Lá cây nhân tạo hấp thụ CO2

GD&TĐ - Dự án “Lá cây nhân tạo hấp thụ khí nhà kính CO2 bằng vật liệu nano mới dựa trên MgO” của nhóm Green Leaves, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, giành quán quân cuộc thi Startup Bootcamp 2021.

Nhóm Green Leaves - Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM xuất sắc giành ngôi vị Quán quân cuộc thi Green Startup Bootcamp 2021. Ảnh: NVCC
Nhóm Green Leaves - Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM xuất sắc giành ngôi vị Quán quân cuộc thi Green Startup Bootcamp 2021. Ảnh: NVCC

Ý tưởng đột phá

Kế hoạch triển khai dự án sáng tạo khởi nghiệp của nhóm bắt đầu từ thực tế cây xanh được coi như nhà máy cải tạo chất lượng không khí, cung cấp khí O2 và hấp thụ khí CO2. Thế nhưng một kịch bản tồi tệ đang đe dọa bầu khí quyển vốn không còn ổn định của Trái đất, đó là cây xanh thải ra khí CO2 khi nhiệt độ cao thay vì hấp thụ CO2 và thải ra oxy.

Trần Thị Định – SV ngành Quá trình thiết bị, Khoa Môi trường, đại diện nhóm cho biết: Từ thực trạng trên, chúng em xây dựng ý tưởng nghiên cứu, phát triển các lá cây nhân tạo hấp thụ CO2 có thể giải quyết được các vấn đề có tính cấp thiết, đóng góp vào mục tiêu cắt giảm khí nhà kính và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

Đặc điểm nổi bật của dự án là lá cây nhân tạo có thể hấp thụ chọn lọc CO2 trong không khí dựa vào cơ chế, đặc tính nổi bật của vật liệu nano based - MgO. Đặc biệt, hiệu quả hấp thụ khí CO2 rất cao tại các khu công nghiệp, khu vực có lượng phát thải CO2 cao. Lá cây nhân tạo còn có nhiều điểm ưu việt so với cây tự nhiên là không cần chăm sóc, có khả năng hấp thụ CO2 cả ngày lẫn đêm trong khi một số loại cây tự nhiên ban đêm lại thải ra CO2. Hiệu quả hấp thụ CO2 của lá cây nhân tạo cao hơn so với cây tự nhiên.

“Bên cạnh đó, lá cây nhân tạo có thể tạo hình theo ý muốn, phù hợp với mỹ quan. Chúng ta có thể đặt trong phòng trang trí. Lượng CO2 sau khi hấp thụ có thể được thu hồi làm nguyên liệu cung cấp cho các ngành công nghiệp như công ty sản xuất nước ngọt có gas, nuôi tảo”, đại diện nhóm cho hay.

Đại diện Nhóm Green Leaves chụp hình cùng với PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân – Giảng viên hướng dẫn khoa học cho nhóm. Ảnh: NVCC
Đại diện Nhóm Green Leaves chụp hình cùng với PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân – Giảng viên hướng dẫn khoa học cho nhóm. Ảnh: NVCC

Trải nghiệm nhờ nghiên cứu khoa học

Để xây dựng được ý tưởng và triển khai dự án, cả cố vấn khoa học - PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân và nhóm Green Leaves đã nỗ lực và quyết tâm rất lớn. Nhóm mất một năm từ chuẩn bị từ ý tưởng đến thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp không ít khó khăn, bởi ý tưởng mới có tính đột phá và đi đầu trong công nghệ, không những ở Việt Nam mà trên thế giới. Bên cạnh đó, là dự án khởi nghiệp về môi trường và mang tính thực tiễn cao, các nhà đầu tư sẽ cùng đồng hành nên mô hình kinh doanh và giải pháp lộ trình xây dựng dự án phải được xây dựng cùng lúc. Đó cũng là khó khăn mà nhóm phải vượt qua.

Một rào cản nữa là nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu các dự án khởi nghiệp hiện nay chưa nhiều, trang thiết bị, phòng thí nghiệm để thực hiện dự án còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự đam mê NCKH nhằm phục vụ cộng đồng và hướng dẫn tận tình, động viên tinh thần của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng KHCN và QHĐN - Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM, nhóm Green Leaves đã xuất sắc vượt qua từng vòng thi cũng như rào cản của bản thân.

Hình sản phẩm dự án lá cây nhân tạo của Nhóm Green Leaves với ý tưởng đột phá giúp cắt giảm khí nhà kính CO2. Ảnh: NVCC
Hình sản phẩm dự án lá cây nhân tạo của Nhóm Green Leaves với ý tưởng đột phá giúp cắt giảm khí nhà kính CO2. Ảnh: NVCC 

PGS Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ: Hiện các tập đoàn lớn về năng lượng, viện nghiên cứu trên thế giới đang muốn tiếp cận công nghệ thu giữ CO2 nhằm cắt giảm lượng khí nhà kính CO2 đang tăng nhanh trên toàn cầu. Vì vậy, dự án này thiết thực, giải quyết thực trạng mà cả thế giới đang đối mặt và đang rất cần sự chung tay của các quốc gia trong việc đưa ra giải pháp cắt giảm khí nhà kính để giảm thiểu tác hại vô cùng to lớn của biến đổi khí hậu.

Giải thưởng là niềm tự hào lớn, nhưng với những thành viên nhóm Green Leaves  quan trọng nhất trong quá trình thực hiện là niềm vui được học hỏi rất nhiều điều hay, kinh nghiệm quý trên con đường nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp.

“Quá trình làm dự án, chúng em không những được cung cấp nhiều kiến thức, kinh nghiệm về khoa học công nghệ, kinh tế, khởi nghiệp mà còn trau dồi bản lĩnh trong công việc, kỹ năng teamwork, kỹ năng giải quyết công việc... Đó là những lợi ích thiết thực giúp chúng em có điểm xuất phát vững vàng khi tạo dựng nghề nghiệp trong tương lai”, nhóm Green Leaves khẳng định. 

Dưới sự cố vấn và hướng dẫn khoa học của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, sau gần 3 tháng với hàng loạt thử thách chứng minh tính khả thi của dự án, sức sáng tạo không giới hạn và tiềm năng chinh phục thị trường. 5 đội thi chính thức ghi tên vào Chung kết là: Four Green, FTU Dynamic, Green Leaves, Slight - TFU và Veca. Trong đó, Team Green Leaves Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM xuất sắc giành ngôi vị Quán quân và đạt giải thưởng dự án được yêu thích nhất đối với doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.