Chương trình có sự tham dự của ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam; ông Hà Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, Trưởng ban Kỹ thuật khảo sát PISA 2025; cùng đại biểu các sở GD&ĐT, 350 thầy cô giáo thuộc Hội đồng khảo sát cấp tỉnh đến từ 72 cơ sở giáo dục thuộc 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Chu kỳ 2025 mang ý nghĩa đặc biệt khi trụ cột đánh giá của chu kỳ này là lĩnh vực Khoa học, đồng thời đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai khảo sát PISA trên máy tính trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như năng lực tổ chức, vận hành và giám sát.
Phát biểu tại chương trình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Phạm Quốc Khánh đề nghị các Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục được lựa chọn tham gia khảo sát chính thức PISA chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết để triển khai khảo sát trực tuyến; các trường khảo sát chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ khảo sát, xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống sự cố kỹ thuật có thể xảy ra như mất điện, gián đoạn mạng, sự cố máy tính,…
“Thành công của việc khảo sát PISA không chỉ góp phần nâng cao uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam, mà còn là nền tảng cho những chính sách đổi mới giáo dục trong thời gian tới” - ông Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh.

Hội thảo - tập huấn kỹ thuật khảo sát chính thức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 phía Bắc diễn ra tại TP Thái Nguyên từ 31/3 đến 02/4. Chương trình tập huấn một số nội dung trọng tâm như: Tổng quan về chương trình PISA năm 2024; Nhiệm vụ, các hoạt động chính của Hội đồng khảo sát cấp tỉnh, Tổ khảo sát cấp trường, Giám sát, Điều phối viên cấp trường, Khảo sát viên; Hướng dẫn sử dụng nền tảng đánh giá học sinh và nền tảng trả lời bảng hỏi nhà trường; Thực hành đóng vai, mô phỏng quá trình tổ chức triển khai khảo sát tại trường…

“Chương trình được thiết kế phù hợp, với các nội dung chi tiết và bổ ích, đã giúp cho giáo viên chúng tôi hiểu đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện quy trình khảo sát, đánh giá.” - cô Nguyễn Lan Anh (Trường THPT Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn) trao đổi.
PISA - Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng - là một trong những chương trình đánh giá quy mô lớn, có uy tín hàng đầu thế giới hiện nay. Chương trình này không chỉ giúp các quốc gia, nền kinh tế đo lường năng lực của học sinh 15 tuổi trong ba lĩnh vực cốt lõi gồm Đọc hiểu, Toán học và Khoa học, mà còn cung cấp những phân tích sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ hoạch định chính sách và cải thiện chất lượng giáo dục. Việt Nam chính thức tham gia PISA từ chu kỳ 2012 và đã liên tục ghi dấu ấn với những kết quả đáng khích lệ.