Kỳ vọng từ năng lực khoa học

GD&TĐ - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 đang chuẩn bị triển khai tại 195 cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Một trong những điểm mới có ý nghĩa đặc biệt của chu kỳ năm nay là học sinh thực hiện trên máy tính và lĩnh vực khoa học trở thành trụ cột đánh giá.

Chương trình PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện 3 năm/lần, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở độ tuổi 15 trong các lĩnh vực toán, đọc và khoa học. Từ kỳ đánh giá đầu tiên năm 2012 đến kỳ gần nhất 2022, kết quả PISA lĩnh vực khoa học của học sinh Việt Nam luôn được đánh giá khá cao.

Trong chu kỳ 2012, ở lĩnh vực khoa học, kết quả trung bình của học sinh các nước OECD là 501 điểm, học sinh Việt Nam là 528 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn kết quả học sinh OECD một cách có ý nghĩa thống kê. Ở chu kỳ 2015, khoa học là lĩnh vực trọng tâm nên có thêm nhiều bài mới với tình huống khoa học hiện đại hơn.

Kỳ này, học sinh Việt Nam vẫn đạt kết quả trung bình là 525 điểm, trong khi kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, giữ thứ hạng 8, đưa kết quả PISA 2015 của Việt Nam lọt vào top 10. Chu kỳ khảo sát PISA năm 2022 cho thấy khoảng 79% học sinh ở Việt Nam đạt trình độ 2 trở lên môn Khoa học, trong khi trung bình OECD là 76%. Có 2% học sinh đạt thành tích cao trong môn Khoa học, nghĩa là các em thành thạo ở cấp độ 5 hoặc 6.

Với các chu kỳ PISA từ 2012 - 2022, kiến thức học sinh Việt Nam vận dụng chủ yếu theo Chương trình GDPT 2006 nên có một số điểm khác biệt so với đa số các nước OECD: Không có môn học chung tích hợp mang tên Khoa học (Science) trong khi đa số các quốc gia OECD có môn học này trong nhà trường đến hết lớp 9 hoặc lớp 10 (Việt Nam chia thành các môn học riêng biệt ngay từ lớp 6 như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Địa lý).

Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các em trong việc giải quyết các bài khoa học. Dù vậy, kết quả khảo sát PISA trong giai đoạn này chứng tỏ ý nghĩa quan trọng, rằng học sinh Việt Nam được trang bị kiến thức khoa học khá chắc chắn. Các em có năng lực cao trong việc xác định, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học và các ngành khoa học trong nhiều tình huống phức tạp của cuộc sống.

Chu kỳ PISA 2025 triển khai trong bối cảnh học sinh Việt Nam đã học Chương trình GDPT 2018, trong đó môn Khoa học được tổ chức dạy học ở lớp 4 và 5 với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1, 2, 3). Môn học này tích hợp những kiến thức về Vật lý, Hóa học, Sinh học và nội dung giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường.

Ở cấp THCS, môn học mới Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất, dạy học theo hướng tích hợp. Cùng với đổi mới chương trình, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển đội ngũ, trang thiết bị dạy học, nên lứa học sinh khảo sát PISA năm nay có điều kiện học tốt hơn các kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học so với những em học Chương trình GDPT 2006.

Tới đây kết quả khảo sát PISA chu kỳ 2025 chắc chắn sẽ phản ánh nhiều thông số mới mẻ hơn, gắn chặt với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, là căn cứ quan trọng để Việt Nam điều chỉnh đổi mới giáo dục, thúc đẩy dạy học tốt hơn lĩnh vực khoa học.

Đây là một trong những nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy giáo dục STEM, đáp ứng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Lòng tốt

Truyện ngắn: Lòng tốt

GD&TĐ - Thằng Nhất bế đứa em ba tuổi đang ngằn ngặt khóc ra mãi cổng ngóng mẹ. 'Sao giờ này mẹ chưa về nhỉ? Hơn tám giờ tối rồi'.

Ai chặn được ‘Hạm đội Ánh sáng’?

Ai chặn được ‘Hạm đội Ánh sáng’?

GD&TĐ - Cùng với đội tàu chờ dầu bí mật của Nga, các tàu chở dầu từ các nước phương Tây không thân thiện với Moscow cũng tích cực vận chuyển dầu cho Nga.

Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc (Cà Mau).

Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp

GD&TĐ - Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trường nghề đang tăng tốc tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp, dịch vụ, công nghệ.

Ảnh minh họa.

'Vì nhân dân quên mình': Khúc ca đi cùng năm tháng

GD&TĐ - Ra đời vào tháng 5/1951, hành khúc “Vì nhân dân quên mình” được nhạc sĩ, Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Doãn Quang Khải sáng tác trở thành một khúc ca bất diệt trong tâm hồn lớp lớp thế hệ quân và dân nước Việt Nam.