong nên không đánh giá hết học sinh theo hướng phát triển năng lực. Vì vậy việc nhà trường tạo động lực cho giáo viên có vai trò quan trọng nhất, giáo viên có động lực thì mới có cảm hứng, có lửa nghề...từ đó giáo viên có thêm năng lượng, nhiệt huyết để truyền tải cho học sinh.

Các thầy cô cần hiểu rằng khi thay đổi thì chắc chắn ban đầu có khó khăn và phải vượt qua được cảm giác ngại thay đổi, phải có động lực thay đổi"- ông Trương Văn Tiến nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ