Lá phiếu… thờ ơ

GD&TĐ - Ngoài tăng dân số tự nhiên, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, tăng dân số cơ học là một trong những nguyên nhân khiến trường lớp quá tải. Trong khi đó, tính gắn kết giữa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp và quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị còn rất yếu.

Ảnh mang tính minh họa/ Internet.
Ảnh mang tính minh họa/ Internet.

Từ câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm “may rủi” để con có một suất vào trường mầm non công lập ở Thủ đô Hà Nội, một lần nữa xới lên vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp. Để phụ huynh phải bốc thăm, theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai là tình huống bắt buộc và không còn cách nào khác.

Theo tính toán, năm nay, quận Hoàng Mai tăng thêm 3.700 học sinh khối công lập. Các trường ngoài công lập trên địa bàn quận cũng quá tải. Nguyên nhân, theo ông Thái là do các khu đô thị mới “xuất hiện” quá nhanh. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid–19, nhiều nhóm mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn…

Đối với những khu vực có biến động lớn về dân cư do tăng dân số cơ học, cần sự phối hợp giữa ngành GD-ĐT và các ngành chức năng rà soát, thống kê và làm tốt khâu dự báo để có cơ sở xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển hạ tầng trường học nhằm chủ động phương án bảo đảm phục vụ công tác dạy - học.

Thế nhưng, ngành GD-ĐT các địa phương gần như không thể nắm được vấn đề di dân, di cư; không chủ động được trong việc tìm quỹ đất xây dựng trường lớp. Vì vậy, việc cơi nới thêm phòng học, cũng chỉ là cách làm “tình thế” chứ không giải quyết được căn cơ tình trạng quá tải trường lớp ở các khu đô thị mới.

Đó là chưa kể, vẫn còn tình trạng đất quy hoạch dành giáo dục nhưng sau đó “bị hô biến” công năng với mục đích khác. Nhiều chủ trương ngành Giáo dục không được biết và không thể can thiệp, nên đất quy hoạch cho giáo dục nhưng sau đó trở thành bãi đỗ xe, cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, thương mại, thậm chí có nơi phân lô bán nền…

Bởi vậy, tình trạng chạy theo và tìm cách “đối phó” bằng kiến nghị, đề xuất khi xảy ra tình trạng quá tải, hoặc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu nhân lực… vẫn tiếp diễn, gây bức xức dư luận vào đầu mỗi năm học.

Điển hình tại các trường tiểu học ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) gần như năm nào cũng xây mới thêm phòng học, thậm chí có những trường được xây hẳn khu phòng học với quy mô từ 4 - 6 phòng nhưng chỉ 1 – 2 năm sau là lại quay lại điệp khúc thiếu phòng học. Bởi số phòng học được đầu tư xây dựng mới ở quận này không “đuổi kịp” với tốc độ tăng dân số cơ học và chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Trong chia sẻ với phụ huynh học sinh tại buổi bốc thăm, lãnh đạo quận Hoàng Mai hy vọng một số gia đình có thể gửi con ra trường ngoài công lập hoặc tính đến phương án gửi gắm khác. Thế nhưng, xã hội hóa giáo dục không chỉ là giảm nhẹ gánh nặng lên vai Nhà nước, mà trước hết hệ thống các trường công lập phải bảo đảm tối thiểu chỗ học cho học sinh, nhất là trẻ em nghèo, yếu thế.

Đây là một trong những quyền bình đẳng về hưởng thụ các điều kiện giáo dục của trẻ. Các trường ngoài công lập chỉ là một phân khúc để phụ huynh có thêm lựa chọn nếu phù hợp với điều kiện kinh tế hoặc thời gian đưa đón. Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện gửi con ở các trường tư thục với học phí đôi khi cao hơn cả lương tháng của một lao động chính trong gia đình.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ vẫn là trong quy hoạch đô thị phải tính toán được nhu cầu được thụ hưởng giáo dục của người dân cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn thì mới có thể giải quyết tình trạng căng thẳng về trường lớp. Và phải có sự ràng buộc trách nhiệm lãnh đạo các địa phương khi để xảy ra tình trạng thiếu trường thiếu lớp, phụ huynh phải xếp hàng từ giữa đêm mua hồ sơ nhập học cho con; thậm chí quyền được đi học lại “may rủi” theo lá phiếu bốc thăm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ