“Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc

GD&TĐ - Tác giả cuốn sách – nhà giáo, nhà văn Phạm Quang Long đã đau rứt ruột để viết ra cuốn truyện này, một nỗi đau của người xa lạ ngay giữa cộng đồng mình sống. Nhưng ông cũng vô cùng hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình đã không bị rơi vào quên lãng, đã được những độc giả ưu tú đón nhận với tất cả niềm yêu mến và cảm phục. 

 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc
 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 1 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 2 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 3 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 4 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 5 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 6 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 7 “Lạc giữa cõi người” – Niềm đau và hạnh phúc ảnh 8
Niềm đau và hạnh phúc ấy đã được nói lên một cách chân thành trong buổi tọa đàm về tác phẩm của PGS.TS Phạm Quang Long do Khoa Ngữ văn Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội tổ chức sáng 6/3/2017 tại Hà Nội.

Nhà văn Bùi Việt Thắng dẫn chuyện với 4 cái “nguyên” của tác giả “Lạc giữa cõi người”: Chủ nhiệm khoa Văn, Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV, Phó Giám đốc ĐHQG HN và Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội.

Bây giờ thì tất cả các chức danh này đều đã có chữ “nguyên” phía trước. Ông trở về nguyên vẹn mình: Nhà giáo, nhà văn, với vẹn nguyên một niềm đau khi những giá trị bị đảo lộn mà ông đã “ở trong chăn” suốt 20 năm làm quan, và 8 năm cuối được ông thể hiện qua 18 “vố” ông bị lạc giữa cõi người ta. Như ông tâm sự: Nhân vật chính được miêu tả trong sách có tôi, và có cả nhiều người trong đó, với 99,9% là sự thật, kể cả những mẩu đối thoại. Tôi muốn lên án những người dùng quyền lực để hành hạ người khác, cái hèn, cái kém của cả “chúa” lẫn “bề tôi” mà tôi sắm cả hai vai.

Tác giả Trần Hinh đã giật tít cho bài báo “Lạc giữa cõi người – Tự truyện hay tiểu thuyết”, và ông bảo: Đặt ra câu hỏi mà không cần thiết phải trả lời. Và ông nhận xét. Sự thật được kể trong truyện, đó là chất tự truyện, nhưng dộ mở của câu chuyện lại gần với tiểu thuyết hơn. Nó để lại quá nhiều day dứt, ám ảnh, rằng tại sao con người cứ phải vật vã đớn đau “lạc giữa cõi người” như thế?

Cái sự vật vã, đớn đau đó chính là nhân cách, là chất “người” trong con người, hay cũng là của chính tác giả.  GS Nguyễn Kim Đính trong phát biểu của mình tại tọa đàm, sau khi dẫn ba “bông tuyết đầu mùa” của Khoa Ngữ văn là GS Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Mạnh Tường và GS Phan Ngọc với những bài viết bất hủ và bị “kìm hãm” suốt 30 năm, nói về “Lạc giữa cõi người”, ông bảo: Tâm thế “lạc” mà anh Long nói đến trong tác phẩm là một tâm thế hồn nhiên, trong sáng. Tôi đọc kỹ cuốn “Lạc giữa cõi người” của anh Long như đã từng đọc kỹ “Tội ác và trừng phạt” của Đốt trước đây, để xem dũng khí của nhà văn, nhà giáo này ra sao. Và quả thật, trước những vô cảm, vô học, vô văn hóa, và rất nhiều từ mạnh khác mà anh dùng, tôi thấy sự phẫn nộ của con người hồn nhiên trong sáng đó. Anh coi những con người danh cao hơn thực là một bi kịch chứ không phải là hài kịch như người đời vẫn nghĩ, và bi kịch hơn là ở chỗ họ đã không nhận ra đó là bi kịch. Anh đau khổ, nhức nhối, mâu thuẫn, xung đột giữa “tố nhân nan” và “tố quan đạo”, anh như lạc vào một sân khấu đời loạn diễn. Một bức tranh xã hội được vẽ nên với những “chân diện mục” thối nát, hèn, lếu láo, lì lợm…Ở khoa Ngữ văn từ thuở ban đầu, từng công tác với anh nhiều năm, tôi rất mừng, nhà giáo – nhà văn Phạm Quang Long đã không quên và không làm nhơ bẩn những bông tuyết đầu mùa của khoa Ngữ văn chúng tôi.

Ông Nguyễn Thanh – nguyên chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm của khoa Ngữ văn, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Thái Bình, người đồng hương đồng cấp của tác giả Phạm Quang Long thì nói về “Lạc giữa cõi người”: Tôi cũng có nỗi đau giống anh Long, nhưng tôi đau 1 thì anh đau 10. Tôi cứ ngất ngưởng sống, vậy thôi. Anh Long không thế. Mà nếu được nói hết thì chuyện mà anh Long đề cập trong cuốn truyện này có thể gấp mười lần Hoàng Lê nhất thống chí.

Triết lý đau đời ở “Lạc giữa cõi người” chính là một con người bỗng trở nên xa lạ trong chính cộng đồng của mình. Đó là bi kịch của một trí thức liêm chính trở nên lạc loài, lạc chỗ khi anh không thể chấp nhận sự tha hóa đến tột cùng. Đó chẳng phải là tính hiện sinh, tính phê phán rất cao của tác phẩm này sao?!

Cuối cùng, sau rất nhiều vật vã thì cuốn sách “Lạc giữa cõi người” cũng đã được đến tay bạn đọc. Mừng lắm thay. “Thi pháp của sự chân thành” – như nhà văn Bùi Việt Thắng định nghĩa không thể dễ hiểu hơn một khái niệm nào khác về thể loại của tác phẩm đã chiến thắng. Và Hạnh phúc của người viết chính là khi tác phẩm của mình không bị trôi vào quên lãng, thậm chí còn gợi mở nhiều vấn đề cho người đọc tiếp tục suy ngẫm, tìm tòi, đồng sáng tạo với nhà văn.

Tọa đàm về tác phẩm “Lạc giữa cõi người” của nhà văn Phạm Quang Long cùng nhiều tọa đàm khác thường được Khoa Ngữ văn ĐH KHXH&NV tổ chức đã đưa nơi này trở lại không khí văn nhân văn khoa thuở nào. Các thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn có quyền tự hào về điều đó và có thể coi đây là bệ đỡ cho những tác phẩm văn chương của mình đã hoặc sắp ra đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ