Thành phố tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, đáp ứng đủ về chất và lượng cho Chương trình mới, đảm bảo việc dạy – học đạt được những yêu cầu đề ra. Về phía Phòng GD&ĐT, đến nay đã tổ chức các cuộc tập huấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng giáo viên, đảm bảo sao cho việc dạy học đáp ứng đúng theo yêu cầu chất lượng đổi mới của chương trình.
Cho dù có tâm thế rất tốt cho việc chuẩn bị triển khai CTGDPT mới, nhưng không phải Quảng Ninh không có những khó khăn. Theo bà Vũ Thị Thuý Hà – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bên cạnh các cơ sở đáp ứng được yêu cầu đặt ra cũng còn những trường chưa đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những trường này tập trung ở khu vực miền núi và nơi có đông dân cư.
Cụ thể, các địa phương như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái vẫn còn thiếu phòng học. Hiện nay, các trường phải trưng dụng các phòng chức năng, giáo dục nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật hoặc dồn ghép học sinh. Cho dù các cấp chính quyền tại các địa phương này rất cố gắng, nhưng do điều kiện khách quan nên vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục quá tải học sinh; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của tỉnh chưa cao. Đặc biệt là các địa phương như huyện Ba Chẽ và TP Móng Cái thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục.
Đến thời điểm này, việc triển khai CT GDPT mới đã cận kề. Giải pháp được tỉnh Quảng Ninh đưa ra là: Đối với đội ngũ GV, phải đảm bảo tuyển đúng, tuyển đủ. Các địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng bổ sung vị trí việc làm tương ứng với từng cơ sở để có kế hoạch tham mưu tuyển bổ sung biên chế theo lộ trình, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định; tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy môn chung, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Liên quan đến việc đảm bảo cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học, đảm bảo quy định của CT GDPT mới.